Ai đã từng đặt chân đến vùng đất Yên Lập hẳn sẽ nhớ ngay đến địa danh Hồ Ly – “viên ngọc” xanh biếc của Phú Thọ với phong cảnh nên thơ và núi non trùng điệp, nhớ cả những chàng trai, cô gái Mường xinh xắn với những điệu hát ví, múa mỡi, múa trống đu… làm mê đắm lòng người. Nhưng Yên Lập còn nhiều điều thú vị khác nữa, nhất là các món ẩm thực của đồng bào dân tộc mà bất cứ ai nếu đã thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không quên. Trong đó phải kể đến bánh chưng thảo dược – một món ăn mang đậm sắc thái văn hoá dân tộc, chứa đựng tình cảm của con người và đất trời nơi đây.
Bánh chưng thảo dược có màu đen từ bột than lá cây rừng (Ảnh: Sưu tầm)
Cứ vào dịp lễ, tết, đồng bào dân tộc Mường ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu quen thuộc để làm bánh chưng thảo dược (còn được gọi là bánh chưng đen). Những nguyên liệu để làm món ăn này được chọn lựa rất kỹ càng. Lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải được rửa sạch, lau khô; gạo nếp được chọn phải là nếp gà gáy Mỹ Lung thơm ngon, nhân đỗ xanh đãi sạch vỏ, không lẫn sạn; thịt lợn chọn miếng ba chỉ nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ. Đặc biệt để tạo màu đen cho bánh, người Mường Yên Lập lên rừng hái lá gùn, lá gai, lá cầm phơi qua rồi đem đốt, giã mịn như bột. Sau đó đem bột hòa vào nước, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen. Các loại lá cây rừng không chỉ tạo cho bánh một hương vị riêng, màu sắc độc đáo mà còn có tác dụng thanh nhiệt đối với cơ thể.
Bánh chưng thảo dược được người Mường gói bằng tay, bánh dài khoảng 30cm, đường kính khoảng 6 đến 7cm. Khi gói bánh, bà con dùng 2 chiếc lá dong được đặt tráo đầu đuôi, rải một bát gạo ở dưới rồi thêm đỗ xanh, thịt lợn. Sau đó, lại thêm một lớp đỗ xanh và cuối cùng phủ lên trên một lớp gạo đen và gói lại.
Bánh được gói bằng lá dong, gạo nếp Mỹ Lung, đậu xanh, thịt ba chỉ (Ảnh: Sưu tầm)
Khi luộc bánh cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ từ khâu chuẩn bị nước đến khâu chỉnh lửa. Lúc nồi bánh chưa sôi thì đun lửa to, khi nồi bánh đã có độ sôi nhất định thì cần giữ cho lửa đều, đủ nhiệt để bánh chín nhuyễn, chín đều và đun khoảng 7 đến 8 tiếng. Khi chín vớt ra để nguội rồi treo bánh thành từng cặp để cho lá bánh khô, không bị mốc. Thưởng thức một miếng bánh, cảm nhận được hương vị thật đặc biệt, vị thơm của nếp gà gáy, vị béo của thịt lợn bản, vị ngậy bùi của nhân đỗ xanh, vị là lạ của bột than thảo dược từ lá gùn, lá gai, vị mát của lá dong thì quả là điều thú vị.
Hoạt động nấu bánh chưng còn là dịp gia đình ngồi quây quần bên nhau, gắn kết tình cảm của các thành viên vì mỗi khi gói bánh, tất cả mọi người trong gia đình đều tham gia. Những cháu nhỏ thì tước, rửa lá, người lớn hơn thì vo gạo, thái thịt, vót lạt, những người lớn khéo tay, có kinh nghiệm thì gói bánh. Đây là dịp ông bà nói chuyện, giáo dục cho con, cháu về truyền thống văn hóa của dân tộc, của gia đình, quê hương. Ngoài xuất hiện trong mâm cơm cúng tổ tiên, món ăn này còn được dùng trong các bữa cơm ngày Tết mời bà con, họ hàng trong thôn, trong bản với quan niệm: màu đen của bánh là sự hòa hợp của núi rừng, đất trời và lòng người, thể hiện sự thành kính biết ơn đối với ông bà, tổ tiên.
Đặc sản trong ẩm thực của vùng đất Yên Lập không chỉ là xôi ngũ sắc, cơm lam, bánh trứng kiến, bắp chuối lam sườn… mà còn là hương vị thơm ngon rất riêng của những chiếc bánh chưng thảo dược. Giờ đây, nó đã trở thành món ăn độc đáo với nhiều du khách khi đến với các bản Mường tại Yên Lập, và cũng là một món quà thơm thảo đầy ý nghĩa để du khách mua tặng người thân, bạn bè.
Phương Thảo – Trung tâm TTXT Du lịch