Về Thanh Uyên vui hội đền Chẹo

img0977-1520569876

Hát Ghẹo tại đền Chẹo. Ảnh: Tuấn Dũng

 Hàng năm vào tiết trời mùa xuân ấm áp, người dân làng Nam Cường, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông dù có đi gần, đi xa cũng trở về quê nhà trẩy hội đền Chẹo. 

Đền Chẹo thuộc làng Nam Cường, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 1121/QĐ-UBND ngày 01/7/1995. Ngôi đền là nơi thờ Đức Đại Vương Ngô Quyền – vị vua lừng danh trong lịch sử dân tộc, người nổi tiếng với chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938, đánh đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi, mở ra một thời đại mới, độc lập, tự chủ cho dân tộc Việt Nam.

Theo truyền thuyết, Ngô Quyền thường cùng thái tử đến vùng Nam Cường săn bắn, rồi cùng nhân dân ăn uống, nghỉ ngơi tại đây. Sau khi ông mất nhân dân Nam Cường đã lập đền thờ trên khu rừng Chẹo để tưởng nhớ công đức của Ngô Quyền với dân tộc, quê hương. Đền Chẹo tọa lạc trên một đồi cao, phía trước đền có hồ thông thủy dẫn nước ra đầm Nam Cường. Trước cổng đền là cây đa cổ thụ nghìn năm tuổi, tạo cho ngôi đền thêm cảnh thâm nghiêm, cổ kính. Với thế “Tọa sơn đạp thủy”, cùng với cảnh sắc thiên nhiên hài hòa, ngôi đền càng trở nên linh thiêng, tạo thành một danh thắng với cảnh quan sơn thủy hữu tình, thu hút khách thập phương đến hành hương, chiêm bái. Đây cũng là nơi hàng năm nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống, nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống của dân tộc.

Trong một năm nhân dân Nam Cường tổ chức hai ngày tiệc: Ngày 18/4 âm lịch, là ngày giỗ của Đức đại vương Ngô Quyền; ngày 11 tháng Giêng (ngày Ngô Quyền xưng vương) và là ngày tiệc chính. Lễ hội chính diễn ra trong hai ngày 10 và 11 tháng Giêng. Từ ngày 10 nhân dân bắt đầu tổ chức giã bánh giày, làm cỗ lộc, phong cờ và tắm kiệu tại sân đền. Vào buổi chiều, nhân dân tổ chức tế lễ kính cáo và rước kiệu từ sân đền đến nơi làm cỗ cúng là nhà văn hóa Minh Khai (nay là nhà văn hóa khu 4). Ngày 11 là ngày lễ chính, tổ chức rước cỗ thờ và kiệu về đền; sau đó chủ tế thay mặt con dân trong xã cúng cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, nhà nhà được ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra vào những ngày 30 hay ngày 14 âm lịch hàng tháng, đền đều mở cửa đón con dân trong làng về làm lễ. Trong các ngày tiệc ở đình đều có tổ chức hát Ghẹo – một loại hình dân ca đặc sắc của vùng Đất Tổ. Hát ghẹo là hình thức hát giao duyên, đối đáp nam nữ phổ biến ở đây; mỗi khi xuân đến, mùa màng bội thu, khi nông nhàn hay những đêm trăng sáng người dân đều tổ chức hát. Những câu hát đối đáp dí dỏm mà gần gũi, vui tươi như gửi gắm trong đó khát khao, mong muốn của người dân nơi đây là một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người người hưởng bình an, no ấm. Ông Phạm Xuân Mùi- Trưởng Ban Quản lý di tích đền Chẹo xã Thanh Uyên cho biết: “Những ngày hội thu hút rất đông nhân dân trong làng tham gia và cả những người dân ở những xã lân cận; có những người con của làng đã rời xa quê đi làm ăn lập nghiệp đều trở về hoặc gửi lễ vật dâng cúng tỏ lòng tri ân tới các bậc tiền nhân đã có công gìn giữ, xây dựng mảnh đất quê hương”.

Trong ngày “đại tiệc của làng”, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức nhằm tăng tính gắn kết cộng đồng dân cư cũng như thể hiện sâu sắc nét đặc trưng trong văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người dân Thanh Uyên. Các trò chơi phổ biến được diễn ra như: Cờ người, tổ tôm điếm, đánh đu,…đặc trưng nhất là bơi trải. Xuất phát từ vị trí địa lý là nằm trong vùng tam giác hợp thành của ba con sông: Sông Hồng, sông Đà, sông Bứa nên người dân Tam Nông nói chung và Thanh Uyên nói riêng mang những nét đặc trưng riêng của cư dân vùng sông nước. Nơi đây, tục bơi trải đã có từ xa xưa. Theo những người già trong làng thì bơi trải nhằm tái hiện lại hình ảnh Ngô Quyền huấn luyện quân thuỷ, từ đó tinh thần đoàn kết của những đội thủy binh trở thành cuộc đua tài của con dân trong làng.

Lễ hội đền Chẹo làng Nam Cường diễn ra trong một không gian thiêng thể hiện ước vọng của người dân cầu cho dân khang vật thịnh, mùa màng bội thu. Lễ hội được tổ chức hàng năm là dịp để người dân nơi đây tưởng nhớ vị hiền tài của dân tộc đã có công gìn giữ bờ cõi nước Nam, qua đó giáo dục tinh thần yêu quê hương, đất nước cho toàn thể cộng đồng, ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nguồn: http://baophutho.vn

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.