Tượng đài chiến thắng Sông Lô – Di tích lịch sử có giá trị nhân văn và giáo dục sâu sắc của Đoan Hùng

Tượng đài chiến thắng Sông Lô tọa lạc trên núi Đồn thuộc xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng. Phía dưới chân núi, hai dòng sông Lô – sông Chảy hợp lưu tại đây, tạo nên một vùng địa thế non nước hữu tình, đất đai trù phú. Di tích tượng đài chiến thắng sông Lô là công trình được xây dựng nhằm đánh dấu chiến công hiển hách, tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong trận chiến trên sông Lô lịch sử trước thực dân Pháp năm 1947, được Bộ VH -TT, nay là Bộ VH,TT & DL công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 27/9/1997.

Trước Cách mạng tháng 8-1945 núi Đồn là đồn điền của thực dân Pháp. Khi phát xít Nhật đảo chính Pháp tháng 3-1945, địa điểm này trở thành nơi đồn trú của Nhật. Chính vì vậy mà nhân dân địa phương gọi là núi Đồn. Trong trận đánh lịch sử ngày 24 -10 – 1947, các chiến sỹ trung đội pháo 225 đã kéo ngược khẩu sơn pháo “lục tỉnh” lên tận đỉnh núi Đồn để bắn đuổi theo tàu giặc. Năm 1987, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Chiến thắng Sông Lô và tượng đài Chiến thắng Sông Lô đã được xây dựng, ghi nhớ chiến công hiển hách của quân và dân Phú Thọ trong trận đánh năm xưa.

TDSL1-1

Tượng đài chiến thắng Sông Lô (Ảnh: Phương Thảo)

Tượng đài chiến thắng Sông Lô được xây dựng trên đỉnh núi Đồn với tổng diện tích quy hoạch lên tới 2.537 m2; bao gồm hai phần: tượng và đài. Đài chiến thắng mang hình tượng một ngọn lửa cháy bất diệt đang tỏa lên bầu trời nguồn năng lượng vô tận của Chiến thắng Sông Lô với chất liệu gò đồng. Hai bên tượng đài là hai biểu tượng thân tàu và những đợt sóng vút cao nhằm thể hiện hình tượng lịch sử: Con tàu chiến thắng chở sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam đang rẽ sóng ra khơi theo dòng chảy của lịch sử. Đài cao 26m bên cạnh nhóm tượng cao 7m được làm bằng chất liệu bê tông, cốt thép,bên ngoài sơn màu giả đồng.Thân đài được thiết kế rất nhiều góc cạnh đồ sộ và được ốp bằng những viên gạch nhám có màu hồng nhạt xếp khít với nhau. Trên 4 mặt xung quanh của đài tưởng niệm có trang trí 8 bức phù điêu miêu tả Chiến thắng Sông Lô và khái quát một số nét tiêu biểu của truyền thống quê hương và con người Đoan Hùng. Mỗi bức phù điêu là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc với những đường nét nghệ thuật điêu khắc công phu được gắn với nhau vô cùng tinh tế.

Nhóm tượng chiến thắng sát ngay chân đài, mặt tượng hướng về dòng sông Lô trong xanh gồm 5 nhân vật tiêu biểu cho các thành phần, lực lượng đã anh dùng tham gia chiến đấu làm nên chiến thắng Sông Lô. Mỗi pho tượng lại được khắc họa dáng đứng và có thần thái khác nhau; có pho tượng chiến sĩ trong tư thế hiên ngang giơ cao khẩu súng, trên mình mặc áo trấn thủ, sau lưng vác bao gạo, chân đi dép cao su; có pho tượng người chiến sĩ hai tay nắm chắc khẩu súng trường trong tư thế sẵn sàng chiến đấu; pho tượng ở giữa là hình ảnh một nữ du kích người dân tộc, đầu chít khăn, tay cầm gậy, tầm mắt nhìn ra xa sẵn sàng chiến đấu; cũng có pho tượng người chiến sĩ đứng bên khẩu pháo, giơ cao mũ vẫy chào, áo phanh trần bay trong gió để lộ lồng ngực trần khoẻ mạnh tràn đầy sức sống… Những pho tượng kể trên đã khắc hoạ sinh động dáng hình lịch sử của những con người đã làm nên chiến thắng Sông Lô, mang hơi thở của những năm tháng chiến đấu hào hùng truyền lưu lại cho hậu thế một cách trọn vẹn, chân thực. Phía dưới ngang chừng núi Đồn là nhà trưng bày sưu tập các hiện vật của Chiến thắng Sông Lô nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu và giáo dục truyền thống yêu nước phục vụ khách tham quan trong nước và quốc tế.

Quy hoạch di tích được tạo mặt bằng và kè đá mang hình cánh cung cao vút về phía trước. Đứng trên tượng đài có thể bao quát cả một vùng rộng lớn, bao gồm nơi hợp lưu của sông Chảy và sông Lô. Đứng ở khu vực tượng đài, phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy bát ngát dòng sông xanh, san sát những mái nhà, chòm xóm.

SL2

Tượng đài chiến thắng Sông Lô nhìn từ cao xuống (Ảnh: Sưu tầm)

Bao nhiêu năm đã trôi qua, những thế hệ người dân sinh ra và lớn lên, gắn bó với mảnh đất oai hùng này đều mang trong mình một niềm tự hào to lớn mỗi khi nhắc tới chiến thắng vang dội của cha ông xưa kia. Trong ánh mắt của họ, tượng đài chiến thắng Sông Lô không chỉ là công trình vinh danh và ca ngợi chiến thắng Sông Lô mà còn là minh chứng cho sự kiên cường của cha ông đã hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, mỗi thế hệ sinh ra nối tiếp trên mảnh đất này đều được giáo dục sâu sắc về truyền thống hào hùng, lòng yêu nước và sự hy sinh của các thế hệ đi trước, qua đó, vun đắp từng ngày trong lòng của mỗi người dân nơi đây về ý thức trách nhiệm và niềm tự hào đối với quê hương, đất nước.

Tượng đài chiến thắng Sông Lô hiện nay đã trở thành điểm tham quan nổi bật của huyện Đoan Hùng, nơi nhân dân và du khách cả nước tới chiêm ngưỡng và thành kính hướng về cội nguồn dân tộc. Đây là di tích vô cùng quý giá trong việc giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống chống giặc ngoại xâm trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của quân và dân Phú Thọ nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.

Phương Thảo – Trung tâm TTXT Du lịch

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons