Gửi vào đây tâm hồn người Việt

duong-ve-vieng-1544584377

PTĐT – Nằm nép mình bên bờ sông Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì còn lưu giữ được đình làng cùng nhiều ngôi nhà với kiến trúc cổ kính hàng trăm năm tuổi, đó như một bảo tàng sống động của làng Việt cổ. Dù trải qua bao thăng trầm thời gian nhưng các quần thể di tích vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

tit1-1544524136

Làng cổ Hùng Lô chỉ cách Đền Hùng chừng 10 km. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn kiến trúc ngôi đình cổ, di tích lịch sử cấp quốc gia đã được công nhận từ năm 1990. Tương truyền, đây vốn là nơi Vua Hùng cùng công chúa và các quần thần dừng chân nghỉ ngơi trong một chuyến du ngoạn. Vua thấy nơi này trù phú, cây cối tốt tươi, lại có khí thiêng từ lòng đất bốc lên nên cho đây là chốn địa linh. Sau này, dân làng đã dựng miếu thờ Vua Hùng để đời đời nhớ ơn Vương tổ. Đến thời vua Lê Hy Tông, đình bắt đầu được xây dựng, hướng về núi Nghĩa Lĩnh.

3-1544584494

Đình Hùng Lô là quần thể di tích lịch sử văn hóa được xây trên dải đất rộng, với “Mái đình xưa làng Việt/Thanh thanh một góc trời/Những thăng trầm thời gian đã ghi tạc hình dáng/Nét chạm trổ phượng long uốn lượn tựa mây sóng/Gửi vào đây vào đây vui buồn người Việt”, đến nay đình vẫn lưu giữ gần như nguyên vẹn các hạng mục công trình như: Tòa Đại đình, Phương Đình, Lầu Chuông, Lầu Trống, Nhà tiền tế… Tất cả đều được xây dựng bằng những loại gỗ quý như đinh, lim, sến, táu… Tòa Đại đình được cấu trúc theo kiến trúc truyền thống ba gian, hai chái. Hai bên đình là nhà thờ Phật và bệ thờ Thần Nông.

Ngoài ra, quần thể di tích còn có khu Văn chỉ thờ Khổng Tử, cũng là nơi ghi danh truyền thống hiếu học của nhân dân Hùng Lô; nhà Yến Lão là nơi các bậc cao niên dự việc làng và hiện là nơi sinh hoạt, hội họp của những người cao tuổi. Khu sân đình được bài trí thoáng rộng với hòn non bộ, cây si, cây đa rủ bóng. Ở đình Hùng Lô vẫn giữ được lá cờ thần hơn 300 năm tuổi, cờ vuông mỗi cạnh khoảng nửa mét, giữa nền đỏ thêu một con rồng xanh. Bản cờ thần được lưu giữ tại đây với 5 màu biểu tượng cho ngũ hành là đỏ, xanh, tím, trắng, vàng tương ứng với Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Đến thăm đình Hùng Lô, không chỉ được nghe những điển tích lịch sử để thêm hiểu, tự hào về truyền thống, nguồn cội mà du khách còn được chiêm ngưỡng những giá trị nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao đặc trưng thời Hậu Lê trên gỗ, gốm, chủ yếu tập trung tại tòa Đại đình và được nghe hát Xoan ngay tại cửa đình.

tit2-1544524146

Hùng Lô hiện còn 51 ngôi nhà cổ, trong đó có 48 nhà ở của dân và 3 nhà thờ họ tộc. Hầu hết nhà cổ ở đây đã trên 100 năm tuổi, có ngôi nhà đã ngoài 300 năm tuổi, được thiết kế cấu trúc tương tự nhau. Người Hùng Lô chọn lựa đất xây nhà với thế lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra sông, đất tụ linh, tụ phúc phù hợp với vận mệnh của gia chủ. Những ngôi nhà cổ tại Hùng Lô vẫn còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn giá trị kiến trúc, chạm trổ khéo léo và tinh tế, cùng với nhiều đồ dùng trong nhà như: Sập, giường kinh, án giang, các đồ thờ…

Chúng tôi đến nhà bà Hợi, chủ ngôi nhà 300 năm tuổi – một ngôi nhà “cổ từ ngoài vào trong”, cổng nhà của cha ông khi xưa vẫn còn được gia đình bà sử dụng, đó là hai cánh cửa gỗ cài then, trụ cổng đã có nhiều chỗ bị bở lớp vôi, đồ gỗ trong nhà từ cửa đến những trụ cột được sơn đỏ từ xưa đến giờ vẫn nhẵn bóng. Bà Hợi cho biết ngôi nhà đã trải qua 7 thế hệ sinh sống, nhà cũng đã xuống cấp nhưng gia đình vẫn quyết tâm giữ lại sửa sang, vì ngôi nhà này là thứ quý giá nhất mà cha ông để lại. Các con cháu đi làm ăn xa, đã có nhà cao cửa rộng nhưng dịp lễ, tết đều muốn được về quây quần trong ngôi nhà ấm cúng này.

05-hoi-lang-ngay-gi-to-1544671485

Làng cổ Hùng Lô nằm trong chương trình du lịch “City tour Việt Trì”, gắn với thăm làng nghề truyền thống, đặc biệt đình cổ Hùng Lô là nơi trình diễn Hát Xoan cho du khách thưởng thức và thăm nhà cổ Hùng Lô là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách xuyên suốt hành trình thăm quan tại Hùng Lô. Ông Nguyễn Tiến Đức- Chủ tịch UBND xã cho biết: “Gần đây, những gia đình còn giữ được nhà cổ đã được đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu niệm và họ rất thích không gian ấm cúng, cổ kính trong mỗi căn nhà”.
Tuy nhiên, để những ngôi nhà cổ vừa có giá trị lịch sử, vừa có thể khai thác du lịch rất cần sự gắn kết với các tua, tuyến trong tỉnh để tạo thành điểm du lịch hấp dẫn khi du khách đến với Đất Tổ.

(Theo:Gia Minh – Quang Bằng – http://baophutho.vn)

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.