Nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Thọ.

Sản phẩm du lịch (tiếng Anh: Tourism Product) bao gồm các dịch vụ du lịch, các hàng hóa và tiện nghi cung ứng cho du khách được tạo nên bởi sự kết hợp các yếu tố tự nhiên, cơ sở vật chất kĩ thuật và lao động du lịch tại một địa phương nào đó. Những dịch vụ du lịch cần thiết đó là dịch vụ lữ hành, vận chuyển, ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi, hướng dẫn thông tin để khách du lịch thỏa mãn nhu cầu trong chuyến đi của mình. Sản phẩm du lịch cũng chính là sự kết hợp tinh hoa giá trị vật chất và tinh thần của các vùng miền khác nhau bao gồm: điểm thu hút khách, khả năng tiếp cận, tiện nghi và giá cả.

Sản phẩm du lịch đặc thù là sản phẩm du lịch hội đủ 3 yếu tố cấu thành trên và được xây dựng dựa trên giá trị đặc sắc, độc đáo, duy nhất và đại diện của tài nguyên du lịch ( tự nhiên và nhân văn ) cho một lãnh thổ/ điểm đến du lịch tạo ra sự phân biệt giữa địa phương này với địa phương khác, điểm đến này với điểm đến khác.

Đến với Phú Thọ là đến với vùng Đất Tổ cội nguồn của Việt Nam nơi từ ngàn đời xưa Vua Hùng đã chọn đất đóng đô dựng nên nhà nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Với nhiều danh thắng là tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng quý báu để phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng như Vườn Quốc gia Xuân Sơn, mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy, Đầm Ao Châu, Đầm Vân Hội, Ao Giời Suối Tiên… Bên cạnh đó tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ là hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chính là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa tâm linh độc đáo tạo nên sức hấp dẫn với du khách thập phương. Các điểm đến tâm linh hấp dẫn khác như đền Mẫu Âu Cơ, đình Hùng Lô, đình Lâu Thượng, đền Lăng Sương, đặc biệt Việt Trì – thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam…Tài nguyên du lịch là yếu tố quan trọng quyết định đối với phát triển sản phẩm du lịch. Căn cứ đặc điểm tài nguyên du lịch Phú Thọ có các sản phẩm du lịch đặc thù như sau:

Sản phẩm du lịch văn hóa- tâm linh ở Phú Thọ gắn với giá trị Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ, các lễ hội tiêu biểu gắn với thời đại Hùng Vương, 02 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Húng Vương. Khách du lịch về với mảnh đất này được lựa chọn nhiều sản phẩm du lịch khác nhau như sản phẩm du lịch đường sông phục vụ khách quốc tế thưởng thức hát Xoan và tham quan, tìm hiểu một số làng nghề truyền thống tại xã Hùng Lô (thành phố Việt Trì), xã Gia Thanh ( huyện Phù Ninh). Sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” gắn với di tích lịch sử văn hóa như miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình An Thái, đình Hùng Lô… toát lên vẻ đẹp uy nghiêm, thành kính mà mộc mạc, hồn hậu tạo dấu ấn đặc biệt sâu đậm khó quên trong lòng du khách. Mỗi năm các làng Xoan gốc đón hàng chục ngàn lượt khách tham quan đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tăng nguồn thu cho hoạt động du lịch. Bên cạnh đó sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” hiện đã được kết nối với các tour Đền Hùng, Thanh Thủy, Xuân Sơn và liên vùng Đông- Tây Bắc như Sa Pa, Hà Giang…

Câu Xoan em hát cửa đình (Ảnh: Nguyễn Vũ Hậu)

Sản phẩm du lịch văn hóa- tâm linh ngày càng được hoàn thiện đồng bộ, các di tích được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp; các lễ hội được tổ chức đảm bảo an ninh trật tự và sự hài lòng của du khách khi tới tham quan. Sản phẩm du lịch văn hóa- tâm linh tỉnh Phú Thọ là sản phẩm đặc trưng mang ý nghĩa trở về với cội nguồn dân tộc Việt Nam đã thu hút hàng triệu lượt khách hàng năm.

Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng- vui chơi giải trí: Đối với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng phải kể đến khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy để xây dựng các sản phẩm du lịch tắm khoáng nóng, tắm bùn; nghỉ dưỡng chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, khu vui chơi giải trí. Bên cạnh đó là các điểm tham quan dịch vụ du lịch như: Đảo Ngọc Xanh, Vườn Vua, Thanh Lâm resort, Tre Nguồn resort trong những năm gần đây đã được đầu tư mới, nâng cấp, có thêm nhiều điểm nhấn phục vụ khách tham quan. Các điểm vui chơi giải trí tại thành phố Việt Trì như Quảng trường Hùng Vương, Công viên Văn Lang, phố ẩm thực cũng đã hoàn thiện.

Sắc màu Đảo Ngọc Xanh(Ảnh:Nguyễn Anh Tuấn)

Sản phẩm du lịch sinh thái- cộng đồng  đặc biệt là Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã đầu tư một số điểm nhấn du lịch, điểm dừng chân để thu hút khách tham quan như “ đường hoa du lịch Xuân Sơn”, “đồi chè Long Cốc”, “đồi chè Mỹ Thuận” đồng thời xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng (homestay) đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng gắn với khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên, hệ động, thực vật, hang động, các giá trị văn hóa, ẩm thực, du lịch, cộng đồng tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Một thoáng Xuân Sơn(Ảnh: Hữu Sơn)

Nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn như Đầm Ao Châu, Ao Giời – Suối Tiên, Đầm Vân Hội gần đây cũng được quan tâm đầu tư khai thác giá trị để phát triển hoạt động du lịch. Đầm Ao Châu với khả năng khai thác các loại hình du lịch như nghỉ dưỡng, bơi thuyền, câu cá, leo núi. Ao Giời- Suối Tiên với khả năng khai thác phát triển du lịch sinh thái như các sản phẩm leo núi, cắm trại, nghỉ dưỡng. Gắn liền Ao Giời- Suối Tiên là đầm Vân Hội tạo thành quần thể tài nguyên du lịch sinh thái và văn hóa đặc sắc. Bên cạnh đó công tác thông tin xúc tiến phát triển du lịch được triển khai tích cực, hình ảnh và các điểm đến của huyện Hạ Hòa thường xuyên được quảng bá, tạo điểm nhấn tại một số khu, điểm du lịch nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, thu hút được các nhà đầu tư tập đoàn TH True milk, tập đoàn Trung Nam, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trường Giang đến đăng ký đầu tư du lịch văn hóa sinh thái, nghỉ dưỡng tại các khu vực đầm Ao Châu, đầm Vân Hội và Ao Giời Suối Tiên.

Điểm du lịch cộng đồng Hùng Lô đã được đầu tư xây dựng. Ngôi đình cổ Hùng Lô có niên đại trên 300 năm gắn với giá trị văn hóa Hùng Vương. Tại đây thường xuyên tổ chức biểu diễn Hát Xoan thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm hàng năm. Hệ thống trên 50 ngôi nhà cổ, làng nghề truyền thống phục vụ nhu cầu khách tham quan du lịch đã được đầu tư nâng cấp về trang thiết bị, đào tạo người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng Hùng Lô.

Bên cạnh đó phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn gắn tới làng nghề đang là một hướng đi mới của tỉnh Phú Thọ. Hiện đã khai trương điểm giới thiệu, trưng bày và bán các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông sản, đặc sản các vùng miền tại thành phố Việt Trì. Năm 2020, Phú Thọ có 20 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn, trong đó có 4 sản phẩm hạng 4 sao ( mỳ gạo Hùng Lô, Trà Ô Long, thịt chua Trường Foods vị truyền thống, thịt chua ống nửa Trường Foods) và 16 sản phẩm hạng 3 sao ( Măng trúc tự nhiên Trường Đạt, Bưởi Bằng Luân, Bưởi Sửu Chí Đảm, Dưa Lê Tứ Xã, Nước cốt tương Holusa, Tương cổ đất Tổ Holusa, Chè Hoài Trung, Trà Đá Hen, Tương làng Bợ, Thịt chua Thanh Sơn, Gà thảo mộc Hoa Cúc Trà xanh, Gà thảo mộc nướng lu, gạo nếp gà gáy Mỹ Lung, dưa leo baby.)

Tỉnh Phú Thọ đã đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển du lịch tỉnh là “ phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh và khai thác hiệu quả các tuyến du lịch”. Một trong những nỗ lực mà ngành du lịch đang triển khai là đa dạng hóa từng bước các sản phẩm du lịch, xây dựng thêm các tour, tuyến du lịch mới, độc đáo, mang bản sắc riêng của tỉnh Phú Thọ.

Để xây dựng và phát triển thành công hơn nữa các sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Thọ cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước, chính sách phục vụ chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; tập trung xây dựng từng loại sản phẩm du lịch cụ thể; đẩy nhanh công tác lập quy hoạch, đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ du lịch; đẩy mạnh liên kết, xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù; phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch, Hội Lữ hành tỉnh và các doanh nghiệp hoạt động Du lịch, lữ hành.

                                             Ths Lê Thị Xuân Giang-Trung tâm TTXTDL

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.