Mù Cang Chải huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, với thiên nhiên hùng vĩ, thuần khiết, mộc mạc, hệ sinh thái phong phú và văn hóa đặc sắc dân tộc bản địa, là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đặc biệt du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa, có sự tham gia tích cực của người dân địa phương, tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng góp phần tăng tính cạnh tranh, hấp dẫn cho du lịch Mù Cang Chải nói riêng và du lịch của tỉnh Yên Bái nói chung.
Nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, Mù Cang Chải được tạo bởi những dải núi non trùng điệp, xen kẽ là hệ thống khe suối dày đặc đã tạo thành khung cảnh hùng vĩ, cùng với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn uyển chuyển tuyệt đẹp, được ví như một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của những người con đồng bào dân tộc Mông chăm chỉ và hồn hậu. Việc khai khẩn được đồng bào nối tiếp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác đó chính là nét độc đáo của loại hình canh tác của đồng bào Mông nơi đây.
Hiện nay, Mù Cang Chải có trên 7000 ha ruộng bậc thang phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, trong đó có 852,9 ha được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1954/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính Phủ, tập trung chủ yếu tại các xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Mồ Dề và Lao Chải.

Đến với Mù Cang Chải vào mùa lúa chín, dừng chân ở bất kỳ nơi đâu du khách cũng được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp các sườn đồi. Những thửa ruộng bậc thang không chỉ mang lại sự no đủ cho người dân mà còn là cảnh quan làm say lòng biết bao du khách gần xa, tạo điểm nhấn về du lịch ở Mù Cang Chải.
Bên cạnh những thửa ruộng bậc thang, Mù Cang Chải còn được biết đến với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn như Mông, Thái, Kinh, Dao,… trong đó dân tộc Mông chiếm trên 90% dân số toàn huyện. Người Mông ở Mù Cang Chải sống trên các sườn đồi núi cao, có nền văn hóa dân gian phong phú, phản ánh cuộc sống hiện thực gắn liền với thiên nhiên, luôn khao khát vươn lên cái đẹp, cái thiện, được thể hiện qua lời ru, tiếng hát, điệu múa, tiếng sáo, tiếng khèn,… hay các phong tục tập quán, lễ hội mang đặc sắc riêng của đồng bào như lễ hội gầu tào, lễ cúng cơm mới, lễ cưới hỏi,… chứa đựng tình tứ làm say đắm lòng người, thoả chí khám phá cho mỗi du khách khi hòa nhập vào văn hoá của con người nơi đây.
Mù Cang Cang Chải còn có nhiều địa điểm có tiềm năng khai thác du lịch sinh thái như Thác Mơ, thác Pú Nhu, suối nước nóng Nậm Khắt, khu vực leo núi các xã Púng Luông, Nậm Khắt, hang động Nậm Khắt, bãi đá cổ xã Lao Chải, Chế Cu Nha, khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo, rừng trúc Háng Sung, xã Mồ Dề, đặc biệt là địa điểm khai thác du lịch mạo hiểm dù lượn tuyệt đẹp tại đèo Khau Phạ, xã Cao Phạ, bản du lịch cộng đồng dân tộc Thái xã Kim Nọi,…
Từ những lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch trong những năm qua cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp quản lý, chung tay của doanh nghiệp và người dân, du lịch Mù Cang Chải đã hình thành được các sản phẩm du lịch có chất lượng mang thương hiệu riêng thu hút khách du lịch, trong đó phải kể đến: Du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Thái tại bản Thái Kim Nọi, dân tộc Mông tại bản La Pán Tẩn, khu Ecolodge Mù Cang Chải; du lịch mạo hiểm với hoạt động “Bay trên mùa nước đổ, bay trên mùa vàng”; tham quan khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo; rừng trúc bản Háng Sung, xã Mồ Dề; tham quan, trải nghiệm nghề rèn đúc, nghề nấu rượu thóc, vẽ sáp ong, thêu dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ; du lịch tham quan di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang tại các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, trải nghiệm cày bừa, cấy lúa trên ruộng bậc thang, tìm hiểu phương thức canh tác ruộng bậc thang như làm bờ, dẫn nước, cầy bừa, cấy lúa; các hoạt động lễ hội thường niên thu hút khách du lịch: Lễ hội khám phá danh thắng cấp quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải; festival khèn Mông, lễ hội hoa Tớ dày,….
Nhận thức sức hấp dẫn và tiềm năng du lịch của địa phương trong phát triển du lịch, trong những năm gần đây huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo các cấp, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ huyện Mù Cang Chải “Xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch – là điểm đến Bản sắc, an toàn, thân thiện. Trong đó, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, quan tâm đẩy mạnh chương trình liên kết, hợp tác phát triển vùng giữa huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) với huyện Bắc Yên, Mường La (tỉnh Sơn La) và thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc; phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương và địa phương để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của đồng bào Mông Mù Cang Chải ra các tỉnh, thành phố trong nước và thế giới.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái trong phát triển du lịch. Tuyên truyền cho người dân đổi mới tư duy, phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc;…Nhờ những nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân, du lịch huyện Mù Cang Chải có sự tăng trưởng cả số lượng khách tham quan và doanh thu từ du lịch. Trong 5 tháng đầu năm 2025 huyện Mù Cang Chải đón 122.500 lượt khách đạt 32,24% chỉ tiêu kế hoạch, doanh thu trên 126 tỷ đồng đạt 32% chỉ tiêu kế hoạch.
Du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, bảo vệ cảnh quan môi trường, giá trị của danh thắng đã và đang làm nên những sản phẩm du lịch đặc sắc mang thương hiệu Mù Cang Chải. Tuy nhiên, để hoạt động du lịch này ngày càng phát triển, đưa hình ảnh Mù Cang Chải đến với nhiều thị trường khách du lịch hơn nữa cần sự sáng tạo của địa phương, sự gắn kết chặt chẽ của doanh nghiệp, đặc biệt là nhận thức và hành động của cộng đồng, tích cực đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến về du lịch, nâng cao chất lượng, hình ảnh du lịch Mù Cang Chải, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch tại địa phương.
Du khách có dịp đến với Yên Bái cửa ngõ miền Tây Bắc của Tổ quốc, xin mời du khách hãy ghé thăm Mù Cang Chải để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên, được hòa mình vào không gian sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân Mông, Thái, cảm nhận sự đặc sắc trong văn hóa và sự ấm áp của tình người nơi đây./.