Bánh Chưng Hùng Lô

Mảnh đất Phú Thọ không chỉ là vùng Đất Tổ cội nguồn của Việt Nam nơi từ ngàn đời xưa Vua Hùng đã chọn đất đóng đô dựng nên nhà nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt mà còn là nơi khởi nguồn của nhiều món ăn đặc sản.  Ẩm thực vùng Đất tổ Phú Thọ khá phong phú ở sự đa dạng món ăn, ở tính chất vùng miền, ở cách chế biến. Khi tìm hiểu về ẩm thực Đất Tổ có 3 loại đặc thù là món ăn gắn liền với lễ hội, văn hóa tâm linh, món ăn là đặc sản của vùng và món ăn thường ngày của người dân. Trong đó không thể không kể đến bánh chưng Hùng Lô – một loại bánh quen thuộc với nhiều du khách mỗi khi đến nơi đây.

Hùng Lô xưa có tên gọi là Khả Lãm Trang, sau đổi thành làng An Lão. Xã Hùng Lô cách Đền Hùng 9km về hướng Đông có tổng diện tích gần 2km2, dân số hơn 6.000 người; Phía Đông giáp sông Lô, phía Tây giáp Kim Đức, phía Nam giáp xã Phượng Lâu (thành phố Việt Trì), phía Bắc giáp xã Vĩnh Phú (huyện Phù Ninh). Với địa hình thuận lợi, Kẻ Xốm xưa sớm đã trở thành trung tâm buôn bán và là vùng đất có lịch sử lâu đời. Nơi đây còn bảo tồn và phát huy được những nét đẹp văn hoá, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương Đất Tổ, xứng đáng là nơi cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Xã Hùng Lô là nơi có nhiều làng nghề truyền thống lâu năm như làng nghề mì gạo, làng nghề rượu Xốm nhưng được biết tới nhiều hơn cả vẫn là làng nghề gói bánh chưng.

Bánh chưng – sản phẩm tiêu biểu của làng nghề bánh chưng, bánh giầy làng Xốm, chính là biểu tượng của đất mẹ, là hai loại bánh tượng trưng cho “Trời tròn- đất vuông” được gắn với tục thờ cúng Tổ tiên của người Việt, mà đỉnh cao là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Hai loại bánh này được gắn với câu chuyện huyền sử về lòng hiếu thảo của Hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương thứ 6 dựng nước. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, bánh chưng bánh giầy vẫn được dân tộc Việt Nam gìn giữ vẹn nguyên về hình dáng, hương vị và dâng lên thờ cúng Tổ tiên.


Xuân hội nhập (Ảnh: Quang Bằng)

Bánh chưng tại xã Hùng Lô có tiếng là ngon vì được lựa chọn kỹ các nguyên liệu từ gạo, đỗ, thịt; chọn lá dong rồi chuẩn bị (ngâm gạo, đỗ, vo gạo, pha thịt…) và quan trọng nhất là kỹ thuật gói làm sao cho chiếc bánh vừa vuông, vừa chặt. Công đoạn luộc bánh cũng quan trọng không kém. Thời gian luộc từ 6 đến 7 tiếng. Bí quyết để luộc bánh mau nhừ là khi luộc bánh cứ sau khoảng 1 giờ lại pha thêm một ít nước lã vào nồi nước đang sôi. Bánh chưng Hùng Lô còn hấp dẫn bởi sự chân tình của người dân nơi đây gắn với ngôi đình Hùng Lô cổ kính trên 300 năm tuổi. Khi đến với Hùng Lô, khách du lịch vừa được tham quan di tích danh thắng đình cổ, lại vừa được trải nghiệm tham quan nơi sản xuất.


Du khách quốc tế theo tuyến du lịch đường sông rải nghiệm gói bánh chưng tại làng cổ Hùng Lô (
Ảnh: Lã Thị Hồng Thùy)

Ngày nay, Hùng Lô hiện có gần 200 hộ làm nghề cung cấp bánh chưng quanh năm suốt tháng. Làng nghề bánh chưng Làng Xốm- Hùng Lô hiện có gần 200 hộ làm nghề, trong đó có 48 hộ trực tiếp sản xuất bánh chưng, bánh dày (chiếm 25% tổng số hộ) và 110 lao động tham gia làng nghề (chiếm 44% tổng số lao động của làng). Người dân Hùng Lô rất tự hào về nghề truyền thống của cha ông vì bánh chưng nơi đây đại diện cho con cháu mọi miền đất nước dâng lễ vật cúng các vua Hùng hàng năm mỗi dịp Xuân về.

Nghề làm bánh chưng đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Xã Hùng Lô đã đưa hoạt động tham quan du lịch làng nghề phát triển thành một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo.  Đặc biệt, bánh chưng Hùng Lô vinh dự được tỉnh nhà chọn là sản phẩm phục vụ ngành du lịch của tỉnh. Đây sẽ là điểm đột phá để đưa Hùng Lô phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

Ths Lê Thị Xuân Giang-Trung tâm TTXT Du lịch

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.