Đình Cổ Tích – Linh thiêng một cõi Tiên Rồng

Đình Cổ Tích (hay còn gọi là Đình Cả, Đình Trình, Đình Hy Cương) thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, Việt Trì đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia năm 1994. Đây là một trong những ngôi đình nổi bật của các xã vùng ven Đền Hùng còn giữ tục thờ cúng Hùng Vương.

ca2ac0f36201955fcc10Toàn cảnh Đình Cổ Tích

Đình  nằm trên gò cao, gọi là gò làng Cả. Hiện không có bia ký, ngọc phả, tư liệu nào ghi lại chính xác năm xây dựng đình là năm nào. Qua khảo cứu chỉ thấy trên hai câu đầu gian giữa có ghi: “Mậu Ngọ niên kinh thủy, xuân tam nguyệt, hợi nhật, Nhâm Thìn Thượng Lương”. Nghĩa là: Vào giờ Nhâm Thìn, tháng 3, mùa xuân, năm Mậu Ngọ dựng câu đầu, thượng lương đình này, nhưng không rõ năm Mậu Ngọ nào. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì đình này được xây dựng thời Lê Trung Hưng. Lý do là khi giặc Minh tàn phá Đền Hùng, nhân dân đã góp sức người, sức của làm lại đền Trung, rồi mới làm đình.  Đình Cổ Tích vẫn giữ nguyên kiến trúc đình cổ, đao mái của đình cũng chưa cong như các ngôi đình thế kỷ XVIII – XIX. Nghệ thuật chạm khắc đình chủ yếu là hình tượng rồng mang phong cách thời Hậu Lê.Từ những tư liệu nêu trên, kết hợp lối kiến trúc và điêu khắc thì có thể phỏng đoán ngôi đình này được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVII.

d98e1840b8b24fec16a3Các chi tiết điêu khắc đầu rồng tại Đình mang phong cách thời Hậu Lê

Đình được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ Đinh trên diện tích 1.170m2, gồm đại đình 5 gian 2 dĩ và hậu cung. Nơi đây thờ vua Hùng và thần núi Đột ngột Cao Sơn Cổ Việt Hùng Thị Thập Bát Thế Thánh Vương. Ngoài ra đình còn thờ thành hoàng làng là ông nghè He, vốn là tướng của Vua Hùng – người có công lập nghiệp, dựng làng tại chân núi Nghĩa Lĩnh. Đình Cổ Tích còn lưu giữ được cuốn Ngọc phả viết năm Hồng Đức thứ nhất (1470), do Hàn Lâm Viện trực học sỹ Nguyễn Cố soạn, ghi tóm tắt lịch sử, hành trạng của các vua Hùng và tướng lĩnh thời kỳ Hùng Vương.

2fc70e26acd45b8a02c5Gian thờ tự chính tại hậu cung

Ngôi đình này có vai trò lớn trong đời sống tâm linh của người dân, là nơi tổ chức những nghi lễ quan trọng trong vùng và diễn ra lễ hội làng. Trước kia theo tục “con trưởng tạo lệ”, Đình Cổ Tích là điểm xuất phát trong lễ rước kiệu chính lên Đền Thượng vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch. Ngoài ra, hàng năm tại Đình còn diễn ra các kỳ lễ chính: Lễ cầu đầu xuân năm mới (ngày 04/1 âm lịch), lễ rước kiệu dâng hương của TP Việt Trì khai hội Đền Hùng (ngày 05/3 âm lịch), lễ xuân thu – nhị kỳ (ngày 12/3 âm lịch), lễ dâng cơm mới lên quốc Tổ (ngày 12/5 & ngày 12/10 âm lịch), lễ tạ hết năm dâng lên Quốc Tổ ( ngày 25/12 âm lịch)…

Đình Cổ Tích là một trong những ngôi đình nổi bật nằm trong hệ thống các di tích lịch sử thờ cúng Hùng Vương. Các hoạt động, nghi lễ thờ cúng tại Đình mang ý nghĩa thiêng liêng, hướng về nguồn cội, tri ân công đức người có công tạo nên non sông ngày nay, cầu mong tổ tiên phù hộ cho nhân dân cuộc sống được ấm no, hạnh phúc. Bằng tấm lòng thành kính và trách nhiệm cao cả được truyền lại từ bao đời nay, xã Hy Cương vẫn luôn gìn giữ những nét đẹp văn hóa tâm linh này để góp phần tôn vinh giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đình Cổ Tích cùng với một số di tích lịch sử khác tại xã Hy Cương như: Khu Du lịch quốc gia Đền Hùng, Đình Lũng, Am Đường thiền tự… không chỉ thu hút nhân dân trong vùng mà còn là điểm dừng chân của du khách thập phương, trở thành một sản phẩm du lịch tâm linh đặc trưng giành cho du khách khi về với Đất Tổ.

                                                            Bài và ảnh: Phương Thảo – Trung tâm TTXT Du lịch

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons