lan tỏa làn điệu Xoan

img6685-1521185648

Các đào nhí tập luyện hát Xoan.

 “Hát Xoan Phú Thọ” chính thức được UNESCO đưa ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản của cả cộng đồng, những làn điệu Xoan đã thực sự lan tỏa. 

Qua khảo sát, trên địa bàn hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc hiện có 18 xã (Phú Thọ 15 xã và Vĩnh Phúc 3 xã) có nguồn gốc về hát Xoan. Số di tích liên quan đến hát Xoan là 31 di tích. Hiện nay, miếu Lãi Lèn – di tích vật thể gắn với tích ra đời của hát Xoan đã được UBND tỉnh đầu tư khôi phục. Cùng với đó, các di tích đình, đền ở các làng có hát Xoan đã được tu bổ, chỉnh trang. Đối với những nghệ nhân hát Xoan, những “báu vật nhân văn sống” của di sản cũng được tỉnh vinh danh, khen thưởng vì đã có công bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản. Công tác tuyên truyền, quảng bá hát Xoan trên các phương tiện thông tin đại chúng được đẩy mạnh để công chúng hiểu ý nghĩa, giá trị của hát Xoan Phú Thọ và đưa di sản đến gần hơn với đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự tâm huyết của các nhà khoa học và sự nỗ lực của các nghệ nhân thời gian qua đã tạo được hiệu ứng tốt góp phần vào sự hồi sinh nghệ thuật dân gian này.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị nguyên vẹn 4 phường Xoan gốc là: Phù Đức, Thét, Kim Đái, An Thái được tạo điều kiện. Cấp ủy, chính quyền tại các phường Xoan cũng đã tạo điều kiện để các trùm phường Xoan, các nghệ nhân thuận lợi trong việc phục hồi, truyền dạy các bản hát cổ đúng thể thức cho thế hệ sau. Việc truyền dạy tại cộng đồng cũng được thực hiện theo kế hoạch cụ thể để công chúng, nhất là giới trẻ hiểu đúng, hát đúng Xoan.

Ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã tổ chức các lớp truyền dạy và thực hành hát Xoan thông qua tổ chức đào tạo lớp nghệ nhân kế cận, đặc biệt là nghệ nhân trẻ, truyền dạy cho lớp trẻ trong cộng đồng các phường Xoan gốc và cán bộ văn hóa xã, phường, hạt nhân văn nghệ các câu lạc bộ dân ca trên địa bàn tỉnh. Đây là nội dung quan trọng, quyết định tính bền vững cho sự bảo tồn lâu dài của di sản hát Xoan. Các lớp truyền dạy và thực hành hát Xoan tại 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu, thành phố Việt Trì tập trung vào các lớp nghệ nhân kế cận và truyền dạy hát Xoan trong cộng đồng các phường Xoan đồng thời tổ chức truyền dạy, tập huấn cho cán bộ văn hóa xã, phường, hạt nhân văn nghệ các CLB dân ca trên địa bàn thành phố Việt Trì và các xã có hát Xoan của tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có trên 30 câu lạc bộ hát Xoan, gần 2.000 đội văn nghệ đã trình diễn được một số quả cách hát Xoan. Việc truyền dạy hát Xoan được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Không chỉ ở thành phố Việt Trì – cái nôi của hát Xoan mà còn được phổ biến, truyền dạy rộng rãi ở các huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số như: Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng. Hầu hết các trường học đã đưa hát Xoan vào chương trình giảng dạy, phổ biến trong hệ thống các trường tiểu học và trung học cơ sở. UBND thành phố Việt Trì đã tổ chức Liên hoan hát Xoan trong trường học thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia. Trường Đại học Hùng Vương dành chương trình ngoại khóa hàng tuần tổ chức dạy và dàn dựng các tiết mục hát Xoan trong sinh viên.

Tại các phường Xoan gốc đều đang duy trì các lớp học hát Xoan với 4 -5 thế hệ, nhỏ nhất là các cháu lên 8 -9 tuổi cho đến nghệ nhân cao niên 80 tuổi. Tại đây, các thế hệ đào, kép đã cùng nhau truyền dạy không chỉ là kỹ thuật thể hiện những lời ca, điệu múa mà còn khơi gợi tình yêu và niềm đam mê dành cho mỗi câu Xoan.

img6693-1521185648

Thời gian qua, tỉnh cũng đã phối hợp với nhiều chuyên gia, nhạc sĩ nghiên cứu, sưu tầm để biên soạn xuất bản đĩa CD, Tổng tập hát Xoan Phú Thọ đồng thời tổ chức các chương trình giao lưu trong và ngoài tỉnh, tổ chức liên hoan tiếng hát Xoan tại các lễ hội lớn… qua đó đã khẳng định sức sống trường tồn của loại hình dân ca nghi lễ độc đáo từ thời Hùng Vương.

Tuy nhiên, để hát Xoan trường tồn, Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết- Trùm phường Xoan Kim Đái nêu ý kiến: Hát Xoan vốn gắn liền với các di tích có liên quan đến thờ cúng Vua Hùng, đây cũng là không gian diễn xướng chính của loại hình di sản này. Do đó, rất mong các cấp, các ngành tiếp tục trùng tu, tôn tạo, khôi phục, phát huy các di tích lịch sử gắn với hát Xoan, thờ cúng Vua Hùng, đó là cơ sở đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản hát Xoan. Đây không chỉ là địa điểm thu hút khách du lịch mà còn tạo cho hát Xoan một không gian văn hóa, môi trường diễn xướng đúng nghĩa.

Cùng chung ý kiến, Trùm phường Xoan Thét, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: Cấp thiết nhất là việc tiến hành phục dựng lại những di tích gốc, tạo ra không gian biểu diễn cho hát Xoan. Cùng với đó là việc bổ sung kinh phí hoạt động cho các phường Xoan, chế độ hỗ trợ để các nghệ nhân duy trì sinh hoạt. Mong rằng tỉnh tổ chức nhiều hơn nữa các buổi giao lưu hát Xoan trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, việc quan tâm đến chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân – những “báu vật nhân văn sống”, nhân tố hàng đầu trong việc bảo tồn, truyền dạy hát Xoan cũng cần được quan tâm bởi hầu hết các nghệ nhân tuổi đã cao, sức yếu, trí nhớ mai một dần. Việc đưa hát Xoan vào trường học và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, nghệ sỹ ưu tú cho các nghệ nhân hát Xoan đã khẳng định sự quan tâm của tỉnh đối với đội ngũ đang thực hiện gìn giữ và lưu truyền, điều đó chính là động lực khuyến khích các nghệ nhân duy trì việc truyền dạy và phát triển nghệ thuật hát Xoan. Có như vậy hát Xoan mới bám rễ sâu trong đời sống văn hóa; lời ca, điệu múa của di sản hát Xoan mới vang mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác, thấm đẫm tình non nước và nghĩa đồng bào trên quê hương Đất Tổ.

Nguồn: http://baophutho.vn

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.