Nghệ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong của người Dao Tiền ở bản Cỏi, xã Xuân Sơn

Xã Xuân Sơn là xã thuộc vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Tân Sơn, nơi đây hiện có hai dân tộc Mường và Dao sinh sống là chủ yếu, hầu hết vẫn giữ được những nét văn hóa nguyên sơ, chưa bị pha tạp. Tại bản Cỏi, xã Xuân Sơn hiện có 100% hộ là đồng bào dân tộc Dao Tiền còn lưu giữ nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng từ tiếng nói, chữ viết, trang phục đến làn điệu Páo dung và đặc biệt là kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong.  

z2988789592725_bca9b6c4b0752fa97e7cbd0dd859137f

       Người phụ nữ Dao Tiền tỉ mỉ in sáp ong lên vải

Nghệ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong là nét văn hóa độc đáo của người Dao Tiền trên cả nước nói chung và người Dao Tiền tại bản Cỏi nói riêng.  Mặc dù ngày nay người Dao ít sử dụng các trang phục truyền thống có in sáp ong trong sinh hoạt thường ngày, mà thường chỉ sử dụng vào dịp hội hè hay cấp sắc, tết nhảy… nhưng in sáp ong vẫn được coi là nét đẹp văn hóa của đồng bào Dao Tiền tại bản Cỏi.

Trong gia đình người Dao, thường khi con gái 15, 16 tuổi sẽ được dạy học nhuộm vải và in sáp ong. Đến khi lấy chồng họ sẽ mang theo vài bộ váy áo đã được làm  sẵn để sử dụng.

Để có sáp ong tốt in lên vải tốt phải lấy sáp từ những tổ mật ong rừng quý hiếm. Những tổ ong mang về sau khi tách mật sẽ lấy sáp bỏ vào nồi nước rồi đun sôi, lọc lấy phần nước trong. Sau đó tiếp tục đun phần nước trong cho đến khi nước cô đặc lại thì đổ ra để nguội khoảng 2 – 3 ngày sẽ tạo thành một khối sáp mịn. Sáp ong khi đun nóng để in hoa văn trên vải phải có độ loãng cần thiết, nếu đặc quá thì sáp ong không ăn vải, nếu loãng quá khi in hoa văn sẽ bị nhòe không đẹp mắt.

z2988789596387_b298cd79747822f6b4bd42f8ac3135f0-9

       Thành phẩm sáp ong sau khi đun

Sau khi có sáp ong tốt, phải chuẩn bị dụng cụ để in bằng tre vót mỏng, uốn hình tam giác từ 5 – 10 chiếc đủ loại từ 1- 5 cm để tạo nên các hoa văn với nhiều kích thước khác nhau. Khi vẽ, người vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than, đưa tay họa từng đường nét trên vải. Khi kẻ, phải giữ cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới chấm bút vào sáp tiếp nét vẽ. Chờ sáp ong khô thì đem tấm vải đi nhuộm chàm nhiều lần rồi phơi. Tiếp theo nhúng tấm vải chàm vào nước sôi, sáp ong tan ra, các hoa văn đã in sẽ hiện ra rõ nét trên nền chàm. Việc in ấn được làm liên tục khi nào hết khổ vải mới thôi. Để có được những tấm vải in sáp ong đẹp, sau khi in sáp ong lên vải chờ sáp ong khô thì phải đem nhuộm chàm rồi phơi. Tiếp đến nhúng tấm vải chàm vào nước sôi để sáp ong tan ra thì các hoa văn đã in mới hiện ra rõ nét trên nền chàm. Nhiều công đoạn như vậy, nên để làm được một bộ trang phục truyền thống của người Dao Tiền rất công phu.

ima-ex3-1

Từng đường nét đòi hỏi sự khéo léo, cẩn trọng

Với người Dao những hoa văn in trên vải trang phục chính là cách thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ, cẩn trọng của mỗi người phụ nữ. Vì thế, khi người con gái Dao Tiền về nhà chồng, gia đình chồng và họ hàng chỉ cần nhìn vào trang phục là biết cô dâu khéo léo, cần cù, chu đáo với gia đình hay không. Ngay từ nhỏ, các bà, các mẹ đã truyền dạy cho con, cháu mình cách dệt vải, in hoa văn trên trang phục truyền thống rất tỉ mỉ. Cứ như vậy, các sản phẩm in hoa văn trên vải bằng sáp ong mang đậm nét đặc trưng của người Dao Tiền được lưu truyền qua các thế hệ.

Tuy cùng là một kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong nhưng do làm hoàn toàn bằng thủ công nên mỗi tấm vải do mỗi người làm ra sẽ có phong cách riêng. Những chiếc váy với các họa tiết tinh xảo của phụ nữ Dao thực sự là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo với nhiều hoa văn đẹp mắt như: họa tiết hình học, cỏ, cây, hoa, lá, muông thú…, mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Dao Tiền, tôn lên vẻ đẹp duyên dáng, giản dị của người phụ nữ Dao Tiền.

ngoc-1

Du khách trải nghiệm in sáp ong

Ngày nay, đời sống đã có nhều thay đổi, nhờ sự phát triển của khoa học, công nghệ, các loại vải công nghiệp độc chiếm vị trí trên thị trường và được ưa chuộng bởi sự tiện lợi khi sử dụng. Nhưng với người Dao ở bản Cỏi, xã Xuân Sơn, nghề in hoa văn sáp ong truyền thống vẫn được bảo tồn và gìn giữ. Chính những trang phục truyền thống với các hoa văn in bằng sáp ong đã góp phần tôn vinh giá trị và tạo được dấu ấn riêng của dân tộc Dao Tiền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở bản Cỏi, xã Xuân Sơn.  

Bích Ngọc – Trung tâm TTXT Du lịch

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.