Hùng Lô – một làng cổ có rất nhiều di tích gắn liền với thời kì Hùng Vương. Đây là một làng cổ ven Sông Lô có tên là Khả Lãm Trang, sau đổi thành An Lão thôn, sau đó là kẻ Xốm và Hùng Lô như ngày nay. Hiện nay cả làng có gần 2000 hộ với hơn 6000 khẩu trên diện tích 1,2 km2.. Đây là miền đất trù phú, giao lưu buôn bán phát triển, một thời là trung tâm của các vùng lân cận. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các thế hệ người dân trong xã đã đoàn kết, cùng nhau khai phá đồng hoang, bãi rậm, tạo dựng xóm làng và đắp xây nên những truyền thống tốt đẹpđó là cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất; thuỷ chung trong cuộc sống đời thường; dũng cảm trong đấu tranh với thiên tai và giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương. Ngày nay, những nét đẹp văn hóa ấy vẫn là điểm tựa tinh thần, nét đẹp riêng của người dân nơi đây.
Miếu cổ Hùng Lô
Theo cuốn “An lão thần tích” và truyền thuyết để lại : Vua Hùng cùng công chúa cưỡi ngựa hồng và các quần thần thường đi tuần du ngoại cảnh và săn thú, dừng chân nghỉ tại Trang Khả Lãm (tên địa danh xưa của Hùng Lô) được các bô lão và thần dân nghênh tiếp. Vua tôi vui mừng. Vua thấy đất này màu nỡ, cây mọc xanh tươi lại có huyệt thiên tạo hướng giáp canh, có khí thiêng từ lòng đất bốc lên. Vua cho đây là chốn địa linh. Và quả thực, nhân dân nơi đây làm ăn rất phát đạt, vậy nên đã quần cư đông đúc như bây giờ. Từ đó, nhân dân đã lập miếu thờ vua Hùng để đời đời hương khói nhớ ơn Vương Tổ.
Cũng theo truyền thuyết khác, vào những năm 40 sau công nguyên, khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa hành quân đi đánh giặc phương Bắc xâm lược, qua ngôi miếu này thấy khí thiêng bốc lên, Hai Bà xuống voi vào miếu dâng hương cầu nguyện, quả nhiên đã đánh thắng quân Tô Định và sau đó Hai Bà đã cho quân về tu sửa miếu để tạ ơn. Hai tích ấy còn được ghi lại hai đốc tam quan trước cửa miếu.
Đình và Lễ hội làng Hùng Lô
Trong quần thể di tích thì Đình Hùng Lô là nơi tập trung những giá trị kiến trúc nổi bật nhất. Đình được xây dựng năm 1697, dưới thời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 18. Khi bắt đầu xây dựng đình có kiến trúc chữ Nhị, đến năm Bảo Đại XIII (1938) phần hậu cung này đã được trùng tu lại và làm thêm long đình, có lầu chuông lầu trống hai bên nên hiện nay đình có kiến trúc chữ công. Đình thờ Tam vị Đại vương: Ất Sơn Đại vương (vua hùng thứ 4); Viễn Sơn Đại vương (vua hùng thứ 5); Áp đạo quan đại vương- tướng bảo vệ vua Hùng được phong vương. Kỹ thuật chạm ở đình đạt đến trình độ cực kỳ tinh vi. Ngoài chạm trổ xung quanh tứ trụ và rồng ngậm ngọc ở các đầu bảy hiên ở tòa đại Đình những bức chạm đặc sắc, có giá trị nghệ thuật cao với đề tài rất phong phú. Đó là cảnh Đường Tăng đi lấy kinh, Bát tiên quá, Ngũ lão đăng sơn, võ tòng đả hổ, long vân đại hội, trúc lâm thất hiền, hội Xoan, đấu vật… Đây là những cảnh vừa mang màu sắc dân giã, vừa thể hiện dấu ấn Nho giáo rõ rệt.
Đình còn được coi là Bảo tàng thu nhỏ với hệ thống cổ vật có niên đại 300 năm tuổi cực kỳ quý giá về lịch sử, kỹ, mỹ thuật cổ: đó là 5 cỗ kiệu, 6 cỗ ngai thờ, nhiều đồ gốm, đồ đồng quý và hệ thống 43 câu đối ca ngợi công đức vua Hùng, cảnh trí thiên nhiên. Đặc biệt, người dân khắp vùng còn coi đây là nơi cầu đinh, cầu tài rất linh thiêng, theo lịch hàng năm cầu đinh là vào ngày 7 âm lịch, cầu tài, lộc, bình an vào ngày 3 âm lịch.
Với sự giàu có về giá trị kiến trúc và ý nghĩa lịch sử của mình, quần thể di tích đình Hùng Lô sẽ khiến cho mỗi du khách đều thích thú, trầm trồ khi về đây. Đặc biệt hơn nữa, nếu đến đây trong những dịp hội lễ, du khách sẽ được hòa mình trong lễ rước kiệu quy mô rất hoành tráng của trên 200 nam trung mặc đồng phục thống nhất, nai nịt gọn gàng, mỗi người đều mang theo vũ khí đi đến đâu trống dong cờ mở, tiền hô hậu ủng náo động cả một vùng.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan
Đến với đình Hùng Lô du khách được tham dự và trải nghiệm hai di sản thế giới đó là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2012. Tín ngưỡng thờ này được bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ gia tiên trong ba cấp độ: Tín ngưỡng thờ gia tiên trong gia đình, thờ tổ trong dòng họ- thờ thành hoàng làng và đỉnh cao là thờ thủy tổ dân tộc là các vua Hùng. Sử sách chính thức ghi nhận tín ngưỡng này là vào năm 1470, khi vua Lê Thánh Tông cho lập ngọc phả thờ tự 18 đời vua Hùng. Và đến năm 1917, dưới thời vua Khải Định, tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ lễ định ngày10/3 Âm lịch hàng năm là ngày Quốc giỗ.
Nghi thức thờ cúng vua Hùng ở Hùng Lô được diễn ra như sau: Đầu tiên là nghi thức rước kiệu. Kiệu sẽ được rước từ đình Hùng Lô lên Đền thờ các vua Hùng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh với quãng đường dài gần 10 km để mời vua về dự lễ tại đình. Sau khi đoàn rước trở về, phần tế lễ mới bắt đầu diễn ra. Tế lễ trong nghi thức thờ cúng vua Hùng tại đình Hùng Lô gồm có 1 tuần hương, 3 tuần rượu, hóa chúc, ẩm phước. Một tuần hương diễn ra với ý nghĩa kính cáo vua Hùng. Trong tuần hương đó, tiến hành dâng 3 tuần rượu- rượu là sản phẩm tinh khiết, số 3 là số dương, số sinh tượng trưng cho sự phát triển và phần hóa chúc là hành động cuối cùng để gửi lời khấn nguyện đến các vua Hùng.
Bên cạnh nghi lễ thờ cúng Hùng Vương, tại đình Hùng Lô còn diễn ra Hát Xoan. Di sản này đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011. Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ, hát trước cửa đình và thường hát vào mùa xuân. Các nhà nghiên cứu bước đầu khẳng định hát Xoan ra đời ở thời kỳ Hùng Vương, gắn với đời sống tín ngưỡng của người Việt cổ. Hát Xoan được tổ chức thành phường, một phường xoan thường khoảng 15 người, hoặc đông hơn; đứng đầu phường là ông trùm- một người có uy tín và kinh nghiệm, nam gọi là kép, nữ gọi là đào.
Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ khác biệt so với tất cả các loại hình dân ca nghi lễ ở miền Bắc. Nếu các loại hình dân ca nghi lễ kia chỉ được phép hát ở 1 cửa đình và phải là đình làng mình, thì hát Xoan có một sức sống và sự lan tỏa khác biệt. Từ 4 phường Xoan gốc trên địa bàn thành phố Việt Trì – nơi xưa kia là kinh đô Văn Lang, hát Xoan đã lan tỏa và được hát ở 30 cửa đình thuộc 18 xã của hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Thường một cuộc hát Xoan đầy đủ phải có 3 chặng: chặng 1 hát thờ – tưởng nhớ các vua Hùng, các vị thần, các vị có công với làng nước; chặng 2 hát nghi lễ – ca ngợi thiên nhiên, con người, đời sống sinh hoạt lao động sản xuất của cộng đồng, được thể hiện qua 14 làn điệu, gọi là 14 quả cách; chặng 3 hát hội- bày tỏ khát vọng về cuộc sống, tình cảm, tình yêu nam nữ, phục vụ nhu cầu văn hóa của cộng đồng.
Làng nghề truyền thống
Từ rất xưa Hùng Lô là vùng đất nổi tiếng với các làng nghề phong phú đa dạng như làng nghề làm bánh chưng bánh giầy, làng nghề làm đậu, làng nghề làm miến gạo, làm bún, làm mì sợi…. Các cụ trong làng nói vui là làng “Đa nghề”. Đến nay các nghề truyền thống đó vẫn đang được người dân duy trì và phát triển. Nghề làm mì gạo với những bí quyết gia truyền, người dân làng nghề Hùng Lô đã tạo nên những sợi mỳ trắng, dai, nấu không bị nát nên được người dân gần xa ưa chuộng, nhờ đó mà thương hiệu mỳ Hùng Lô ngày càng được khẳng định trên thị trường. Nghề làm bánh chưng có truyền thống lâu đời và vì bánh của làng Hùng Lô ngon, đẹp nên hằng năm người dân xã Hùng Lô vinh dự được nhận trọng trách làm bánh dâng Vua Hùng. Làng nghề làm bánh chưng Hùng Lô ngày càng được đông đảo nhân dân gần xa ưa chuộng và lựa chọn.
Những nếp nhà cổ
Làng cổ Hùng Lô ngày nay còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Bên cạnh nhiều phong tục tập quán đặc sắc, làng nghề truyền thống, các di tích đình, chùa, miếu… thì địa bàn làng cổ Hùng Lô có khoảng 50 ngôi nhà gỗ cổ có niên đại khoảng 100 năm (hầu hết các ngôi nhà được xây dựng vào khoảng cuối thể kỷ XIX, đầu thế kỷ XX). Nhà cổ Hùng Lô cũng mang những nét kiến trúc nhà ở truyền thống của người Việt vùng Bắc Bộ. Nhà thường được xây theo hướng Nam hoặc Đông Nam, theo quan niệm của người dân đây là hướng của sự phát triển, phát đạt, điều đó cũng nằm trong tư duy quan niệm truyền thống của người Việt: “Lấy vợ hiền hòa, chọn nhà hướng Nam” sẽ tránh được nắng chiều hướng Tây, gió lạnh từ phương Bắc và bão về từ phía Đông. Người Hùng Lô còn chọn lựa đất xây nhà với thế lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra sông, đất tụ linh, tụ phúc phù hợp với vận mệnh của gia chủ. Những ngôi nhà cổ tại Hùng Lô vẫn còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn những giá trị kiến trúc, chạm trổ khéo léo và tinh tế. Hệ thống kiến trúc, cùng với nhiều đồ dùng trong nhà thực sự đã trở thành bảo tàng sống của các gia đình, dòng họ. Khi đến với Hùng Lô, không chỉ khách thập phương mà cả những người Hùng Lô xa xứ đều cảm thấy lòng mình bâng khuâng khi dừng chân trước những ngôi nhà cổ kính này. Trên những bồng chồn, kẻ bảy, câu đầu của những ngôi nhà cổ này đều được chạm khắc những biểu tượng lân, ly, quy phượng, tùng, cúc, trúc mai. Đây thực sự là những tác phẩm điêu khắc đặc sắc được tạo nên từ bàn tay những người thợ tài hoa và thông qua đó họ gửi gắm một triết lý sống phương Đông. Đó là sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên trong một tâm thế khoan dung tự tại. Điều này càng được thể hiện rõ nét trong tổng thể kiến trúc của những ngôi nhà cổ với hệ thống cửa sổ, cửa ra vào và các ngạch trên ngạch dưới đã tạo nên một không gian thông thoáng đón nhận đủ ánh sáng mặt trời và gió trời.
Phiên chợ quê
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới chợ Xốm, thuộc xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì. Gắn liền với truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời của làng Hùng Lô, trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhiều lần dịch chuyển địa điểm nhưng chợ Hùng Lô vẫn lưu giữ được những nét văn hoá đặc sắc của chợ quê. Do có lợi thế ở ven sông Lô, nên Hùng Lô đã trở thành nơi buôn bán sầm uất, trên bến, dưới thuyền. Chợ Xốm không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, gắn bó mật thiết với đời sống người dân nơi đây, mà nó còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng mộc mạc, giản dị vô cùng mà vẫn mang những nét riêng. Dẫu chợ quê mỗi nơi một vẻ nhưng dường như nó vẫn mang một cái dáng dấp rất chung: chỗ nào có cư dân sinh sống thì chỗ đó có chợ. Từ khắp các miền quê đến cả vùng sông nước mênh mông, kênh rạch chằng chịt… Từ những phiên chợ nổi cho tới những phiên chợ vùng cao với vô vàn sản vật làm say đắm lòng người. Nhưng có một điều mà cho dù bất cứ ai đến với những phiên chợ ở Chợ Xốm cũng đều cảm nhận, bởi nó thật giản dị và tiện dụng đó là nơi mà người bán và người mua đều cảm thấy an lòng vì trao nhau những món hàng có kèm theo cả tình quê trong đó.
Chợ Xốm thường họp theo phiên: Phiên chính và phiên xép. Trong phiên chính, chợ họp vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch hàng tháng, số lượng người đến mua bán, chơi chợ, trao đổi hàng hóa đông hơn, phong phú hơn, đa dạng, rộn ràng hơn so với ngày thường còn ở phiên xép thì số lượng người và các mặt hàng ít hơn. Chợ chủ yếu phục vụ nhu cầu mua, bán của nhân dân xã Hùng Lô và các xã lân cận như Kim Đức, Phượng Lâu (thành phố Việt Trì), xã Bình Phú (huyện Phù Ninh) và một số xã của huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc)…
Ngày nay dẫu theo thời gian, kinh tế phát triển đã làm khung cảnh chợ Xốm khác xưa nhiều lắm. Nhưng không phải vì thế mà chợ Xốm mất đi cái hồn Việt duyên dáng, mộc mạc, chân tình.Những phiên chợ ngày nay không chỉ vẫn cứ họp đều đặn theo phiên mà còn lưu giữ nếp sinh hoạt cũ, vẫn họp chợ từ lúc sáng tinh mơ đến tầm nửa buổi sáng. Và đến với những phiên chợ Xốm ngày nay dường như ta vẫn tìm thấy những hình ảnh rất đỗi thân thương, gần gũi bởi cái chân chất của từng sản vật theo mùa vụ, cùng những món quà quê dân dã mà thắm đượm cả tình lãng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau…
Với hệ thống di sản cổ phong phú đa dạng, có thể cho thấy được sự trù phú giàu có của quần thể di tích Làng cổ Hùng Lô. Nhưng điều đặc biệt hơn các di sản như nhà cổ, đình làng, ao làng, luỹ tre xanh bao bọc làng vẫn được người dân bảo vệ chăm chút giữ gìn theo năng tháng, giữ lại được cho thế hệ sau này một kho tàng quý báu. Hiện nay tại ngôi làng cổ này đang phát triển du lịch cộng đồng cũng như gìn giữ những di sản quý báu của dân tộc. /.
Lã Thị Hồng Thùy – Cán bộ Văn hóa xã Hùng Lô