Lễ hội làng Hùng Lô

Hùng Lô xưa có tên gọi là Khả Lãm Trang, sau đổi thành làng An Lão. Xã Hùng Lô cách Đền Hùng 9km về hướng Đông có tổng diện tích gần 2km2, dân số hơn 6.000 người; Phía Đông giáp sông Lô, phía Tây giáp Kim Đức, phía Nam giáp xã Phượng Lâu (thành phố Việt Trì), phía Bắc giáp xã Vĩnh Phú (huyện Phù Ninh).

Với địa hình thuận lợi, Kẻ Xốm xưa sớm đã trở thành trung tâm buôn bán và là vùng đất có lịch sử lâu đời. Nơi đây còn bảo tồn và phát huy được những nét đẹp văn hoá, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương Đất Tổ, xứng đáng là nơi cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Đến với đình Hùng Lô trong những dịp hội lễ, du khách sẽ được hòa mình trong lễ rước kiệu quy mô hoành tráng. Lễ hội làng Xốm, xã Hùng Lô đã có truyền thống lâu đời, mỗi năm có 2 lần tổ chức là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 Âm lịch và lễ tiệc Thánh hóa vào ngày 12-9 Âm lịch. Nhưng lớn nhất vẫn là lễ rước kiệu dâng lễ vật về Đền Hùng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Tục thờ cúng Vua Hùng gắn liền với Lễ hội truyền thống của nhân dân Hùng Lô. Lễ hội làng Xốm, xã Hùng Lô đã có truyền thống lâu đời, mỗi năm có 2 lần tổ chức là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 Âm lịch và lễ tiệc Thánh hóa vào ngày 12-9 Âm lịch. Nhưng lớn nhất vẫn là lễ rước kiệu dâng lễ vật về Đền Hùng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Nghi lễ được chuẩn bị chu đáo, công phu trước hàng tháng từ việc sắm lễ vật, nuôi gà thờ, chọn người làm cỗ thờ, chọn trung nam rước kiệu đến lựa chọn ngôi chủ tế.  

Phần lễ gồm các nghi thức: Dâng lễ vật lên Vua Hùng gồm bánh chưng, bánh giầy, hoa quả và những vật phẩm của dân làng làm ra.

Sau phần lễ, dân làng tổ chức rước kiệu vào Đền Hùng. Đoàn rước kiệu có khoảng 200 người ăn mặc trang phục lễ hội truyền thống rước 4 cỗ kiệu. Trên đường rước kiệu từ Hùng Lô tới Đền Hùng đoàn rước có múa sư tử ở mỗi chặng dừng nghỉ: Rước tới ngã ba Hàng, đoàn nghỉ lại một đêm, sáng sớm ngày 10 tháng 3 thì rước vào Đền Hùng. Sau khi rước kiệu lên đền Thượng dự lễ tế Tổ xong, kiệu Hùng Lô được rước về làng với tinh thần hồ hởi phấn khởi của nhân dân. Để đón đoàn rước về, từ trong làng cỗ kiệu bát cống được rước với nghi thức trang nghiêm cùng phường bát âm rộn ràng trong nắng mùa xuân ra đầu làng cùng nhập chung đoàn rước kiệu về đình làng. Dân làng lễ tạ theo nghi thức đại tế sau đó làm lễ cất kiệu và kết thúc Lễ hội.


Lễ rước kiệu Hùng Lô( Ảnh: Sưu tầm)

Phần hội với các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Trong đó, nhiều trò chơi dân gian được tái hiện lại như cờ người, chọi gà, bịt mắt đánh trống, thi gói nấu bánh chưng nhanh…

Từ năm 2007 Hùng Lô phục chế lại tục lệ thi làm cỗ thờ ngày xưa. Cả làng chia làm ba hàng: Hàng Đông, hàng Thượng, hàng Trung. Mỗi hàng cử ra một người nuôi gà lễ. Gà phải được nuôi từ năm trước, bằng thóc, bột ngô, cám nếp… gà béo, khỏe mạnh. Khi sắm lễ phải chọn người không có tang, biết làm từ việc cắt tiết, vặt lông, luộc gà không bị xước da, luộc không nứt; gạo thổi xôi phải chọn gạo nếp trắng, thơm, dẻo. Cử các cô gái chưa chồng chọn những hạt gẫy, hạt xấu bỏ ra. Nước luộc gà, thổi xôi phải bơi thuyền ra giữa dòng sông Lô lấy đem về nấu.

Phải hòa mình vào lễ hội rước kiệu đình Hùng Lô mới có thể cảm nhận được cái không khí vừa trang nghiêm lại vừa rộn ràng, tấp nập của ngày lễ. Với việc giữu gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ rước kiệu, người Hùng Lô đã không chỉ trực tiếp giáo dục truyền thống lịch sử- văn hóa của quê hương, đất nước cho các thế hệ ở địa phương mà  còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc một cách thiết thực.

Ths Lê Thị Xuân Giang-Trung tâm TTXT Du lịch

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.