Hồng Hạc Trì- Hương vị Đất Tổ

Nhắc đến Phú Thọ chắc hẳn ai cũng sẽ nghĩ tới Đền Hùng linh thiêng, vẻ đẹp của những đồi chè bát úp hay những đặc sản đã làm nên tên tuổi của Phú Thọ như Gà chín cựa, bánh Chưng, bánh Giày, Thịt chua, Cọ ỏm,… Thế nhưng, ở vùng đất Trung du này còn một sản vật tiến Vua khác cũng nổi danh không kém đó là Hồng không hạt Hạc Trì. Loại quả được coi là sản vật quý hiếm của vùng Đất Tổ, được người xưa xếp đứng đầu trong hàng ngũ hoa quả quý dùng để tiến Vua. Và ngày nay, thứ quả này đã có thương hiệu được cả nước biết đến.

Với hương vị đặc biệt thơm ngon mà thiên nhiên ban tặng, trái Hồng Hạc Trì vốn là niềm tự hào của người dân Đất Tổ nơi thành phố ngã ba sông, từ lâu đã trở thành món đặc sản được nhiều người gần xa biết đến đặc biệt mỗi dịp Trung thu về.

Hồng Hạc Trì có nguồn gốc ở xã Bạch Hạc (nay là phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Loại quả này còn được gọi là Hồng Bạch Hạc. Trước ngày hòa bình lập lại, ở vùng ngã ba sông của thành phố Việt Trì tồn tại rặng Hồng Hạc trải dài tới 4 – 5km với hàng ngàn cây Hồng cổ. Nhà nào có vườn Hồng coi như sở hữu một “niêu cơm Thạch Sanh” không bao giờ vơi cạn bởi một cây Hồng giống thời đó đổi được 3kg gạo, 1kg quả đổi được 1,5kg gạo.

Những trái Hồng Hạc Trì trong nắng mùa thu

Hồng Hạc Trì là giống cây cao to, sinh trưởng khoẻ, tán thấp. Là thứ quả độc đáo có một không hai bởi hình dáng vuông vức, quả thuôn dài, hình trụ, trôn quả hơi tù, có 4 cạnh rõ rệt, mẫu mã đẹp, đặc biệt không có hạt. Chính vì hình dáng quả đẹp như vậy nên xưa kia khi xếp quả lên mâm đội lễ để tiến Vua người ta có thể xếp được cao, có ngọn mà không hề bị xê dịch. Khi chín trái Hồng Hạc Trì có màu vàng tươi, thịt quả vàng đậm, ăn giòn, ngọt mát, thơm dịu với hương vị rất riêng. Hương vị của loại Hồng này rất đặc biệt mà các loại khác khó sánh được.

Quả Hồng Hạc Trì thuôn dài, to đẹp mắt

Hồng chín và được thu hoạch vào đúng dịp Tết Trung thu. Muốn có vị ngọt, ngon thơm, ăn giòn sần sật sau khi thu hái Hồng Hạc phải để một ngày cho khô hết nhựa bên trong rồi mới đem ngâm, nếu ngâm ngay sẽ bị long “tai”, quả Hồng sẽ bị ủng chứ ăn không được giòn và ngon. Nước ngâm cũng phải thật sạch, thường là nước giếng đồi chứ không được dùng nước máy, nước sông và dụng cụ để ngâm tốt nhất phải là vại sành to.

Thời gian của quả Hồng chìm nổi trong nước là 2 ngày 3 đêm nếu thu hoạch trong tháng 8 và 3 ngày 3 đêm nếu thu hoạch trong tháng 9 âm lịch. Hễ thiếu thì chát mà thừa thì dễ hỏng. Hồng ngâm xong, vớt ra lại phải để 1 ngày 1 đêm cho thật ráo nước mới sẵn sàng cho thưởng thức.

Hồng Hạc Trì mộc mạc, chân quê, thuần khiết. Nâng trái Hồng trên tay, lựa lưỡi dao sắc, gọt lớp vỏ vàng màu nắng nhạt, bổ ra đã thấy thơm lựng, vị ngọt dịu dàng, đài các ngất ngây duyên trời, duyên đất. Cái mát, cái giòn, cái ngọt cứ ngập ngừng, quyến luyến khiến người thưởng thức không nỡ nuốt nhanh.

Niềm vui của ông Thái khi kể về cây Hồng Hạc Trì đã hơn 100 năm tuổi của gia đình

Ngày xưa, đĩa Hồng Hạc đầu vụ trước tiên để dâng lên cúng ông bà rồi mới chia cho con cháu. Thời khắc thưởng thức loại đặc sản này ngắn ngủi chỉ có khoảng 15 – 20 ngày trong năm lại không phải cứ có tiền mà mua được.

Trước kia Hồng Hạc Trì được trồng chủ yếu ở dải đất ven sông Hồng và sông Lô. Giống cây này chịu nước tốt, có tuổi thọ cao, nhiều cây trên trăm tuổi vẫn cho thu hoạch. Những địa phương trồng nhiều hồng ngày trước là: Minh Nông, Tiên Cát, Dữu Lâu, Trưng Vương. Mỗi cây hồng Hạc được coi là cả một gia tài lớn của các gia đình sở hữu nó thời đó. Nhưng hiện nay hồng Hạc Trì chỉ còn lại rất ít và được trồng rải rác tại một số gia đình ở xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì. Cái khó của hồng Hạc Trì là không thể nhân giống bằng cách chiết rễ hay dâm cành. Vì vậy, hiện số lượng cây trồng mới hầu như rất ít.

Những trái Hồng căng tràn, mơn mởn

Trong những món quà của mùa thu, quả Hồng Hạc Trì ngon, ngọt, giòn tan, là món quà ngọt ngào của miền Đất Tổ. Nếu ai đã từng thưởng thức thứ quả đặc sản vùng sơn cước này sẽ ngày càng thêm lưu luyến, ngóng mùa thu năm sau để được thưởng thức lại.

Đặc biệt vào ngày Tết Trung thu truyền thống, quả Hồng không thể thiếu trên bàn phá cỗ đón trăng của các gia đình và thường được dùng làm quà biếu cho bạn bè và người thân. Hồng Hạc Trì bày trên mâm cỗ Trung thu, thưởng ngoạn dưới trăng thu thi vị thanh tao, càng khó có thứ quả nào sánh kịp. Mặc dù có vẻ ngoài khá nhỏ nhắn nhưng trái Hồng Hạc Trì lại luôn căng tràn và rắn chắc. Đó chính là biểu tượng cho sức sống mơn mởn và niềm tin bất diệt của con người Đất Tổ, đặc biệt dành cho các em nhỏ thiếu nhi trong ngày Tết Trung thu.

Bích Ngọc – Trung tâm TTXT Du lịch

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.