Du lịch Phú Thọ từng bước phục hồi, thích ứng an toàn trong điều kiện bình thường mới

Ngành du lịch đã phải hứng chịu nặng nề từ dịch bệnh trong thời gian vừa qua và khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch đã từng bước phục hồi trong điều kiện thích ứng an toàn, đảm bảo phát triển trong trạng thái bình thường mới. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước theo chủ trương thích ứng an toàn với dịch bệnh, du lịch cũng cần từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả du lịch nội địa và quốc tế. Kế hoạch tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ: (1) Bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; (2) tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; (3) phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; (4) đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; (5) hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; (6) hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.

Đối với Du lịch Phú Thọ đã và đang triển khai thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ từng bước phục hồi đảm bảo thích ứng an toàn trong điều kiện bình thường mới.

Về bảo đảm an toàn tại các điểm đến và an toàn cho khách du lịch : cơ chế du lịch quay trở lại bắt đầu từ du lịch nội tỉnh, an toàn là yếu tố tiên quyết để tái khởi động du lịch Phú Thọ trong bối cảnh bình thường mới. Triển khai các giải pháp phát triển du lịch an toàn, linh hoạt, thích ứng với trạng thái bình thường mới, phát động du lịch nội tỉnh với phương châm chung trong tất cả các hoạt động du lịch “ an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn”. Hoạt động du lịch trước hết đón khách nội tỉnh, sau đó là khách ngoại tỉnh đến các vùng du lịch xanh. Ngày 18/10/2021, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ – CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID- 19” trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong đó nêu rõ: đối với các cơ sở kinh doanh du lịch ở địa bàn có dịch cấp độ 1 và 2 như tỉnh Phú Thọ thì hoạt động du lịch được tổ chức  phục vụ 100% công suất.

Một trong những yêu cầu cụ thể đối với cơ sở kinh doanh du lịch Phú Thọ là phải đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 hàng ngày tại địa chỉ http://safe.tourism.com.vn để kết nối với hệ thống an toàn COVID quốc gia.

Đối với khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ du lịch và người đến liên hệ, làm việc với cơ sở kinh doanh du lịch, cần tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định hoặc quét mã QR ; Thực hiện đầy đủ các quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID- 19, Bộ Y tế và nội quy của cơ sở kinh doanh du lịch; tuân thủ xét nghiệm y tế theo quy định.

Trong điều kiện thuận lợi các địa phương tỉnh Phú Thọ sẽ đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát dịch Covid- 19 gắn với quy trình phòng chống dịch an toàn.

3-16140470989521464421362

Du khách thực hiện các biện pháp an toàn chống dịch Covid tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Ảnh: Sưu tầm)

Về tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch Phú Thọ: Trong thời gian tới, ngành Du lịch tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid- 19 vừa đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, tiếp tục lao tỏa hình ảnh Du lịch Phú Thọ tới các thị trường tiềm năng; xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch trong tỉnh trong tình hình mới phối hợp với các tỉnh tổ chức hoạt động kích cầu du lịch trước khi đợt dịch COVID- 19 thứ tư bùng phát.

Số hóa thông tin của các di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh đăng tải trên Cổng thông tin du lịch Phú Thọ.

 Thực hiện cấp mã QR code và lắp đặt các điểm quyét mã QR code cho các di tích, tổ chức lắp đặt các điểm quét mã QR code tại các điểm di tích để phục vụ khách du lịch tìm hiểu di tích thông qua các thiết bị thông minh.

Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh để tuyên truyền các chủ trương, chính sách về du lịch của Đảng và Nhà nước; phổ biến Chương trình hành động Quốc gia về du lịch và Chương trình hành động về du lịch của tỉnh và thành phố; giới thiệu các khu, điểm, các tour, tuyến, các loại hình dịch vụ du lịch, tiềm năng du lịch Phú Thọ.

Về phát triển đa dạng sản phẩm du lịch Phú Thọ đáp ứng xu hướng mới của thị trường: Trước tình hình dịch Covid- 19 còn diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã và đang xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Với nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú, phù hợp để phát triển các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng, sinh thái, tham quan nghỉ dưỡng, du lịch MICE, ngành Du lịch Phú Thọ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch một cách bền vững.

Ngành du lịch Phú Thọ cũng đang nghiên cứu, đầu tư xây dựng và phát triển  một số sản phẩm mới như: Tour du lịch học đường kết nối các điểm du lịch như Đền Hùng, đình Hùng Lô, miếu Lãi Lèn, Bảo tàng Hùng Vương; tour du lịch nông nghiệp tại Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã (huyện Lâm Thao). Nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng du lịch văn hóa lịch sử cũng như phát huy vai trò doanh nghiệp lữ hành nội tỉnh, Hiệp hội Du lịch đang định hướng các doanh nghiệp thực hiện xây dựng sản phẩm du lịch học đường tỉnh Phú Thọ gắn với hoạt động trải nghiệm dành cho học sinh trong và ngoài tỉnh nhằm xây dựng bộ chương trình chi tiết về sản phẩm du lịch học đường của tỉnh Phú Thọ, hỗ trợ đầu tư một số trang thiết bị phục vụ xây dựng sản phẩm du lịch học đường, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá bộ chương trình nhằm thu hút học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh tham gia trải nghiệm. Tiêu biểu như việc Công bố sản phẩm du lịch tour đêm Đền Hùng “ Trở về cội nguồn- Linh thiêng Đất Tổ” tạo sản phẩm du lịch mới thu hút sự quan tâm chú ý của doanh nghiệp lữ hành trong cả nước và khách du lịch tham gia các Tour đêm.

TRAI NGHIEM LAN DIEU XOAN-3-ANH TUAN-

Trải nghiệm làn điệu Xoan (Tác giả: Anh Tuấn)

Đầu tư và mời gọi doanh nghiệp có năng lực, tiềm lực và thương hiệu như tập đoàn Sông Hồng thủ đô, FLC, Sungroup… để đầu tư mới đối với khu du lịch,

điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố Việt Trì (Sông Lô, Bạch Hạc, Bến Gót…) .

Tiếp tục tạo dựng thương hiệu đối với các món ăn đặc sản, bổ sung các món ăn truyền thống các vùng miền để giới thiệu, thu hút khách thăm quan. Xây dựng các tiêu chí “Ẩm thực cội nguồn” đảm bảo văn minh, văn hóa, chất lượng, an toàn thực phẩm. Nghiên cứu xây dựng các nhà hàng đặc sản ven sông Hồng, sông Lô. Hội Văn hóa Ẩm thực và Siêu thị Coopmart tổ chức Ngày hội Ẩm thực Đất Tổ thu hút sự tham gia của gần 30 hội  viên với các gian hàng ẩm thực phong phú, đa dạng thu hút sự quan tâm ủng hộ của người dân góp phần kích cầu nhu cầu mua sản vật địa phương và thưởng thức ẩm thực đặc trưng vùng Đất Tổ.

Về đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch Phú Thọ: Hiện nay trong tình hình dịch Covid-19, ngành Du lịch Phú Thọ đã triển khai các ứng dụng du lịch an toàn do Tổng Cục Du lịch thực hiện trên toàn quốc. Tải ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn tại các khu, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn giúp du khách đánh giá mức độ an toàn. Tính năng nổi bật của ứng dụng là khách du lịch có thể truy cập bản đồ số để tra cứu mức độ an toàn của điểm đến. Từ đó xây dựng hành trình du lịch an toàn, thân thiện. Hiện nay ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” đã chính thức tích hợp tính năng “Tờ khai y tế” theo quy định của Bộ Y tế.

Các doanh nghiệp du lịch tỉnh Phú Thọ sau khi đăng ký thành công trên hệ thống http://safe.tourism.com.vn, các cơ sở này được cấp mã QR để dán vào những nơi dễ quan sát như quầy lễ tân, cửa ra vào. Du khách sử dụng điện thoại có cài đặt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” chỉ cần quét mã QR để kiểm tra xem cơ sở đó đã đăng ký tiêu chuẩn an toàn với cơ quan quản lý nhà nước hay chưa, và trong triển khai có thực hiện đầy đủ các tiêu chí hay không. Tính năng này đang được các doanh nghiệp du lịch tại tỉnh Phú Thọ và du khách đánh giá cao về hiệu quả sử dụng.  

Về hỗ trợ doanh nghiệp Phú Thọ đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch:

Hiệp hội Du lịch đã tuyên truyền, hướng dẫn hội viên thực hiện các Chỉ thị phòng chống dịch của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các văn bản hướng dẫn phòng chống dịch của UBND tỉnh và cơ quan chức năng kịp thời. Tổ chức thăm hỏi hội viên khu vực Vườn Quốc gia Xuân Sơn và vận động các hội viên và các hộ dân kinh doanh du lịch cộng đồng tham gia Chương trình kích cầu du lịch Xuân Sơn năm 2021 góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch và thu hút khách đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Đặc biệt, thể hiện sự đồng hành trong công tác phòng, chống dịch Covid -19, Hiệp hội đã phối hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch hướng dẫn đối tượng đăng kí và thực hiện tiêm phòng vacxin Covid-19  nhằm sớm đưa du lịch trở lại hoạt động trong tình trạng bình thường mới. Thường xuyên thăm hỏi, động viên các đơn vị có người nhiễm Covid, hướng dẫn tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn, tránh ảnh hưởng lây nhiễm ra ngoài cộng đồng.

Thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước như: giảm, giãn nộp thuế; giảm tiền ký quỹ doanh nghiệp lữ hành quốc tế; giảm tiền điện và hỗ trợ hướng dẫn viên gặp khó khăn do dịch…

Hiệp hội du lịch tỉnh tích cực  tổ chức các hoạt động vận động các doanh nghiệp tham gia: mời các đơn vị lữ hành dự và đánh giá chương trình biểu diễn múa rối nước tại Hồ Khuôn Muồi, khu di tích lịch sử Đền Hùng nhằm phát triển sản phẩm du lịch bổ sung trong chuỗi các sản phẩm du lịch tâm linh phục vụ du khách hành hương về Đất Tổ; phối hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức khai trương hoạt động Trung tâm Thông tin tư vấn và hỗ trợ khách du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn và phát động chương trình kích cầu du lịch Xuân Sơn 2021 kết hợp trồng và gắn biển cây lưu niệm tại Trung tâm đón khách Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch Phú Thọ đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch:  Đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn VTOS cho các đơn vị kinh doanh du lịch và dịch vụ; đa dạng hóa các hình thức giáo dục, phổ cập kiến thức về du lịch, ngoại ngữ cho cộng đồng dân cư vùng phát triển du lịch, xây dựng văn hóa giao tiếp cho đội ngũ lao động.

 Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn về quản lý và tổ chức các hoạt động du lịch; kỹ năng du lịch cộng đồng, đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh viên phục vụ tại các điểm du lịch và các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng.

 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn về quản lý và tổ chức các hoạt động du lịch; đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh viên phục vụ tại các điểm du lịch và các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực du lịch, nâng cao trình độ về kỹ năng phục vụ, ứng xử, giao tiếp góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Phú Thọ là điểm đến ấn tượng, thân thiện, mến khách.

Cùng với cả nước, Du lịch Phú Thọ đang triển khai các giải pháp thích ứng an toàn dần hồi phục ngành du lịch, xây dựng Phú Thọ là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện trong thời gian tới.

ThS. Lê Thị Xuân Giang – Trung tâm TTXT Du lịch

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.