Bạch Hạc là vùng đất lưu giữ nhiều di tích, phong tục, lễ hội truyền thống gắn liền với thời kỳ đấu tranh, chống giặc ngoại xâm của ông cha ta. Một trong những di tích nổi bật tại đây có thể kể đến như Đền Thượng Thọ hay còn gọi là đền Mẫu Tam Giang, nằm bên tả ngạn sông Hồng và sông Lô, cách UBND phường Bạch Hạc 500m, cách cầu Việt Trì khoảng 2km.
Căn cứ vào các tư kiệu của trường Viễn Đông Bắc Cổ kiểm kê năm 1937 như: Ngọc phả viết tháng Giêng năm Hồng Phúc thứ nhất(1572) do Hàn lâm viện đông các đại học sỹ Nguyễn Bính soạn và 3 đạo sắc phong thời Nguyễn và các bản khai của các chánh tổng, lý trưởng tổng Mộ Chu, huyện Bạch Hạc, Phủ Vĩnh Tường xưa, thì đền Thượng Thọ thờ tam vị thủy thần: Ngọc Tinh công chúa, bà là mẹ của 2 vị Cam Lâm Đại Đế và Bát Hải Long Vương. Hai ngài đã có công lớn giúp vua Hùng dẹp tan giặc, và được các đời vua phong là vạn cổ phúc thần. Các vị là những vị thần nằm trong hệ thống huyền thoại về những anh hùng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Sự tích của các vị thần gắn liền với câu chuyện truyền thuyết lịch sử về Lạc Long Quân và Âu Cơ. Các vị là những người có công theo cha xuống biển, xưng làm thủy thần cai quản đầu sông, góc biển, gây dựng giang sơn ở buổi đầu mở nước. Công lao to lớn của các vị được nhân dân làng Vạn (làng Thượng Thọ nay) tôn thờ làm thần hoàng làng, vị thần bảo trợ cho người dân làm nghề đánh cá trên sông.
Đền Thượng Thọ được xây dựng từ lâu, do những người dân làng Vạn (người dân chuyên làm nghề đánh cá) dựng lên từ một bè gỗ dưới sông để thờ các vị thần hoàng làng của làng mình, giống như các di tích trên cạn. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, do thiên tai tàn phá và trong trận lũ năm 1993 đã phá vỡ bè gỗ và kiến trúc ngồi đền của người dân làng Vạn. Sau trận lũ này, một số người dân làng Vạn đã lên định cư trên cạn, thành lập một ngôi làng mới lấy tên là Thượng Thọ, thuộc huyện Bạch Hạc và dựng tạm ngôi đền 3 gian nhỏ lợp lá. Đến năm 1990, nhân dân làng Thượng Thọ đã xây dựng lại ngôi đền với kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 3 gian đại bái và một gian hậu cung. Năm 1947, vùng ngã ba Hạc bị thực dân Pháp tàn phá ác liệt, nhà cửa và các di tích lịch sử văn hóa bị bắn phá, đốt cháy hoàn toàn, trong đó có đền Thượng Thọ. Sau hòa bình lập lại, năm 1954, nhân dân làng Thượng Thọ trở về và dựng lại ngôi đền 3 gian nhỏ lợp lá. Đến năm 1990, nhân dân làng Thượng Thọ (Phố Đoàn Kết hiện nay) đã xây dựng lại ngôi đền Thượng Thọ trên nền móng cũ. Từ đó đến nay, ngôi đền được tu sửa và tôn tạo rất khang trang.
Ban thờ công đồng được bố trí ngoài sân đền phục vụ tín ngưỡng thờ Mẫu của nhân dân (Ảnh: Phương Thảo)
Gian tiền tế của đền Thượng Thọ (Ảnh: Phương Thảo)
Đền Thượng Thọ được xây dựng trên khu đất có diện tích 536, 2m2, gồm các gian: Tiền tế, phương đề, đại bái và hậu cung. Từ cổng vào là một sân lát gạch rộng khoảng 40m2. Bố cục kiến trúc ngôi đền được làm theo kiểu giật cấp cao dần về phía hậu cung. Trước toàn tiền tế có có đắp hai ông hộ pháp đứng canh cửa, càng làm tăng thêm vẻ uy nghiêm cho ngôi đền thiêng. Tòa tiền tế được xây dựng năm 2003 với 3 gian, 4 mái đao cong, trên nóc có đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, mái lợp kiểu ngói mũi, nền lát gạch đỏ vuông. Toàn bộ các cột được xây bằng xi măng đắp tròn sơn giả gỗ. Các xà, đầu bẩy, câu đầu đều được đục chạm nổi hoa văn là những vân mây hình rồng, hoa lá…
Phương đền được xây dựng năm 2001, làm theo kiểu nhà tám mái đao cong, trên đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên phương đền là hai tòa tả hữu mạc, được xây dựng năm 1990, được làm nối liền với tiền tế và đại bái, mỗi tòa gồm 3 gian. Bên tả mạc đặt ban thờ Cô và Cậu, bên hữu mạc đặt ban thờ mẫu và ông hoàng Ba, Hoàng Bảy, Hoàng Mười…
Cuối cùng là tòa đại bái và hậu cung đền được xây dựng năm 1990. Đại bái gồm 3 gian, gian giữa rộng 3m, hai gian cạnh mỗi gian rộng 1,5m. Hậu cung nối liền với đại bái gồm 1 gian nhỏ dài 2m, và được xây bệ làm thành thượng cung cách nền 1,2m. Trên thượng cung được bài trí thờ như sau: Trên cùng thờ tượng phật A Di Đà, hai bên là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ. lớp thứ hai là 3 vị vua cha Bát Hải. lớp thứ 3 gồm 3 pho tượng mẫu (mẫu Thoải, mẫu Ngàn, mẫu Địa). Bên dưới cùng gồm 5 vị: Quan Lớn Đệ Nhất, Quan Đệ Nhị, Quan Đệ Tam, Quan Đệ Tứ, Quan Đệ Ngũ. Bên trái hậu cung đặt tượng Đức Ông và đặt trong khám thờ tượng Đức Thánh Trần. Bên phải hậu cung đặt tượng thờ chúa Thác Bờ, chúa Đệ Nhị và chúa Chầu Bát. Dưới gầm sàn thượng cung đặt tượng thờ ngũ hổ. Toàn bộ các bức tượng đều được sơn son thếp vàng.
Do trước kia bị nước lụt tàn phá nên toàn bộ di vật cổ tại di tích đã không còn lưu giữ được. Toàn bộ hiện vật có trong di tích hiện nay đều mới được nhân dân và khách thập phương công đức sau này như: Lư hương đồng, hạc đồng, đỉnh đồng, chuông đồng… đều được tạo tác từ những chất liệu tốt, mang giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật. Đền Thượng Thọ hiện còn lưu giữ được bản sao cuốn ngọc phả, 3 đạo sắc phong dưới triều vua Đồng Khánh năm thứ hai (năm 1887), vua Duy Tân năm thứ ba (1909), Khải Định năm thứ chín (1924).
Chiếc chuông đồng là một trong những hiện vật được nhân dân cung tiến tại đền Thượng Thọ (Ảnh: Phương Thảo)
Các tiết sinh thần của các vị thần, chữ tên húy và sắc phục được quy định như sau: Nhất sinh thần Thánh Mẫu vào ngày 10/10 (Âm lịch), trước một ngày cúng cỗ đều có hoa quả và oản, kiêng dùng màu đỏ, được ca hát chầu văn trong 3 ngày. Nhất sinh thần hai vị đại vương ngày 22/2 (Âm lịch) được coi là ngày chính tiệc, làng có tiệc cầu đinh, cầu tài lộc. Mở hội ca hát 2 ngày (Từ ngày 22 đến hết ngày 23 tháng 2), tổ chức rước kiệu từ đền ra bến sông rồi đi thuyền ra giữa sông Hồng lấy nước đầy vào chóe thờ rồi lại rước về đền để tế lễ. Theo tục lệ của làng, năm nào phong đăng hòa cốc thì mở tiệc lớn, làm hội tưng bừng như: Tế lễ, rước kiệu, múa rồng, múa lân, đón phường hát suốt đêm ngày. Còn năm nào mất mùa thì chỉ có hoạt động tế lễ, cầu cúng thần phù hộ cho dân làng Vạn để việc làm ăn của họ gặp nhiều may mắn hơn. Với những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, đền Thượng Thọ được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2005.
Phía ngoài của đền là khung cảnh trên bến dưới thuyền (Ảnh: Phương Thảo)
Đền Thượng Thọ được xây dựng ở vị trí gần ngã ba sông, trước cửa đền là bến đỗ thuyền bè của người dân, ngày đêm ra vào bến bờ khiến cho cảnh quan khu di tích ngày thêm nhộn nhịp, đông vui. Mỗi chuyến đi đánh cá hoặc đi thuyền buôn bán ngược xuôi trở về thắng lợi, người dân làng Vạn đều vào đền để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho họ. Nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành một điểm tham quan du lịch mang ý nghĩa tâm linh của du khách trong và ngoài tỉnh vào các dịp lễ hội. Đặc biệt là trong dịp lễ hội Đền Hùng mùng 10/3 âm lịch hàng năm, Bạch Hạc là điểm đặt chân đầu tiên của du khách khi về mảnh đất cội nguồn, nơi có ngã ba Hạc nơi “cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ chia tay nhau”, nơi có đền Tam Giang, chùa Đại Bi, có lễ hội bơi chải, có hội thi giã bánh giày… Đó là bức tranh khơi dậy truyền thống văn hóa, những dấu ấn lịch sử của di sản văn hóa vùng ngã ba sông, và đây cũng là nguồn tài nguyên nhân văn vô cùng phong phú để Phú Thọ phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch tâm linh trong thời gian tới.
Phương Thảo – Trung tâm TTXT Du lịch