Giá trị văn hóa là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Lào Cai. Bên cạnh các yếu tố về cơ sở vật chất chuyên ngành, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực thì Di sản văn hóa cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc định vị, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch Lào Cai. Trên cơ sở thế mạnh về tài nguyên du lịch, thiên nhiên nguyên sơ hùng vĩ cùng với bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo của 25 nhóm ngành dân tộc, trong Năm Du lịch Quốc gia 2017 tỉnh Lào Cai sẽ tăng cường giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa và các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Tính đến hết năm 2016, tỉnh Lào Cai có 19 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; cùng với các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nội xây dựng hồ sơ “Nghi lễ kéo co” được tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay tỉnh Lào Cai đang phối hợp với Viện Âm Nhạc Việt Nam tiến hành xây dựng hồ sơ Then Tày Nùng Thái đề nghị UNESCO công nhận trong thời gian tới.
Tỉnh Lào Cai luôn chú trọng nghiên cứu bảo tồn các lễ hội dân gian bị mai một phục dựng thành lễ hội tiêu biểu như lễ Pút tồng của người Dao, lễ Tạ ơn trâu của người Bố Y, Lễ hội Pang Luông của người Tày, Lễ hội cúng rừng “Khoi Kìm” của người Dao, lễ hội cúng rừng “Gạ ma do” của người Hà Nhì, … các lễ hội được tái hiện đầy đủ về thời gian, địa điểm, nghi thức đến các đối tượng tham gia, việc khôi phục các lễ hội này không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc mà còn phát triển thành điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan.
Về văn hóa vật thể, tỉnh Lào Cai có 31 di tích được xếp hạng trong đó có 19 di tích được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, 12 di tích được xếp hạng là di tích cấp tỉnh; phát hiện 17 di chỉ văn hóa Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng và nhiều hiện vật thuộc giai đoạn hậu kỳ Pleistocene – Cách Tân tại hang Mã Tuyển (Mường Khương). Đặc biệt các quần thể di tích lịch sử văn hóa Đền Thượng và di tích lịch sử văn hóa Đền Bảo Hà đã được trùng tu, nâng cấp, quy hoạch thành những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn du khách hành hương. Các di tích văn hóa lịch sử khác như Khu chạm khắc đá cổ Sa Pa, di tích kiến trúc nghệ thuật Dinh thự Hoàng A Tưởng, … cũng là những điểm đến ngày càng thu hút đông khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu.
Nhiều điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai luôn được bình chọn với những thứ hạng cao trong bản đồ du lịch của Việt Nam và Khu vực như: Khu du lịch Sa Pa luôn nằm trong Top 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á, Top 9 điểm đến được trông đợi nhất của Thế giới và Top 5 điểm đến hấp dẫn nhất của Việt Nam; gần đây, Y Tý (Bát Xát) cũng đã lọt vào Top các điểm đến bí ẩn nhất Châu Á và Top các điểm săn mây đẹp nhất Việt Nam; Núi Ky Quan San của Bát Xát cũng được giới trẻ mệnh danh là Thiên đường nơi hạ giới,….
Thông qua việc bảo tồn, khai thác, phát triển tài nguyên tự nhiên và nhân văn, để tạo sự phong phú hấp dẫn thu hút du khách, ngành VHTTDL Lào Cai đã xây dựng đề án, kế hoạch để phát triển sản phẩm du lịch mới, những điểm đến và tour tuyến tiêu biểu, đặc thù.
Sản phẩm Du lịch cộng đồng
Khai thác và phát huy bản sắc văn hóa riêng để phát triển du lịch như: Khai thác vốn tri thức dân gian trong việc chữa bệnh và phát triển thương hiệu “Tắm lá thuốc người Dao Đỏ (Tả Phìn – Sa Pa)”; Khai thác nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao tạo thành sản phẩm thủ công thêu tay độc đáo; Khai thác kiến trúc nhà sàn phát triển thành dịch vụ nhà nghỉ tiêu biểu của dân tộc Tày (Bản Hồ – Sa Pa). Đồng thời, xây dựng các chương trình, thành lập các câu lạc bộ văn nghệ trên cơ sở phục dựng các điệu múa, bài hát thu hút khách du lịch bên cạnh các loại hình du lịch khác. Để du khách trực tiếp trải nghiệm văn hóa ẩm thực địa phương bằng cách để tự tay du khách tìm kiếm nguyên liệu, chế biến các món ăn và thưởng thức; đây là cách làm mới mẻ và hấp dẫn của người dân thích ứng khi du lịch phát triển; Khai thác mô hình nấu rượu, trưng bày và bán sản phẩm cho khách du lịch tại Nhà du lịch Bắc Hà và thử nghiệm loại hình xe ngựa phục vụ chương trình tham quan một số bản làng dân tộc trên địa bàn huyện Bắc Hà; Xây dựng làng văn hóa du lịch dân tộc Hà Nhì – Ý Tý (Bát Xát) thành điểm du lịch cộng đồng với cấu trúc nhà trình tường độc đáo, ….
Phát triển và hình thành các tuyến, điểm du lịch; Sản phẩm tuyến đi bộ hấp dẫn ở Sa Pa Trekking tours)
Đến nay, Lào Cai đã có 18 điểm du lịch và 8 tuyến du lịch địa phương, cộng đồng được công nhận và 9 tuyến điểm du lịch địa phương, cộng đồng đang được thử nghiệm và đưa vào khai thác. Ngoài ra, tuyến đường Sa Pa của Việt Nam được sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet lựa chọn là 1 trong 10 con đường mòn tuyệt vời nhất thế giới dành cho du khách thích đi bộ nhẹ nhàng vào ban ngày. Trong đó có các tuyến: SaPa – Lao Chải – Tả Van- Bản Dền – Thanh Phú; Tuyến SaPa – Cát Cát – Sín Chải là những tuyến du lịch hàng năm thu hút được trên 30 vạn lượt khách du lịch nước ngoài trải nghiệm.
Từ việc phát huy lợi thế về các tuyến điểm du lịch và việc hình thành các tuyến đi bộ hấp dẫn tại Sa Pa. Du khách tham quan trên các tuyến này đều có thể ghé thăm các làng văn hóa du lịch cộng đồng bên cạnh việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên còn được thưởng thức các giá trị ẩm thực, được xem và tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian. Đặc biệt ở Sa Pa đã nghiên cứu cuộc sống hàng ngày của nhân dân để xây dựng các sản phẩm như: “Một ngày làm nông dân của người Dao”. “Một ngày làm cô dâu người Hmông”.Ở các làng du lịch cộng đồng từ văn hóa ẩm thực đến các làng nghề thủ công, thêu thổ cẩm và lời ca tiếng hát… đều trở thành tài sản, hàng hóa trao đổi.
Sản phẩm du lịch chợ phiên
Chợ phiên của đồng bào các dân tộc mang đậm nét sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc vùng cao, lưu giữ những giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Lào Cai tiêu biểu có chợ phiên Bắc Hà được giới thiệu là 1 trong 10 chợ hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á, chợ Cán Cấu (Si Ma Cai), chợ Cốc Ly, Lùng Phình (Bắc Hà), chợ Mường Hum, Bản Xèo, Y tý (Bát Xát), chợ Pha Long, Lùng Khấu Nhin, Cao Sơn (Mường Khương).
Sản phẩm du lịch ruộng bậc thang
Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Sa Pa được xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 2013, được Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới. Đặc biệt là thửa ruộng bậc thang có nhiều bậc nhất – 121 bậc, ở thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải, với trên 100 năm tuổi, được xem là một trong những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất ở Sa Pa. Ruộng bậc thang Sa Pa sẽ được phát triển thành các sản phẩm du lịch thông qua các tour thăm quan, chương trình tour cho du khách tham gia trải nghiệm hoạt động nông nghiệp trên các thửa ruộng bậc thang, ….
Sản phẩm du lịch làng nghề
Tạo thương hiệu trên thị trường, với sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương mà còn trở thành hàng hoá được người tiêu dùng ưa chuộng như các sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc, mây tre đan, rèn đúc, nấu rượu.
Thời gian tới sẽ tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm như: thổ cẩm, đồ trang sức, rượu, chế tác nông cụ sản xuất, rèn đúc… được sản xuất từ những làng nghề truyền thống ở xã Nậm Cang, Tả Phìn, Sa Pả, San Sả Hồ (Sa Pa), xã Bản Phố, Na Hối (Bắc Hà)… Cùng với việc phát triển mạnh các sản phẩm du lịch làng nghề, câu lạc bộ thêu dệt thổ cẩm, các cửa hàng bán đồ lưu niệm, các thương hiệu hàng hóa đặc sản địa phương như: Thổ cẩm Sa Pa, tương ớt Mường Khương, gạo Séng Cù Mường Khương, rượu San Lùng Bát Xát…. cũng đang được quan tâm phát triển.
Du lịch văn hóa tâm linh
Du lịch tâm linh là một dạng du lịch đặc thù của du lịch văn hóa, đó là những cuộc hành trình về với di sản, di tích, danh thắng, lễ hội cổ truyền; đây không chỉ đơn thuần là hoạt động hành hương, tôn giáo tín ngưỡng thuần túy mà còn là động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội. Lào Cai là tỉnh có nhiều Di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Bảo Hà, Đền Cô Tân An, Đền Cấm, Đền Đôi Cô, chùa Cam Lộ, …. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh cho nhân dân, du khách mà còn tăng cường sự gắn kết giữa các cộng đồng dân tộc.
Ngoài ra, tỉnh Lào Cai còn đã và đang thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng một số dịch vụ tắm lá thuốc cao cấp tại thị trấn Sa Pa; triển khai mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp Hoa tại Bắc Hà; tổ chức các cuộc thi Marathon vượt núi quốc tế; thi leo núi Fansipan; quan tâm tổ chức thực hiện các lễ hội đương đại gắn với nghi lễ, trò chơi dân gian như Lễ hội trên mây, lễ hội đường phố Sa Pa, lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà, Lễ hội đền Bảo Hà gắn với hội chọi trâu huyện Bảo Yên, Lễ hội đền Trung Đô xã Bảo Nhai (Bắc Hà); xây dựng các mô hình chợ đêm phục vụ khách du lịch trên địa bàn huyện Sa Pa, Bắc Hà và Thành phố Lào Cai; xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên đề về hoa trong Chương trình du lịch “ Sắc hoa Tây Bắc”; thu hút phát triển các sản phẩm du lịch với hình thức và quy mô khác nhau, từ những điểm du lịch lớn, mang tính đại chúng cao (như cáp treo lên đỉnh Fansipan cùng hệ thống dịch vụ đi kèm) tới các sản phẩm du lịch mang tính mạng lưới (du lịch cộng đồng), đem lại tính lan tỏa cao của du lịch.
Với những giá trị văn hóa cùng với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, độc đáo sẵn có sẽ tạo ra sự khác biệt cho các loại hình sản phẩm du lịch, năm du lịch quốc gia 2017 Lào Cai – Tây Bắc với chủ đề: ”Sắc màu Tây Bắc” là cơ hội cho tỉnh Lào Cai quảng bá và khai thác các sản phẩm du lịch mới đặc trưng, mỗi sản phẩm du lịch đều mang những sắc màu riêng biệt, có sức hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ du khách trong và ngoài nước, tạo dấu ấn đẹp về du lịch Lào Cai trong những năm tiếp theo./.
Hà Văn Thắng
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai,
Ủy viên thường trực Ban tổ chức Năm DLQG 2017