Trà Bát Tiên Long Cốc – đặc sản hương Trà Đất Tổ

Về miền Trung du Đất Tổ, cội nguồn dân tộc Việt Nam với những đặc sản nổi tiếng mang đậm vùng đất Phú Thọ như: thịt chua, củ mài, củ sắn, măng, rau sắn, quả cọ, quả trám… và không thể không nói tới chè Bát Tiên Long Cốc, một loại chè nổi tiếng được trồng ở Long Cốc, huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ. Chè Bát Tiên là giống chè được nhập từ Đài Loan vào năm 2003 và lai tạo với giống trà địa phương để cây chè dễ thích nghi với khí hậu nước ta nhưng vẫn giữ cái tên Bát Tiên. Giống chè này được dùng để sản xuất trà Ô Long nổi tiếng ở Đài Loan – Quảng Đông và Phúc Kiến ( Trung Quốc). Tuy nhiên khi được trồng thử nghiệm và sau đó nhân rộng ra các vùng trà ở Phú Thọ thì người dân nơi đây lại sản xuất loại trà này theo phương thức trà xanh và kết quả là chúng ta có một giống trà ngon. Do yếu tố thổ nhưỡng nên cây chè được trồng ở đây có vị đặc trưng riêng mà không một nơi nào có được.


           Các cô thôn nữ thu hái chè tại đồi chè Long Cốc – Ảnh: Sưu tầm

Cây chè Bát Tiên Long Cốc thuộc dạng thân trung bình, tác đứng, mật độ cành thưa. Lá màu xanh nhạt có răng cưa rõ, chiều dài trung bình, chóp lá hơi nhọn trà khô cánh trà nhỏ xíu và xoăn tít, nhiều lông trắng. Búp chè khi còn non có màu phớt tím, có tuyết. Cây chè 4 – 5 tuổi tán rộng trung bình khoảng hơn 1m. Chè Bát Tiên có cọng trà nhỏ và chắc hơn các loại trà khác, cánh trà cũng có mao trắng ở phần tôm nhưng mật độ không nhiều như Chè Shan Tuyết. Nước trà xanh, hương thơm, cả ba vị đắng chát ngọt đều có đủ và hòa quyện đều với nhau một cách vừa phải nên dễ uống hơn các giống trà truyền thống của nước ta. Ngoài ra, chè Bát Tiên còn có đặc tính là pha được nhiều nước (khoảng từ 4 – 5 nước). Với hương vị thanh mát, không chát uống nhiều có tác dụng như làm đồ uống giải khát, ngoài ra sản phẩm còn là một loại lá thuốc giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ, giúp bảo vệ xương chống lão hóa, chống ung thư, tăng sự tập trung, giúp ổn định huyết áp, giúp củng cố hệ thống miễn dịch..v..v..


Quy trình chế biến chè Bát Tiên, Long Cốc – Ảnh: Sưu tầm

Chè Bát Tiên Long Cốc được trồng ở những quả đồi to có dáng tròn như hình bát úp khi chè lên cao tầm 1m là được những người nông dân cắt tỉa gọn gàng, đều đẹp đứng từ xa nhìn xuống ta sẽ thấy như những thảm cỏ xanh mướt bạt ngàn hình bát úp, một màu xanh mởn mởn đầy sức sống.

Ngày nay chè Bát Tiên Long Cốc được sản xuất theo dây truyền tiên tiến kết hợp với truyền thống đã tạo ra một sản phẩm hoàn hảo cả về chất lượng và mẫu mã nên ngày càng được khách hàng gần xa ưa thích. Quy trình sản xuất chè được chế biến như sau: trước tiên là sử dụng phương pháp sao khô làm héo chè giảm bớt lượng nước trong chè, công đoạn này thực hiện bằng lồng sao nhiệt độ cao. Giai đoạn tiếp theo là vò chè, giai đoạn này làm giảm chát trong trà. Chè sau khi vò được cân bằng ẩm. Giai đoạn sao chè cuối cùng, dùng máy sao chuyên dụng tuy nhiên vẫn cố định phẩm chất, giảm nước tạo ra sản phẩm chè cuối cùng với chất lượng cao.

Thật vậy, cây chè nơi đây được hấp thụ từ những tinh hoa của đất trời giúp nuôi dưỡng cây chè xanh tốt và đặc biệt là có một hương vị rất riêng đặc trưng mà không một vùng nào có được. Vì thế Chè Bát Tiên Long Cốc đã ngày càng trở thành thương hiệu nổi tiếng được nhiều người biết đến.


Sản phẩm chè Bát Tiên, Long Cốc – Ảnh: Sưu tầm

Đến Long Cốc ta không chỉ được thưởng thức hương vị trà thơm ngon đặc trưng mà ta còn được thư giãn trước phong cảnh khoáng đạt rất đỗi thanh bình của những đồi chè xanh mướt trải dài cả quả đồi ở đây. Chúng ta có thể check in chụp hình lưu niệm trên các đồi chè cũng rất đẹp, rất thú vị.

 Nếu bạn có dịp về thăm đất Tổ đừng quên đến Long Cốc nơi có những đồi chè tuyệt đẹp ví như các nàng tiên nữ giáng trần làm say đắm lòng người và bao thế hệ thi ca. Hãy đến trải nghiệm không gian thoáng mát, không khí trong lành và cùng nhau thưởng thức hương vị thơm ngon của Chè Bát Tiên Long Cốc bạn nhé!

Quỳnh Anh – Trung tâm TTXT Du lịch

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.