Giá trị các ngôi nhà cổ tại xã Hùng Lô – Thành phố Việt Trì – Tỉnh Phú Thọ.

0-3

Hình ảnh: Khách du lịch nước ngoài tham quan Nhà ông Nguyễn Hoàng Phúc

(Khu 4, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)

Việt Trì – Phú Thọ nơi phát tích của dân tộc Việt Nam, từ thời đại các Vua Hùng dựng nước đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đã tạo ra những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Hiện nay, nhiều phường, xã còn lưu giữ những dấu tích xưa mang giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể cần khôi phục, bảo tồn, giữ gìn và phát huy. Lịch sử Đảng bộ xã Hùng Lô đã ghi lại quá trình phát triển kinh tế, xã hội và định cư lâu dài của cư dân. Do có lợi thế ở ven sông Lô, nên Hùng Lô đã trở thành nơi buôn bán sầm uất, trên bến, dưới thuyền. Bằng bàn tay tài hoa và khối óc thông minh, sáng tạo, các nghệ nhân An Lão- Hùng Lô khi xưa đã để lại cho hậu thế nhiều công trình văn hóa có sức sống lâu bền và lan tỏa như các công trình văn hóa, tín ngưỡng, công trình tôn giáo có giá trị tinh thần quan trọng như đình, chùa, đền…Hiện nay, trên địa bàn xã Hùng Lô có khoảng 50 ngôi nhà gỗ cổ có niên đại khoảng từ 100 năm tuổi trở lên, các ngôi nhà đều lưu giữ những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa đa dạng:

– Về giá trị lịch sử và kiến trúc:Những ngôi nhà gỗ cổ hầu hết được xây dựng trong giai đoạn cuối thời kỳ xã hội phong kiến Việt Nam (Triều đại Nhà Nguyễn)và trong quá trình xâm lược, đô hộ của thực dân Pháp (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX). Điều đó phản ảnh một thời kỳ lịch sử đặc trưng của làng xã Việt Nam với các quan hệ xã hội phức tạp, phân chia giai cấp rõ rệt (địa chủ, phong kiến, tay sai…). Xuất hiện nhiều người có chức sắc trong làn (Địa chủ, Chánh tổng, Lý trưởng….), đa phần họ là chủ nhân xây dựng các ngôi nhà gỗ cổ, địa vị xã hội ấy đã phần nào phản ánh hình dáng, kết cấu và giá trị của các ngôi nhà gỗ cổ.

Hầu hết các ngôi nhà gỗ cổ ở xã Hùng Lô được thiết kế theo kết cấu chồng rường 5 hoặc 6 hàng chân…với nguyên liệu chủ yếu là gỗ tự nhiên, vì gỗ có độ bền, chắc, dẻo dai, chịu lực, dễ chạm khắc những họa tiết, hoa văn tinh tế, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, với phong cách cổ điển, sang trọng. Đa số các ngôi nhà có kết cấu 3 gian 2 chái (hoặc 2 dĩ) cân đối. Trên những chồng bồn, kẻ, bảy, câu đầu của những ngôi nhà cổ này đều được chạm khắc những biểu tượng lân, ly, quy, phượng (tứ linh), tùng, trúc, cúc, mai(tượng trưng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông). Đây thực sự là những tác phẩm điêu khắc đặc sắc được tạo nên từ những bàn tay tài hoa của người thợ mộc và thông qua đó gửi gắm một triết lý sống phương Đông, đó là sự hoà đồng giữa con người với thiên nhiên hướng tới sự trường tồn, vĩnh cửu trong đời sống và thanh tao trong tâm hồn; cũng phần nào phản ánh điều kiện kinh tế, sự sung túc của người dân nơi đây ‘thời Kẻ Xốm trên bến dưới thuyền” và đặc trưng của làng quê Việt Nam lúc bấy giờ.

– Giá trị cư trú:Có “an cư” mới “lạc nghiệp”, dựng được cho mình một “nơi chốn đi về” mỗi ngày, thì đó là một thành công trong cuộc đời mỗi con người. Những ngôi nhà gỗ ở xã Hùng Lô được xây dựng lên đều có một mục đích chung nhất là đáp ứng nhu cầu cư trú, để có một nơi nghỉ ngơi, trú mưa, nắng. Với một làng nằm ở gần sông thì việc ổn định nhà ở rất quan trọng, việc xây dựng những ngôi nhà không chỉ đảm bảo cư trú mà còn xây dựng làm sao để họ có thể tránh được những hậu quả lũ lụt vàomùa mưa, nắng nóng và mùa hè. Ngôi nhà của họ rất bình dị, có sân vườn, hàng rào bao quanh. Ngôi nhà thể hiện rõ nguyên tắc tổ chức “không gian sinh hoạt gia đình”. Từ cách sắp xếp không gian ở chính phụ, tổ chức sân vườn, cổng ngõ thể hiện sự quan tâm tới chức năng của ngôi nhà đối với đời sống của con người. Hầu hết các ngôi nhà gỗ cổ ở Hùng Lô, gian giữa là nơi thờ tự, hai gian bên cạnh thường đặt giường nằm, gian buồng là của bố mẹ hoặc các con. Ngôi nhà là tổ ấm gia đình, nơi mang lại hạnh phúc cho họ, có ngôi nhà ở cố định được người dân đặc biệt coi trọng “làm nhà, cưới vợ, tậu trâu- trong ba việc ấy thật là khó thay”;  ngoàira kiến trúc của ngôi nhà gỗ còn thể hiện quyền uy, sự sung túc, giầu có và cốt cách, tâm hồn và sự chịu chơi của gia chủ.

 – Giá trị kinh tế:Các ngôi nhà gỗ cổ ở Hùng Lô không chỉ là nơi cư trú mà còn có giá trị, chức năng kinh tế. Như chúng ta biết, nhà ở của người Việt thường làm nhiều gian như là 3 gian hoặc 5 gian 2 chái (hoặc 2 dĩ)… Do vậy, trong mỗi ngôi nhà thường có một gian để dùng để chứa thóc, các sản phẩm nông nghiệp khác. Hiên nhà không chỉ được sử dụng để che mưa nắng mà còn được tận dụng để làm nơi phơi đồ, hứng nước mưa để sinh hoạt, và là nơi để sản xuất những sản phẩm thủ công, nông nghiệp. Sân nhà là nơi vui chơi cho trẻ nhỏ, đồng thời còn là nơi để phơi thóc lúa và các sản phẩm khác. Vườn được tận dụng tối đa để trồng cây ăn quả, trồng rau, trồng cây lâu năm và cây cảnh. 

– Giá trị văn hóa, tâm linh: Người Việt nói chung, người dân Hùng Lô nói riêng vốn có lối sống trọng tình cảm, thiên về đời sống nội tâm luôn tưởng nhớ về tổ tiên, cha ông, về những công lao mà thế hệ trước để lại, thể hiện lòng biết ơn và luôn nhớ về tổ tiên. Trong ngôi nhà gỗ cổ của Hùng Lô thường làm từ 3 gianthì có một gian quan trọng nhất là gian giữalà nơi đặt bàn thờ tổ tiên, bà cô ông mãnh trong gia đình, nơi này luôn trân trọng và trang trí sao cho bàn thờ của gia đình mình đẹp nhất và trang nghiêm nhất; có bức hoành phi, nhiều câu đối với nội dung thể hiện những giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam,mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình, dòng họ, đồng thời cũng thể hiện sự hiểu sâu, biết rộng.Có thể thấy, không gian bố trí bàn thờ tổ tiên là không gian chủ đạo, có sự chi phối rõ rệt nhưng không có sự ngăn cách với các không gian còn lại. 

– Giá trị trong quan hệ cộng đồng, làng xóm :Ngôi nhà gỗ cổ ở Hùng Lô có một giá trị khác đó là nơi giao tiếp, tâm giao của chủ nhà với bạn bè, làng xóm…điều đó phản ánh rõ nét đời sống văn hóa, sinh hoạt cộng đồng cách đây hàng thế kỷ. Trong nhà, bàn tiếp khách thường được đặt ở gian bên cạnh (Gian giữa là nơi đặt bàn thờ)để gia chủ tiếp khách, ngồi thưởng trà với bạn bè hoặc với các bậc cao niên trong làng và khách. Qua đó, chúng ta thấy người dân Hùng Lô rất hiếu khách và coi trọng khách đến nhà.

– Giá trị phát triển du lịch cộng đồng:Hiện nay, trong chương trình du lịch (City tour Việt Trì) Hùng Lô là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Nằm trong chuỗi tham quan du lịch cùng với Đình Hùng Lô, nghe hát Xoan, làng nghề làm Mỳ, làm bánh chưng, bánh đa…thì những ngôi nhà gỗ cổ đã được chính quyền địa phương, ngành văn hóa phối hợp với các gia đình đưa khách đến thăm quan (ngoài khách nội địa, gần đây nhiều đoàn khách nước ngoài: Pháp, Anh, Nhật bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ…)… Du khánh rất bất ngờ về những ngôi nhà gỗ cổ, thể hiện những giá trị lịch sử, văn hóa của một làng quê gắn với những điều kiện lịch sử, văn hóa ở thời kỳ xã hội Việt Nam – thuộc địa nửa phong kiến.

Hiện nay, việc gìn giữ các ngôi nhà gỗ cổ ở Hùng Lô đang gặp nhiều khó khăn, đa số các ngôi nhà đã xuống cấp nặng, việc trùng tu và bảo tồn nhà gỗ cổ rất tốt kém, nhất là việc sưu tầm các loại gỗ quý, thợ mộc làng nghề, khéo tay; một số chủ sở hữu các ngôi nhà không có ý định bảo tồn, họ muốn phá đi để làm nhà mới, hoặc để ở tạm.Để khai thác các giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa để phục vụ cho phát triển du lịch của địa phương cần sự nghiên cứu nghiêm túc, khoa học trên cơ sở phát huy vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp và nhà nước, hướng tới xây dựng thành phố Việt Trì trở thành “Thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam”.

Nguyễn Văn Vấn – UVBTV Thành ủy – PCT UBND TP Việt Trì

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.