Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Lang Đài, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì

Đền Lang Đài tọa lạc tại địa phận thôn Lang Đài, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Phường Bạch Hạc nằm ở phía Đông Nam thành phố Việt Trì, có đường Quốc lộ 2B chạy qua, giáp với huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là nơi in đậm màu sắc truyền thuyết Hùng Vương dựng nước và giữ nước, nơi hợp lưu của ba dòng sông Sông Đà, Sông Lô, Sông Hồng. Bạch Hạc còn là vùng đất tụ linh, tụ thủy, tụ khí, cho đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Đền Lang Đài là một trong số những di tích nổi bật tại đây, góp phần khiến mảnh đất Bạch Hạc trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn của thành phố Việt Trì nói riêng, của tỉnh Phú Thọ nói chung.

Cổng đền Lang Đài (Ảnh: Phương Thảo)

Đền Lang Đài thờ Đông Hải Long Vương, người con thứ 25 của Lạc Long Quân và Âu Cơ – một nhân vật trong truyền thuyết dân gian từ buổi đầu dựng nước. Ngài có công giúp dân trị thủy, bảo vệ cuộc sống yên vui của cộng đồng làng xóm. Với cư dân trồng lúa nước thì công cuộc trị thủy là đặc biệt quan trọng. Nó giúp duy trì sự sống và là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của nền văn minh sông Hồng. Chính vì vậy hình tượng Đông Hải Long Vương đã được nhân dân ngưỡng mộ và tôn thờ, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân.

Tích xưa kể rằng, thủa ấy vùng đất Bạch Hạc – Bồ Sao xảy ra đại nạn hồng thủy, tàn hại nhà cửa, ruộng nương, dân chúng phải kéo nhau đi phiêu dạt khắp nơi. Thấy vậy vua Hùng Vương thứ XVIII sai Đông Hải quan lang và nhị vị tướng quân An Giang là anh em sinh ra cùng bọc trứng đến Giang đầu sứ. Đông Hải hành binh, đóng trụ sở hành doanh tại Bồ Sao, An Giang đóng tại đất Diễn Xuân.

Ngày 6 tháng 6, Đông Hải truyền quân sĩ xây dựng doanh trại tại đồi Quán Sứ và Long Sứ, đồng thời huy động dân chúng và binh lính xây thành, đắp lũy để ngăn nước lũ. Một ngày đẹp trời, bỗng nhiên mây mù vẩn đục, nước lũ tràn dâng, có ba bè gỗ trôi từ hướng núi Tam Đảo về. Trên ba bè gỗ có ngọn cờ đen thẳng xuống. Nhị vị tướng quân công lệnh truyền cho binh sĩ giữ lại không cho các bè đi. Nhưng trên bè trống không, chẳng có ai ngoài đàn rắn, một lát sau thấy xuất hiện một con thuyền nổi lên từ dưới nước, cũng không thấy có gì trong thuyền, nhưng có tiếng hét từ chiếc thuyền ấy: “Tôi vâng lệnh đức Long Quân Thủy Quốc, chúng tôi lên núi Tam Đảo lấy cây cối về xây dựng lại long cung, chúng ta cùng là tình huyết mạch đồng mẫu, cớ sao lại đem quân vây hãm chúng tôi”. Nhị vị tướng quân mắng lại: “Tuy là huyết mạch tương đồng thật, nhưng đây là phép nước, vua sai ta giữ thanh bình cho sông núi, sao ngươi lại đem quân lên phá cây cối, đem theo nạn hồng thủy tai vạ cho các cung điện, hủy hoại cuộc sống của dân lành, lệnh truyền cho tất cả các người phải giả tỏa hết nạn đại hồng thủy đi, nếu không các người sẽ phải hối hận”. Tướng công nói song, tự nhiên nước lũ rút hết, vạn vật lại như xưa, nhà cửa ruộng nương như bừng tỉnh, người vật các nơi lại lục đục kéo về. Đông Hải được vua cho ở lại vùng Bạch Hạc để trị dân, giữ yên vui làng xóm.

Trong thời gian Đông Hải dốc hết tâm sức giúp dân, bảo vệ và xây dựng cuộc sống, thì vợ ông có thai, sinh được một gái đoan trang, phúc hậu. Hôm đó là ngày 15 tháng 5, trên trời mây ngũ sắc cuồn cuộn tuôn về. Đông Hải và vợ đặt tên con là Thục Nương, sau gọi là Thục Trinh công chúa. Đông Hải trị vì được ba năm, nhân dân trong vùng yên vui no ấm thì vua lại điều ngài về vùng Khoái Châu, Hải Dương. Vì lúc bấy giờ ở đó đang bị nạn đại hồng thủy đe dọa. Đông Hải cùng An Giang lại một lần nữa ra tay cứu dân làn thoát khỏi tai họa. Sau khi yên vui, Đông Hải lại trở về doanh trại cũ ở vùng Bồ Sao. Vài năm sau, một hôm ngài  cùng vợ con bơi thuyền ra ngã ba sông ngắm cảnh. Trời quang mây tạnh, bỗng nhiên thuyền biến mất giữa dòng, hôm đó là ngày thần hóa.

Từ đó trở đi, nhân dân vùng Bồ Sao – Bạch Hạc lập đền thờ cúng để tưởng nhớ công lao tớn của ông. Trước đây, cả vùng này có một đền thờ chung là đền Đuông ờ Bồ Sao. Ba làng: Bồ Sao, Diễm Xuân và Lang Đài cùng thờ thần ở đây. Sau này, do sự thay đổi về địa giới hành chính, Lang Đài tách ra, dựng đền thờ riêng để thờ vị thần này.

Câu chuyện về Đông Hải Long Vương tuy chỉ là truyền thuyết, huyền thoại, nhưng đã ăn sâu vào tiềm thức nhân dân, được nhân dân coi như một vị anh hùng dân tộc của thời đại Hùng Vương. Nó cũng phản ánh cuộc đấu tranh hết sức khắc nghiệt trong buổi đầu dựng nước của cộng đồng người Việt giữa con người và thiên nhiên để tồn tại. Qua đó khẳng định được sức mạnh bất diệt của con người trong công cuộc đấu tranh đó.

Đền nằm trên một gò cao ở thôn Lang Đài, ở vào thế “quần long thủy tụ”. Đền quay về hướng Tây Nam, thẳng trước mặt là ngã ba Hạc, nơi dồn tụ của ba con sông lớn. Theo các cụ có tuổi trong làng kể lại thì đền được xây dựng vào triều Nguyễn, cách đây khoảng hơn 200 năm. Trước kia đền có 3 gian tiền tế, một ngôi phương đình tám mái lộng lẫy, sáu gian tả mạc dọc theo phương đình, và tòa đại bái 5 gian đồ sộ. Nhưng sau năm 1947, chính phủ ta chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, vườn không nhà trống nên ngôi đền bị đốt đi, chỉ còn lại phần hậu cung. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, nhân dân địa phương trùng tu, sửa chữa lại thành ngôi đền thờ như hiện nay.

Ban thờ công đồng được đặt tại sảnh của đền (Ảnh: Phương Thảo)

Đền có kiến trúc kiểu chữ nhất. Sảnh của đền có đặt ban thờ công đồng, nơi đây được bố trí như một nhà tiền tế nho nhỏ với cấu trúc hai mái được trang trí viền lá mái cánh sen. Bốn cây cột xi măng vững chắc tạc thành hai vòm cửa cuốn đối xứng nhau. Mặt tường trước sảnh giữa hai vòm cửa được vẽ trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Hai đầu sảnh xây chắn hai bức tường. Mỗi bức đều được vẽ trang trí hình long mã và vân mây. Chính giữa sảnh có treo bức cuốn thư đề 4 chữ “ Đức quán bách vương”. Tiếp sau phần sảnh là đại bái gồm 3 gian dài 6,5m, rộng 6,3m, ứng với mỗi gian là một cửa vòm cuốn cao 2,1m, rộng 1,1m làm kiểu hai cánh. Trên khuôn cửa gian giữa treo bức hoành phi “Phúc như xuyên chí”. Hai bên cửa ra vào đại bái có đắp nổi hai tượng võ sĩ tay cầm giáo hướng ra phía trước, chân đi hài đen, đầu đội mũ, nét mặt trang nghiêm.

Phía trên khuôn cửa gian bên có vẽ con phượng đang sải cánh bay. Phần mái được trang trí hình cánh sen cách điệu. Kết cấu kiến trúc phần mái của ngôi đền mang cả dáng dấp cổ xưa và hiện đại: Quá giang gối tường, cột trốn và chồng bồn gian giữa xây dựng một khám thờ lát ván gỗ cao. Cửa khám làm theo kiểu bức bàn có vẽ họa tiết phượng càm thư, vân mây cách điệu, rùa cưỡi mây, trên lưng chở cuốn thư.

Chính điện thờ Tam vị Đại vương (Ảnh: Phương Thảo)

Gian bên trái là ban thờ Tam tòa thánh Mẫu (Ảnh: Phương Thảo)

Trên cửa khám có treo một bức nghi môn, vải trang trí sặc sỡ, ở gian ngoài bên phải có một án nhang bằng xi măng thờ thổ thần. Đền được cấu tạo nhỏ gọn nhưng vẫn không mất đi vẻ trang nghiêm. Phần nội thất được bố trí hài hòa, cân đối, phù hợp với cấu trúc của ngôi đền.

Gian bên phải là án nhang bằng xi măng thờ thổ thần (Ảnh: Phương Thảo)

Nghệ thuật điêu khắc và trạm trổ ở đây chủ yếu được thể hiện ở các di vật còn giữ được cho đến nay. Đền Lang Đài còn lưu giữ được một cỗ kiệu bát cống có niên đại từ năm 1699, dài 3,9m rộng 2,45m, sơn son thếp vàng lộng lẫy và có 8 đòn khiêng. Có thể nói đây là một cỗ kiệu đẹp, còn giữ được nguyên vẹn cho đến nay. Cỗ kiệu được trang trí hình tượng tứ linh, một hình tượng truyền thống tiêu biểu của thể chế phong kiến, nhưng nó cũng thể hiện được niềm mơ ước của quần chúng. Đó là những con rồng đem nước về tưới cho đồng ruộng, những cánh phượng báo tin vui – một cuộc sống hòa bình, no ấm.

 Ngoài ra đền còn lưu giữ được bức đại tự có niên đại từ năm 1912, khắc 4 chữ: “Phúc như xuyên chí”. Bên trái có dòng chữ nhỏ khắc nổi “Đệ tam giáp tiến sĩ kính tiến”. Bên phải  là dòng chữ ghi “ Long phi canh tuất quý động”. Viền trên bức đại tự khắc chìm mặt hổ phù và rồng cách điệu. Tại đây cũng có treo một bức cuốn thư khắc 4 chữ: “Đức quán bách y vương”, phía trên đề dòng chữ nhỏ “”Bảo đại giáp thâm niên” (tức năm 1944). Viền trên và dưới lòng cuốn thư trang trí rồng nhỏ cách điệu chầu bông cúc. Phần hai bên ngoài cuốn thư chạm nổi hình mai hóa rồng. Bông mai hóa đầu rồng ngẩng lên, cành mai là thân rồng uốn khúc, đuôi rồng là. Dưới nền khắc nổi hình mai rùa một bông mai lớn. Dưới nền khắc nổi hình mai rùa, giữa các ô mai rùa, giữa các ô của mai rùa khắc hình hoa thị. Riềm ngoài cùng của cuốn thư chạm một nhành hoa cúc đang kỳ mãn khai. Cành hoa vươn lên mềm mại với những bông cúc nở to, cành lá chen dầy tươi tốt. Trong cuốn thư cắm hai thanh kiếm hở chuôi. Phía dưới cùng của cuốn thư chạm mặt hổ phù cặp chữ thọ, hai tay năm móng dang rộng bám chặt vào hai bên cuốn thư, ở hai bên mặt hổ phù chạm nổi con rùa đang phun lên cột nước cao.

Đền còn lưu giữ một bảng chúc văn có chạm nổi họa tiết lưỡng long chầu nguyệt, thân rồng uốn khúc xếp vảy, râu cá trê, bờm tóc dữ tợn, xung quanh chạm những vân mây cách điệu; và một số đồ thờ tự như: chiếc mâm bồng, đài nước, ống hoa, bát hương sứ, nậm rượu, lục bình sứ.

Để tỏ lòng thành kính các vị thần được thờ, cho đến nay người dân vùng này vẫn kiêng những tên như: Hải, Long, Thanh… người ta đọc trệch là “Đương Hải Lung Vương”. Bà Mẫu tên là Thanh nên nhân dân gọi chệch đi là “Thinh”. Hàng năm tại đây tổ chức nhiều lễ hội truyền thống: Ngày 7 tháng giêng là tiệc cầu đinh (Cầu con trai), dân làng tổ chức đấu vật và cúng tiệc mặn. Trong tiệc này chỉ có con trai được dự và đem phần về nhà. Ngày 13 tháng giêng là ngày tế thọ đinh, tức là ngày cầu thọ, chỉ có các cụ già từ 50 tuổi trở lên được dự, mở tiệc và cầu tế. Ngày 12 tháng 3 âm lịch, ở đây mở hội tiệc tạ các vua Hùng là anh của Đông Hải Long Vương, dân làng tổ chức tiệc mặn cúng tế. Ngày 15  tháng 5 là ngày sinh công chúa, là lễ được tổ chức lớn nhất trong năm. Ở đây mở hội rước nước, dân chúng bơi thuyền ra giữa sông lấy nước vào lộc bình, rồi để lên kiệu rước về đền tế lễ, tổ chức nhiều trò vui. Thực chất việc mừng ngày sinh công chúa đã gắn liền với tập quán cầu nước tưới cho mùa màng tốt tươi. Đây là một yếu tố quan trọng trong đời sống của cư dân nông nghiệp. Ngày 25 tháng 5 âm lịch (ngày đồng hóa), là ngày giỗ của Đông Hải Long Vương và phu nhân, công chúa. Ngày 12 tháng 9 âm lịch là tiệc Tam vị đại vương đồng hóa chính tiệc, tế tiệc cảm ơn thần thánh phù hộ cho mùa màng bội thu. Ngày 25 tháng 12 là ngày tiệc xếp ấn của năm. Nói chung, các lễ hội ở đây được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao trị thủy của hai vị anh hùng dân tộc, đồng thời gắn chặt với tín ngưỡng nông nghiệp của cư dân lúa nước như: lễ đầu năm, cầu nước, cầu mùa, mừng cơm mới, nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm. Với những giá trị văn hóa và lịch sử sâu sắc, Đền Lang Đài đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 1993. 

Đền Lang Đài – một trong  những ngôi đền thờ Đông Hải Long Vương ở vùng ngã ba sông có sức ảnh hưởng đáng kể đến đời sống tinh thần của nhân dân địa phương. Chính trong lớp huyền thoại về công lao của Đông Hải Long Vương, chúng ta còn nhận ra cuộc đấu tranh hết sức gian nan khắc nghiệt giữa con người và thiên nhiên trong buổi đầu dựng nước. Qua đó, tôn vinh sức mạnh và ý chí của con người trong công cuộc đấu tranh chống thiên tai, khẳng định ý nghĩa nghĩa nhân văn to lớn của Đền Lang Đài trong đời sống tâm linh của nhân dân.

Phương Thảo – Trung tâm TTXT Du lịch

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.