Thiên đường mây, chè cổ thụ, suối nước nóng, du lịch lòng hồ thủy điện, thăm bản làng… những điểm không thể bỏ qua khi check-in Sơn La. Nhưng giao thông và cơ sở hạ tầng yếu kém là rào cản bước chân du khách.
Ngắm thiên đường mây, thưởng chè cổ thụ
Xuất phát từ sáng sớm từ Hà Nội đến thiên đường mây Tà Xùa (Bắc Yên – Sơn La), chúng tôi háo hức được tắm mình trong biển mây trắng, trên con đường sống lưng khủng long nổi tiếng. Song, sau quãng đường dài mất 6-7 tiếng ngồi ô tô, 4h chiều khi có mặt tại Tà Xùa, mây sương mù mịt nên cả đoàn lỡ mất cơ hội.
Người dân ở đây cho biết, mùa săn mây Tà Xùa kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau. Để săn được mây và có những bức ảnh đẹp, chỉ trong chốc lát tầm 5-10 phút khi mặt trời ló rạng là biển mây trắng bồng bềnh hiện ra. May mắn, sớm hôm sau có thành viên trong đoàn đã chộp được khoảnh khắc đó vào lúc 4-5h sáng, giữa cái lạnh tê tái. Câu chuyện săn mây rôm rả suốt hành trình, đem lại cho những vị khách thành thị bao cảm xúc hồi hộp xen lẫn tiếc nuối. Âu cũng là cái duyên của mỗi người với đất trời vùng cao.
Sớm hôm sau, đoàn tới thăm vườn chè Bản Bẹ, với những cây chè hàng trăm năm tuổi, cao 2m trở lên, đường kính 30cm mà 2-3 người ôm không xuể. Ở độ cao 1.800m so với nước biển, thường xuyên chìm trong mây mù, chè shan tuyết cổ thụ có vị thơm ngon đặc biệt, ban đầu hơi đắng nhưng hậu ngọt.
Ông Lê Văn Kỳ, chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho hay, Bản Bẹ hiện có 40ha chè với 1.650 cây trung bình từ 70-100 tuổi, có cây cổ thụ lên tới 300 năm tuổi. Đến nay, thương hiệu chè Tà Xùa đã được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước, được các thị trường châu Âu, Trung Quốc, Đài Loan,… ghi nhận và đánh giá cao. Với mức giá 40.000-70.000 đồng/kg ngay từ khi búp còn non và hàng triệu đồng/kg trà khô, cây chè đã góp phần tạo thu nhập cho bà con dân tộc nơi đây.
Ngoài ra, đến Bắc Yên, du khách không nên bỏ qua các điểm đến hấp dẫn khác như bãi đá khắc cổ xã Hang Chú, đồi thông Pu Nhi, hang A Phủ ở Hồng Ngài, hồ sen Hua Nhàn,… Thời điểm này đang là Tết cổ truyền của bà con dân tộc Mông, kéo dài trong vòng 1 tháng với tục bắt vợ độc đáo, nên rất thu hút du khách.
Bắc Yên mới được du khách biết đến nhiều từ cách đây 3 năm. Lượng khách du lịch tăng nhanh hàng năm, từ khoảng 15.000 khách năm 2016 nay là 61.700 khách. Huyện vừa tổ chức lễ hội săn mây kết hợp hội chợ vùng cao Tà Xùa, riêng trong 3 ngày diễn ra thu hút được 6.500 du khách và cuối tuần các cơ sở lưu trú luôn chật kín.
Ông Kỳ chia sẻ, huyện có 8 điểm du lịch rất tiềm năng, hiện đã lập quy hoạch được 4 điểm để mời gọi, thu hút đầu tư.
Rời Bắc Yên sang Mường La, điểm ấn tượng với du khách là Nhà máy thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á hoàn toàn do kỹ sư và công nhân Việt Nam thi công, thăm bảo tàng và tham quan nhà máy. Cũng trên dòng sông Đà còn có nhà máy thủy điện Nậm Chiến với cảnh non nước hữu tình,…
Sau quãng đường rong ruổi cả ngày mệt mỏi, bản Lướt ở Ngọc Chiến chờ đón du khách bằng bể nước khoáng nóng với nhiệt độ lên tới 45-60 độ thư giãn và lấy lại sức trước khi thưởng thức những món ăn đặc sản của Sơn La như pa pỉnh tộp, rêu đá, cá suối, lợn bản, xôi nếp nương,… trong tiếng khèn và điệu múa dập dìu của bà con dân tộc Mông, Thái,… Ngoài suối khoáng nóng, khách còn được thăm nhà thờ của đồng bào dân tộc gắn với cây cổ thụ nghìn năm tuổi, check-in mùa lúa chín, vườn sơn tra rộng tới 1.200ha,…
Hạ tầng cản bước
Tuy nhiên, với những gì mà du lịch Sơn La mời chào du khách thì các địa phương Tây Bắc, Đông Bắc khác cũng có. Do đó, khi tham gia khảo sát và xây dựng tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La 2020 của đoàn famtrip Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội, PGS-TS. Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Du lịch Đại học Văn hóa Hà Nội, cho rằng, tỉnh cần xây dựng thương hiệu du lịch riêng cho từng địa phương, vùng miền, để thấy rõ sự khác biệt.
Giám đốc một DN lữ hành tham gia khảo sát nhận xét, không riêng Tà Xùa có thiên đường mây, mà Y Tý (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu),… cũng có biển mây. Tương tự, đồi chè cổ thụ shan tuyết thì Hà Giang, Cao Bằng,… cũng có. Hoặc suối khoáng nóng thì sát Thủ đô như Hòa Bình, Phú Thọ cũng nhiều. Vì vậy, Sơn La cần xác định điểm khác biệt của biển mây, đồi chè, suối khoáng mang lại cho du khách là gì?
TS. Dương Văn Sáu gợi ý, địa phương có thể sử dụng slogan độc đáo như “Mây Tà Xùa xua buồn phiền”; xây dựng các điểm check-in; tạo thêm trải nghiệm khác cho du khách vào những ngày mù sương, không săn được mây; bán trà đặc sản Tà Xùa trên sống lưng khủng long Háng Đồng; đẩy mạnh du lịch lòng hồ thủy điện, có fanpage giới thiệu thông tin du lịch…
Ngoài ra, rào cản lớn nhất với du khách khi đến Sơn La là hệ thống giao thông và hạ tầng cơ sở yếu kém, thiếu thốn. Điển hình là con đường từ trung tâm huyện Bắc Yên lên Tà Xùa 25km độc đạo, nhỏ và chất lượng kém, nhất là với điều kiện mây mù nên rất khó đi.
Về cơ sở hạ tầng, Tà Xùa mới có một vài nhà nghỉ, homestay với khoảng 300 chỗ, vì thế, mới phù hợp với đi phượt, nhóm nhỏ, quá sức đối với các đoàn xe 30 chỗ, khách đông. Còn tại khu du lịch cộng đồng Ngọc Chiến, tại đây mới có 13 homestay với sức chứa tối đa chỉ 350 người.
Đặc biệt, đường liên huyện từ Bắc Yên sang Mường La, đoạn từ Ít Ong tới Ngọc Chiến, có hơn 10km đường rất xấu, thường xuyên sạt lở do mưa lũ. Đây là trở ngại với du khách nếu muốn kết hợp đi tới các điểm du lịch khác nhau trong tỉnh vì mất nhiều thời gian lại mệt mỏi.
Trong khi đó, nếu từ Hà Nội đi Mường La cũng rất xa, lại không nằm trên trục đường chính, không thuận lợi cho các đoàn tham quan dừng chân. Còn đi sang Mù Cang Chải, Yên Bái qua đèo Khau Phạ quá nhiều trở ngại, xe du lịch 16 chỗ trở lên khó có khả năng di chuyển do đường hẹp và chất lượng xấu.
Chủ tịch UBND huyện Mường La Nguyễn Việt Cường thừa nhận cơ sở vật chất tại huyện vẫn hạn chế, gần như còn hoang sơ, chưa thu hút được những nhà đầu tư có tiềm lực. Huyện đang triển khai làm quy hoạch, tháng 12 mới này mới xong. Sang năm 2021, khi quy hoạch chung được công bố, Mường La xác định rõ các điểm, các khu vực tập trung phát triển cũng như hệ thống hạ tầng để kêu gọi đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch.
Cũng do hạ tầng giao thông yếu kém nên theo ông Cường, Mường La chưa có nhiều sản phẩm du lịch, khách đến chủ yếu vào cuối tuần. Trong 3 năm 2017-2019, huyện chỉ đón được gần 449.000 khách, trung bình mỗi năm đón 150.000 khách, tỷ lệ sử dụng phòng lưu trú đạt 50%.
Bà Phạm Thanh Tâm, Trưởng bộ phần Tour trong nước Vietrantour, nhận xét, cơ sở dịch vụ tại Bắc Yên và Mường La chưa đáp ứng được khi khách đông, nhất là nhà vệ sinh, nước nóng,…
PGS. TS Dương Văn Sáu cho rằng, điểm gấp rút các huyện này cần làm là đầu tư hệ thống giao thông, biển báo, chào cổng chào đặc sắc. Cần có những điểm dừng chân trung tâm (điểm dừng chân lớn) ở cửa ngõ các địa phương và điểm dừng chân nhỏ (check-in),… Trong đó, cần kết hợp giữa yếu tố bản địa và yếu tố hiện đại, với điểm nhấn là văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái, Mông như văn hóa tắm suối, ngày Tết của bà con dân tộc.
Nguồn tin: Ngọc Hà – Vietnamnet.vn