Bạch Hạc là vùng đất nằm ở ngã ba Hạc, bên trong, bên đục, mênh mông sông nước. Bên tả là dãy Tam Đảo trùng điệp (núi mẹ), bên hữu là dãy núi Ba Vì (núi cha) cao ngất như bức tường thành tạo nên cảnh đẹp mênh mông giữ đất trời, giống tựa chốn “bồng lai tiên cảnh”, là nơi “sơn chầu thủy tụ”. Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều di tích lịch sử có giá trị sâu sắc về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nổi bật trong đó là cụm di tích Đền Tam Giang – Chùa Đại Bi. Nếu du khách từng ghé thăm cụm di tích này, chắc chắn sẽ không thể quên một dấu chân phải khổng lồ còn lưu lại tại khu vực bến sông đền Tam Giang. Đó chính là dấu chân thần Thổ lệnh Cao Quan bạch Hạc Đại Vương, một trong những vị thần được thờ tự trong đền Tam Giang.
Dấu chân khổng lồ tại bến sông đền Tam Giang (Ảnh: Phương Thảo)
Truyền thuyết kể rằng, thần Thổ Lệnh là một nhân vật lịch sử sống ở thời Hùng Vương dựng nước. Ngài là thần làng, thần sông Bạch Hạc đã có công chu du thiên hạ tìm phương thuốc quý chữa trị tật bệnh cho muôn dân, khi mất lại linh ứng giúp cho các tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm giữ nước.
Nguồn gốc vết chân Thổ Lệnh Đại Vương tại bến sông đền Tam Giang gắn liền với sự ra đời của ngôi đền Tam Giang là Thông Thánh Quán do Lý Thường Minh lập nên vào khoảng thế kỷ thứ VII sau công nguyên. Cuộc thi bước qua sông của hai vị thần đã để lại dấu ấn đến nay, một vết chân trước đền Tam Giang và một gót chân tại Bến Gót (nay thuộc phường Bến Gót, thành phố Việt Trì).
Sách “Lĩnh Nam Chích Quái” của tác giả Vũ Quỳnh có đoạn viết về “Truyện về thần Đền Bạch Hạc” như sau: “ Năm 650 dưới đời vua Cao Tông, niên hiệu Vĩnh Huy Nhà Đường – một triều đại phong kiến Trung Quốc tồn tại từ năm 618 đến năm 907. Có viên quan Lý Thường Minh nhận chức đô đốc ở Châu Phong, đã dựng đạo quán ở bờ sông Bạch Hạc định tô thần hộ quán để thờ và đặt tượng Tam Thanh…”
Sách “ Đại Nam Nhất Thống Chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong mục “Đền miếu” có chép: “Tam Giang từ ở xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc lại có tên nữa là quán Thông Thánh. Đời Vĩnh Huy nhà Đường, lý Thường Minh làm đô đốc Phong Châu, dựng đạo quán bên bờ sông Bạch Hạc, đặt tượng Tam Thanh định tô thần hộ quán để thờ, nhưng chưa rõ vị thần nào bèn khấn rằng: Thần kỳ địa phương này, vị nào có thể hiển linh, sẽ theo đấy để tô tượng. Đêm đến mộng thấy có hai người kỳ dị bước tới gần, một người xưng là Thổ Lệnh, một người xưng là Thạch Khanh xin cùng nhau so tài nghệ. Thạch Khanh nhảy một bước qua sông thì đã thấy ngài Thổ Lệnh bên đó rồi, bèn nhảy lùi một bước về thì lại thấy ngài Thổ Lệnh bên này sông rồi. Do vậy, Lý Thường Minh tô tượng Thổ Lệnh để phụng thờ”. Còn Thạch Khanh được thờ ở đền Chi Cát (nay thuộc phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì). Nơi đây đất quý thần thiêng, khói hương tại Đền không bao giờ hết. Dân làng ai đến cầu đều linh nghiệm, các tướng lĩnh đời sau phụng mạng triều đình đi đánh giặc vào Đền yết lễ và được ứng giúp thắng lợi. Đời Trần Nhân Tông (1233 – 1284), vua Nguyên là Hốt Tất Liệt sai Thái tử Trần Nam Vương Thoát Hoan đem quân đi đánh Chiêm Thành để xâm chiếm nước ta, triều đình lệnh cho Tướng Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn phụng mệnh đem quân đi đánh giặc. Một hôm, trên đường đoàn quân đi qua đền Bạch Hạc và ngủ đêm tại đền, Trần Quốc Tuấn bỗng thấy có một con hạc trắng, mặc áo hoàng bào, tay cầm thanh đại đao đến trước mặt bảo rằng “Ta là Bạch Hạc Đại Vương, nghe tin ngài đem quân đi đánh giặc, muốn được đi theo phù âm hộ quốc”. Hưng Đạo Đại Vương tỉnh dậy, biết mình là thần anh linh hiển ứng nên đã phong cho thần là “Hộ quốc Bảo Đại Vương”, ban cho xã Cam Bì 50 quan tiền, hương khói thờ phụng, lưu truyền mãi; lấy ngày 10 tháng ba âm lịch hàng năm là ngày tiệc mừng sinh nhật; ngày 25 tháng Chín âm lịch là ngày giỗ của thần.
Theo các truyền thuyết dân gian và nguồn tư liệu còn lưu giữ tại Thư viện khoa học Trung ương, các bia ký, hiện vật tại đền, các nhà khoa học xác định: Đền Tam Giang sơ khởi là một đạo quán có tên là Thông Thánh được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ VII – năm Vĩnh Huy (650), từ Thông Thánh quán ban đầu đã trở thành đền Tam Giang. Và nguồn gốc của dấu chân khổng lồ dưới bên sông đền Tam Giang cũng gắn liền với truyền thuyết đó. Dưới góc nhìn của truyền thuyết, vết chân của thần thổ lệnh mang màu sắc của huyền sử, mang lại cho du khách cảm giác bồi hồi, mênh mang niềm tự hào về lịch sử của cha ông.
Trên thực tế, theo ông Nguyễn Văn Cống (Ban quản lý đền Tam Giang) chia sẻ rằng, xưa kia bên bờ tả ngạn sông Lô có một tảng đá in dấu chân khổng lồ tương truyền là của thần Thổ Lệnh, rất tiếc qua thời gian, tảng đá mòn và bị xói mòn, sạt lở, nước dâng chìm. Hiện hai bên bờ tả hữu sông Lô có vết chân khổng lồ nhưng là được đắp bằng xi măng, mô phỏng theo truyền thuyết. Theo quan sát, dấu chân khổng lồ nằm ở phía hữu ngạn sông Lô, toàn bộ được in gọn trên một ghềnh đá sát bờ sông, cách mép nước khoảng 5m, cách ngã ba Bạch Hạc không xa. Theo quan sát, dấu chân khổng lồ được đắp bằng xi măng với hình một bàn chân trái có 5 ngón. Ngón cái lớn, chõe ra như ngón chân người Giao Chỉ xưa.
Bạch Hạc là một vùng đất “địa linh nhân kiệt” mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa truyền thống của thời đại Hùng Vương cùng dòng chảy văn hóa của người Việt. Bạch Hạc cũng là nơi có vị trí đặc biệt quan trong về mặt quân sự, địa điểm án ngữ về giao thông thủy, bộ giữa vùng đồng bằng và vùng trung du bắc Bộ đã đi vào nhưng trang sử hào hùng đấu tranh dựng nước và giữa nước của dân tộc, đó là: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Nữ tướng Quách A Nương, Trần Nhật Duật… Ngày nay, khi đến tham quan, chiêm bái Khu di tích Đền Tam Giang – chùa Đại Bi – ngã ba Bạch Hạc thuộc thành phố Việt Trì (tỉnh Phú thọ), dấu chân khổng lồ của thần Thổ Lệnh là một điểm đến thú vị mà du khách không thể bỏ qua.
Phương Thảo – Trung tâm TTXT Du lịch