(XTDL) – Ai đã một lần đến xã Đào Xá thuộc huyện Thanh Thủy không chỉ biết nơi đây có phong trào trồng cây phát triển mạnh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và đã được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm vào năm 1964, mà còn được đắm mình trong không khí tưng bừng và náo nhiệt của lễ hội đình làng Đào Xá. Người dân trong vùng thường gọi là “Hội rước voi Đào Xá” hay là hội “Múa voi” vào mỗi dịp xuân về.
Đình Đào Xá được xây dựng tại làng Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy. Đình thờ Hùng Hải Công con thứ 19 của Lạc Long Quân. Tương truyền rằng thời Vua Hùng dựng nước, Hùng Hải Công được Hùng Quốc Quân (con trưởng của Lạc Long Quân) ở ngôi cử đến cai quản vùng Tam Giang, nơi của ba con sông Hồng, sông Đà, sông Bứa thuộc các địa phận Đào Xá, Hưng Hóa, Thọ Xuyên. Lại nói đến Hùng Hải lấy bà Trang Hoa đã lâu mà chưa có con. Vào một ngày trời quang mây tạnh đó là ngày 28 tháng giêng, hai vợ chồng Hùng Hải lên thuyền du xuân thưởng ngoạn từ Thọ Xuyên sang Đào Xá, thấy phong cảnh của làng Đào sơn thủy hữu tình, người nơi đây mến khách vợ chồng Hùng Hải bèn dựng lầu nghỉ lại Đào Xá một đêm. Đêm hôm ấy vợ chồng Hùng Hải sống trong sự giao hòa linh thiêng của đất trời, âm dương quần hợp, bà đã có thai. Tròn một năm bà trở dạ sinh được ba người con trai, khi người con cất tiếng khóc chào đời cũng là khi bà hóa thân về với chốn bồng lai tiên cảnh. Hùng Hải vô cùng đau xót, ông tiếp tục ở lại nuôi con khôn lớn rồi giao lại cho ba con là: Đạt công Long Vương, Mãn công Long vương, Uyên công Long vương ở lại cai quản, còn ông về trông nom vùng đất sông Nhị thuộc địa phận Hải Dương. Vua Hùng thấy Hùng Hải có công lớn trong việc khai thiên lập địa đã ban thưởng cho ông hai thớt voi. Trước khi chia tay về sông Nhị, ông đã dẫn đôi voi về Đào Xá làm lễ tạ ba lần rồi từ biệt. Cuộc tiễn đưa Hùng Hải ra đi đầy quyến luyến, cảm động, đôi voi dùng dằng chẳng muốn dời. Vì lẽ đó, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” Đào Xá xây dựng ngôi đình này thờ Hùng Hải, tôn vình ông là thành Hoàng làng và trong lễ hội hàng năm đều tổ chức lễ hội rước voi để tưởng nhớ tới Hùng Hải và những tình cảm của đôi voi với dân làng Đào Xá ngày ấy.
Lễ hội đình Đào Xá tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 27 đến ngày 29 tháng Giêng, chính tiệc là ngày 28. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lễ hội bị lắng xuống. Từ cuối những năm 1980 thế kỷ XX đến nay, Lễ hội đình Đào Xá được khôi phục tổ chức với cơ bản đầy đủ lễ vật cúng tế, nghi lễ tiến hành và các phong tục, trò chơi diễn ra trong lễ hội.
Lễ hội đình Đào Xá phản ánh những giá trị lịch sử, những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước, tín ngưỡng thờ thủy thần của cư dân vùng đất Tổ. Những tín ngưỡng đó được thể hiện rõ nét qua việc chuẩn bị các lễ vật, các nghi lễ, các trò chơi trong lễ hội. Lễ vật của làng Đào Xá có tục làm cỗ “Chân sòng”. Đây là hình thức cúng lễ hết sức đặc biệt chỉ có ở Đào Xá. Cỗ làm từ ba xâu thịt và lòng lợn đặt trên ba chiếc đĩa, tượng trưng cho chiếc gầu sòng tát nước ba chân. Trong đời sống người nông dân, mọi người đều quen thuộc hình ảnh chiếc gầu sòng, một công cụ truyền thống của nghề nông được làm bằng tre có hình trụ nửa ống, có cán dài treo vào cái gạc 3 chân được dùng để tát nước cho lúa, hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Theo các nhà nghiên cứu gầu sòng là dụng cụ tát nước có từ xa xưa của người Việt.
Lễ vật bằng cá chép cũng là một tục lệ hiếm gặp ở các địa phương khác. Cỗ cá chép, đây là một lễ vật quan trọng nhất thiết phải có trong lễ hội đình làng Đào Xá. Cá chép đánh lên từ đồng Cầu bên cạnh đền Đào Xá, lựa chọn ba con cá tươi ngon, còn nguyên vẩy, không gẫy vây, gẫy đuôi, mổ sạch, nhồi vào bụng các loại như chanh, xả, riềng và xếp vào nồi đất kho để làm lễ vật cúng thủy thần. Cá kho không được nát, phải còn nguyên. Tục cúng ba con cá chép là một trong những nét đặc trưng của lễ vật trong Lễ hội đình Đào Xá liên quan đến sự tích của Hùng Hải Vương. Lễ vật cá chép này ngoài giá trị về lịch sử còn biểu tượng cho nguồn nước và mong ước cuộc sống no đủ, và ước muốn về một năm mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt.
Nghệ thuật làm cỗ thờ và tục thi cỗ thờ cũng là một nét đặc sắc trong hội đình Đào Xá đó là những tri thức dân gian còn được bảo tồn trong lễ hội. Cỗ thờ được giao cho 4 giáp (nay là 4 khu hành chính), mỗi giáp cử ra một gia đình không có bụi, gia đình đầy đủ, hạnh phúc chuẩn bị. Mỗi gia đình phải chuẩn bị 2 kg gạo đồ xôi và gà để làm cỗ. Cỗ gà thờ được làm hết sức cầu kỳ. Gà được cắt tiết bằng dao cật nứa mỏng, chọc đúng mạch máu, dấu kỹ vết cắt, nếu vết cắt hở to thì phải khâu lại cho thật kín, sau đó mổ moi gà thật khéo, đẹp. Gà mổ xong, tạo dáng đứng trên khung tre, cổ vươn cao, hai cánh dang ra thật chắc chắn, không được xô lệch. Gà không luộc trực tiếp trong nồi mà khi nồi nước đã đun sôi, hai người cầm hai đầu gậy khênh gà, người thứ ba múc từng gáo nước sôi dội liên tục vào gà trong khoảng 8 giờ cho tới khi gà chín. Gà luộc chín có dáng đẹp như đang bay, da căng đều, vàng óng, không nứt vỡ.
Ngoài cỗ xôi gà, gia đình đăng cai còn phải chuẩn bị cỗ hoa quả. Bày cỗ hoa quả của làng rất cầu kỳ và khéo léo. Lệ làng Đào Xá xưa kia quy định cỗ đơn giản có một nải chuối tiêu chín, một quả phật thủ, một quả chanh yên, hai quả cam, ba quả quýt, ba quả cau và ba lá trầu. Hiện nay, cỗ hoa quả gồm rất nhiều loại hoa quả được xếp đặt cầu kỳ. Trên một chiếc mâm bồng, ở giữa gắn một trụ sắt cao, xung quanh trụ sắt xếp đủ các loại quả có nhiều màu sắc: như chuối, bưởi, phật thủ ,cam, quýt, thanh long,… xếp thành hình tháp 9 tầng, cài hoa trang trí xung quanh. Điều đặc biệt là cỗ hoa quả được sắp cao tới hơn một mét nhưng vẫn chắc chắn để dân làng nghênh rước ra đình Đào Xá mà không bị xô lệch.
Trong Lễ hội đình Đào Xá “Ông voi” là nét đặc trưng tiêu biểu, riêng có của lễ hội truyền thống này, Vì vậy người dân nơi đây còn gọi lễ hội của làng là “Hội rước voi Đào Xá” hay “Hội múa voi”. Với lịch sử thờ vị thần được thờ tại đình Đào Xá đó là lịch sử gắn với vị thần Hùng Hải Công được gắn bó mật thiết trong đời sống của người dân Đào Xá và được lưu truyền và bảo lưu trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Sau nghi lễ rước và tế thành hoàng là bắt đầu phần hội đầy hấp dẫn và cuốn hút người xem. Trong lễ hội làng có tục thổi cơm thi. Đây là trò thi tài đua khéo hấp dẫn nhất và thu hút đông đảo người xem hội, được tổ chức ngay trên sân đình. Trò thổi cơm thi trong hội làng Đào Xá rất độc đáo, người dự thi phải giã thóc, giần, sàng thành gạo sau đó mới mới thực hiện được công đoạn nấu cơm. Bốn đội thi đại diện cho 4 giáp Đông, Tây, Nam, Bắc (nay là 4 khu hành chính) cử ra đội thi thổi cơm, mỗi đội gồm 6 người đàn ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nhà đầy đủ, không có tang bụi. Mỗi người được phân công một việc cụ thể: Người gánh nước, người kéo lửa, người giã thóc, người sàng gạo, người mổ gà, người nấu cơm. Những công việc hàng ngày của người dân như thổi cơm, mổ gà được tổ chức thành một cuộc tranh tài, đua khéo sôi động trong không gian thiêng của ngôi đình. Trò thổi cơm thi trong Lễ hội đình Đào Xá không chỉ là một trò chơi giải trí, thi tài trong mà nó thực sự còn là một trò diễn mang yếu tố nghi lễ với ý nghĩa thiêng liêng đối với dân làng, với sự mong mỏi và tin tưởng thần thánh sẽ hiển linh, phù hộ cho mình, gia đình và dân làng một cuộc sống bình an, mùa màng tươi tốt. Vì vậy, nhiều người gọi là đây là “Hội nấu cơm thi Đào Xá”.
Ngoài tục nấu cơm thi trong lễ hội Đào Xá còn tổ chức các trò chơi dân gian mang tính truyền thống lâu đời như thi trọi gà, kéo co… Đây là các trò chơi vui khỏe vừa mang tính chất rèn luyện sức khỏe đồng thời có tác dụng nhằm gắn kết gia đình, dòng họ, làng xóm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Lễ hội Đào Xá đã được ra đời khá lâu trên mảnh đất cổ Đào Xá gắn liền với truyền thuyết thời Hùng Vương dựng nước. Lễ hội đình Đào Xá còn bảo lưu nhiều giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc của miền đất cội nguồn dân tộc Việt Nam. Năm 2016 lễ hội đình Đào Xá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số: 4036/QĐ – BVHTTDL ngày 21/11/2016. Hội xuân làng Đào Xá thực sự là một lễ hội lớn, một điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch “Về với cội nguồn dân tộc Việt Nam” trong những ngày xuân trên quê hương Đất Tổ.
Nguồn: Thu Hiền – Sở VHTTDL Phú Thọ