Những chuyển biến trong hoạt động tour, tuyến du lịch trên địa bàn

(XTDL) – Được đánh giá là có nhiều tiềm năng, nhưng hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua vẫn khó phát triển, bởi thực tế trước đây ngoài Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ và nước khoáng nóng Thanh Thủy, du khách ít có thông tin về các điểm đến tiềm năng hay nói đúng hơn việc kết nối hình thành các tour, tuyến du lịch nội tỉnh chưa thực sự được chú trọng. Tuy nhiên, chỉ hai năm gần đây với việc hàng loạt điểm đến mới được khai thác đưa vào sử dụng đã giúp cho hoạt động tour – tuyến nội tỉnh, liên tỉnh có sự chuyển biến đáng kể, tác động trực tiếp làm thay đổi thói quen du lịch của du khách về tỉnh.

img6124-1507854475

Đồi chè – Điểm đến ưa thích của nhiều du khách khi về Đất Tổ.

Trước đây các địa điểm: Đình và làng cổ Hùng Lô, Miếu Lãi Lèn, Đình Thét, Vườn Quốc gia Xuân Sơn… dù được đánh giá là có nhiều bản sắc văn hóa hấp dẫn và dễ thu hút du khách nhưng thực tế vẫn chỉ là những điểm đến ở dạng tiềm năng. Chỉ vài ba năm gần đây với việc tăng cường quảng bá, đồng thời ngành du lịch cũng phối hợp trực tiếp với các công ty lữ hành trong cả nước thiết kế chương trình đưa du khách về thăm thì những địa danh này mới thật sự được khai thác như một điểm đến du lịch. Trước đây Vườn Quốc gia Xuân Sơn dẫu là một nơi thu hút với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, bản sắc văn hóa đa dạng nhưng vẫn không được nhiều du khách biết đến.

Chỉ đến khi có sự xuất hiện của các đoàn famtrip về khảo sát, hoạt động tuyên truyền quảng bá cho Xuân Sơn mới được đẩy mạnh và khu Vườn Quốc gia này có đông người tìm đến khám phá và trải nghiệm hơn. Hay với việc đưa được điểm Hùng Lô vào khai thác, không chỉ giúp ngành du lịch khai thác hiệu quả một điểm đến tiềm năng mà còn hình thành một sản phẩm du lịch mới – Du lịch đường sông, kết nối các điểm đến Đền Hùng – Đình Hùng Lô (Việt Trì)  – Làng nón lá Gia Thanh (Phù Ninh) hoặc làng nón Sai Nga (Cẩm Khê) – Đảo Ngọc Xanh (Thanh Thủy). Và không chỉ có Hùng Lô, làng nón Gia Thanh hay làng nón Sai Nga, còn nhiều điểm đến mới đã được khai thác đưa vào sử dụng và được du khách đặc biệt yêu thích thời gian qua như: Đền Tam Giang, làng rau Tân Đức (Việt Trì), Nhạc đường Bá Phổ, Đình làng Đào Xá (Thanh Thủy), Đền Du Yến (Thanh Ba)…

Trên cơ sở các điểm đến đã được khai thác, các sản phẩm du lịch đặc trưng bước đầu được xây dựng, phát triển tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh phục vụ du khách. Trong đó tuyến du lịch nội tỉnh có: Kết nối các khu, điểm du lịch như Việt Trì (khu di tích lịch sử Đền Hùng, Bảo tàng Hùng Vương, đình Hùng Lô…) – khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn – Thanh Thủy (khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, đền Lăng Sương, tượng đài chiến thắng Tu Vũ, làng nghề truyền thống…); Việt Trì – Hạ Hòa (đền Mẫu Âu Cơ, khu du lịch đầm Ao Châu…); Việt Trì – Vườn Quốc gia Xuân Sơn; Việt Trì – Hạ Hòa – Thanh Thủy; Việt Trì – Thanh Sơn – Thanh Thủy; Việt Trì – Đoan Hùng (tượng đài chiến thắng Sông Lô, vườn bưởi, làng nghề truyền thống)… Tuyến du lịch liên tỉnh lại khai thác theo cung đường 8 tỉnh Tây Bắc; xây dựng tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng 3 tỉnh Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ; kết nối với các tỉnh trong cả nước.

img6141-1507854540
Du khách thăm quan tại Bảo tàng vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Theo số liệu của Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh, năm 2015 Trung tâm đã thực hiện tư vấn hỗ trợ cho trên 60 công ty lữ hành và khách du lịch sử dụng tour trên địa bàn với gần 6.000 lượt khách. Trong đó riêng khách về thăm quan đình làng cổ và xem hát Xoan tại Hùng Lô trên 80 đoàn với gần 2.500 lượt khách và 15 đoàn khách quốc tế gồm 250 lượt người du lịch theo đường sông. Sang năm 2016, số lượng khách được Trung tâm hỗ trợ thông tin đã tăng lên trên 2 triệu lượt khách, trong đó số khách về Hùng Lô đã là gần 8.000 lượt người và 500 khách đi theo đường sông. 9 tháng đầu năm 2017 đã có 330 đoàn với gần 7.500 lượt khách được Trung tâm hỗ trợ, trong đó có gần 400 lượt khách quốc tế. Theo bà Phùng Thị Hoa Lê – Giám đốc Trung tâm TTXTDL tỉnh: Các đoàn khách về Hùng Lô, Xuân Sơn, đồi chè Địch Quả và Mỹ Thuận, Nhạc đường Bá Phổ khá đều, bình quân 2 đoàn/tuần/điểm. Các điểm còn lại như Miếu Lãi Lèn, làng rau Tân Đức hay làng nón Gia Thanh tuy có ít khách hơn nhưng vẫn duy trì thường xuyên.

Để hoạt động tour, tuyến trên địa bàn “khởi sắc” như hiện nay không thể phủ nhận vai trò tích cực của Trung tâm TTXTDL tỉnh trong việc nghiên cứu hình thành các điểm đến mới trên địa bàn thời gian qua. Cùng với việc xây dựng sản phẩm du lịch thì Trung tâm là cầu nối thông tin tư vấn, giới thiệu, kết nối các hãng lữ hành vào cuộc để cùng đầu tư khai thác sản phẩm du lịch giới thiệu đến với khách du lịch sử dụng sản phẩm du lịch đã được xây dựng.

Trung tâm liên kết với các hãng lữ hành xây dựng sản phẩm du lịch và đa dạng hóa chất lượng dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của du khách đồng thời hỗ trợ các hãng lữ hành giải quyết các vướng mắc trong quá trình xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và hành lang pháp lý thông thoáng để các hãng lữ hành có thể khai thác các sản phẩm du lịch của tỉnh.

Nguồn: Kim Thư – baophutho.vn

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.