Tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ

Phú Thọ là vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam với hệ thống giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm dấu ấn từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước với 967 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó, 318 di tích được Nhà nước xếp hạng (Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 73 di tích quốc gia, 244 di tích cấp tỉnh); 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương; các di tích khảo cổ thời tiền sử và sơ sử như Làng Cả, Sơn Vi, Phùng Nguyên, Gò Mun chứa đựng nhiều dấu ấn, văn minh Việt cổ tích hợp tầng sâu của văn hóa Việt Nam; 30 di tích liên quan Hát Xoan; 04 bảo vật quốc gia; 08 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phong phú, đặc sắc, bao gồm nhiều loại hình mang đậm sắc thái cội nguồn, trong đó, hệ thống lễ hội dân gian là giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân vùng đất Tổ từ bao đời nay, nhiều lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hoá tâm linh, độc đáo có một không hai của dân tộc Việt như: Lễ hội đền Hùng, lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, hội Trò Trám Tứ Xã. Đặc biệt, Phú Thọ vinh dự là địa phương duy nhất trong cả nước, Phú Thọ vinh dự có ba DSVH được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể của nhân loại là: Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Ca Trù của người Việt (Phú Thọ nằm trong 15 tỉnh thành vùng lan tỏa của Ca Trù).

Đình núi Nghĩa Lĩnh- Khu DTLS Đền Hùng

 Các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, có giá trị mang đặc trưng vùng đất Tổ được xác định là nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển du lịch Phú Thọ cùng với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú và hấp dẫn: Vườn quốc gia Xuân Sơn là một trong ba vườn quốc gia của Việt Nam có đa dạng sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy với mỏ nước khoáng nóng có trữ lượng lớn với hàm lượng nguyên tố vi lượng hữu ích quý hiếm rất thích hợp cho việc tắm, ngâm phục hồi sức khoẻ và chữa bệnh; đồi chè Long Cốc; Đầm Ao Châu, Đầm Vân Hội, Ao giời – Suối Tiên như một bức tranh thủy mặc giữa trung du… là điều kiện thuận lợi khai thác phát triển các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng…

    Cùng với những ưu thế về tài nguyên du lịch nhân văn và du lịch tự nhiên để phát triển  du lịch, trong những năm qua với sựu lãnh đạo sâu sắc, quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ du lịch Phú Thọ đã có bước phát triển khởi sắc, từng bước phấn đấu du lịch Phú Thọ là một trong các khâu đột phá phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Với vị trí là cửa ngõ nối liền giữa các tỉnh Tây Bắc với thủ đô Hà Nội, Phú Thọ có nhiều tuyến  giao thông quốc gia chạy qua kết nối giữa các tỉnh trong vùng, đặc biệt nằm trên hành lang kinh tế “Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh”, Phú Thọ đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi giao thương, liên kết phát triển du lịch nhằm tăng cường kết nối tuyến điểm du lịch Phú Thọ với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực một cách thuận tiện, là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch đến Phú Thọ. Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được tập trung tại 04 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh là Thành phố Việt Trì, huyện Thanh Thủy, huyện Tân Sơn, huyện Hạ Hòa nhiều tuyến đường giao thông, nút giao đường cao tốc được  khai thác đi vào hoạt động, các thiết chế, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được tăng cường, đã thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh du lịch như tập đoàn Mường Thanh, Tổng Công ty Saigon tourist tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 – 5 sao đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu chất lượng cơ sở dịch vụ ngày càng cao của khách du lịch, góp phần thu hút khách du lịch quốc tế, khách du lịch thu nhập cao đến tỉnh.

    Song song với việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng du lịch, công tác xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng có thế mạnh được quan tâm chú trọng: Sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, được duy trì và phát triển trên cơ sở khai thác giá trị 02 di sản phi vật thể của Phú Thọ được UNESCO công nhận là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ gắn với giá trị tiêu biểu của các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh như Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ, Đình cổ Hùng Lô, Miếu Lãi Lèn, Đình chùa Tam Giang… cùng các lễ hội tiêu biểu; Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ, cải tạo cảnh quan môi trường du lịch điểm đến tại Khu Du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy các điểm Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh, Vườn Vua, Thanh Lâm…; Sản phẩm du lịch sinh thái – danh thắng được tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch, tại Vườn quốc gia Xuân Sơn phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng gắn với khai thác bền vững giá trị cảnh quan thiên nhiên, du lịch thăm quan trải nghiệm đồi chè Mỹ Thuận, đồi chè Long Cốc… ; Sản phẩm du lịch MICE: Với việc nhiều nhà hàng cao cấp, tuyến phố ẩm thực, khách sạn 3 – 5 sao đi vào hoạt động trên địa bàn TP.Việt Trì; xây dựng các điểm nhấn phục vụ khách thăm quan chụp ảnh tại công viên Văn Lang, cảnh quan môi trường đô thị TP. Việt Trì được nâng cấp cải tạo ngày càng xanh, sạch, đẹp đã thu hút lượng khách du lịch với loại hình du lịch MICE tham gia  các sự kiện hội nghị, hội thảo của các cơ quan ban ngành đăng cai tổ chức tại Phú Thọ; Sản phẩm hàng lưu niệm du lịch, sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch đang được quan tâm đầu tư khai thác phục vụ khách du lịch.

Công viên Văn Lang- Tp Việt Trì

Trên cơ sở khai thác phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến du lịch Phú Thọ “an toàn – thân thiện – mến khách“ cùng với việc tăng cường, đổi mới có hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch để thu hút khách du lịch đến Phú Thọ thăm quan, trải nghiệm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch Phú Thọ, đồng thời đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh bạn tạo kết nối, liên kết phát triển du lịch bền vững với các tỉnh, xây dựng các chương trình du lịch trong hành trình liên kết hạn chế tính trùng lặp của sản phẩm tạo sức hấp dẫn khách du lịch. Hiện tại du lịch Phú Thọ đang triển khai có hiệu quả Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ; tạo nên nhiều tuyến liên kết du lịch hấp dẫn nhằm thu hút khách đến thăm quan du lịch như: “Hành trình về nguồn”, “Du lịch liên kết – Vòng cung Tây Bắc”, “Tour du lịch hàng ngày Hà Nội – Phú Thọ”; Chương trình du lịch quốc tế đường sông với loại hình “du lịch văn hóa di sản – trải nghiệm làng nghề”; “Du lịch sinh thái cộng đồng Xuân Sơn”; “Nghỉ dưỡng sinh thái Thanh Thủy – Xuân Sơn”; “Khám phá di sản – trải nghiệm thiên nhiên Hà Nội – Việt Trì – Xuân Sơn”, “Du lịch cuối tuần sinh thái, nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy”… ; thực hiện liên kết với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ qua việc đón khách du lịch từ sân bay Nội Bài đến thăm quan du lịch, lưu trú tại Phú Thọ và đi thăm quan các tỉnh Tây Bắc; đặc biệt trong thời gian tới du lịch Phú Thọ sẽ xây dựng nhân rộng loại hình “Du lịch học đường” hướng tới đối tượng khách học sinh, sinh viên trong tỉnh cũng như các tỉnh trong khu vực với hoạt động trải nghiệm ngoại khóa là một trong những loại hình du lịch mà Phú Thọ có nhiều thế mạnh với các thiết chế văn hóa du lịch về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử là những nét đặc trưng, khác biệt so các tỉnh để khai thác phục vụ phát triển du lịch hoạt động các tháng trong năm, hạn chế tính mùa vụ của du lịch Phú Thọ… các chương trình du lịch bước đầu để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách, lượng khách thăm quan đến Phú Thọ và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ 6,5 – 8 triệu lượt khách mỗi năm.

    Để tiếp tục khai thác những tiềm năng, lợi thế của địa phương thúc đẩy du phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trong những năm tới du lịch Phú Thọ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm: Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung phát triển du lịch có chiều sâu, hình thành các sản phẩm du lịch mới, có sức cạnh tranh cao gắn với việc khai thác, phát huy giá trị 02 Di sản văn hóa phi vật đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương ở Phú Thọ phục vụ hoạt động du lịch, phát triển sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp an toàn gắn với hoạt động du lịch phục vụ khách thăm quan trải nghiệm và mua sắm sản phẩm, khuyến khích đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng ở một số địa phương có thế mạnh tiềm năng. Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và mang tính bền vững. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực du lịch có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Phát triển đồng thời thị trường khách du lịch nội địa và thị trường khách du lịch quốc tế. Làm tốt công tác nghiên cứu, xúc tiến thị trường xác định đối tượng khách chủ lực của Phú Thọ để định hướng đầu tư, khai thác một cách hợp lý hiệu quả. Đẩy mạnh thu hút đầu tư và triển khai  các dự án du lịch tại các trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh: Khu đô thị, du lịch và dịch vụ khu vực Nam Đền Hùng, đường Nguyễn Tất Thành, Bến Gót Việt Trì; khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; Khu du lịch Đầm Ao Châu, Ao Giời – Suối Tiên huyện Hạ Hòa; khu đô thị, dịch vụ, thể thao Tam Nông; các khách sạn cao cấp từ 4 – 5 sao, các khu resort nghỉ dưỡng, các trung tâm vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm mua sắm, thương mại… Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, định kỳ tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nghiên cứu xây dựng và ban hành một số chính sách ưu đãi phát triển du lịch nhằm tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư và cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch.

    Cùng với việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Vườn quốc gia Xuân Sơn là điểm du lịch có tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia và ban hành quyết định phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam là những điều kiện, hành lang pháp lý thuận lợi để Phú Thọ có nhiều triển vọng phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong những năm tiếp theo./.

  Ths. Vũ Thị Hoài Phương

Phó Giám đốc – Sở VHTT&DL Phú Thọ

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.