ĐỀN QUÁCH A NƯƠNG – DI TÍCH LỊCH SỬ TÔN VINH VỊ NỮ TƯỚNG ANH HÙNG CỦA QUÊ HƯƠNG BẠCH HẠC

Bạch Hạc là vùng đất còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa đặc sắc liên quan đến kinh đô Văn Lang và thời đại Hùng Vương dựng nước, trong đó phải kể đến đền Quách A Nương – ngôi đền thờ nữ tướng tài ba dưới thời Hai Bà Trưng. Nữ tướng Quách A Nương có công đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc ra khỏi bờ cõi đất Việt.

Nghi môn đền Quách A Nương (Ảnh: Phương Thảo)

Theo Ngọc phả đền thờ quách A Nương (hiện đang lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội) cho biết rằng: Tại ngã ba Hạc có một xóm chài nhỏ. Dân chài làm lụng vất vả, kiếm được cá nhỏ đổi lấy gạo ăn, cá to phải nộp quan đô hộ. Xóm chài có vợ chồng họ Quách, tuổi đã cao mới sinh được một người con gái đặt tên là Quách A. Quách A càng lớn càng xinh đẹp. Ngày ngày nàng giăng lưới thả chài, bắt được cá to giấu dành cho bố mẹ. muốn đuổi giặc cứu nước, cứu dân…

Năm 16 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời, Quách A cắt tóc đi tu và lấy hiệu là Khâu Ni. Nàng đi tới đâu cũng thấy cảnh giặc Hán hoành hành, ức hiếp dân lành nên trong lòng càng nung nấu ý chí căm thù. Có lần, một con cọp trở dạ, oằn mình ở sau miếu – nơi Khâu Ni tu hành, nàng bạo dạn ra buộc thuốc cho cọp. Cọp mẹ cảm động làm hiệu như biết tạ ơn. Đẻ xong, cọp tha con đi và không bao giờ quấy nhiễu làng xóm nữa. Dân chúng biết chuyện càng thêm kính phục Quách A. Người theo càng ngày càng đông. Nàng chỉ dẫn mọi người tập luyện các môn võ nghệ và trận pháp, cả đánh bộ lẫn đánh thủy nên uy danh của ni cô Khâu Ni ngày càng lừng lẫy. Nàng tập hợp phật tử dạy võ nghệ, vận động nhân dân đứng lên đánh đuổi giặc Hán. Nghe tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Mê Linh, cho sứ giả tới truyền hịch, Khâu Ni dựng đàn tế cáo trời đất, mở hội ba ngày ba đêm với nhiều cuộc thi như: Ném lao, đấu vật, bắn cung, cưỡi ngựa… nhằm chiêu tập binh sĩ rồi cầm quân tiến về Hát Giang tụ nghĩa. Hai Bà Trưng ra tận bến sông ân cần tiếp đón, phong cho Khâu Ni là Tiên phong tả tướng quân. Ngày Hai Bà Trưng phá quân Tô Định ở thành Luy Lâu, Quách A dẫn đạo quân của mình theo dòng sông Thao, cùng Thiều Hoa lĩnh ấn Hữu tướng tiên phong tiến vào sông Thiên Đức (sông Đuống) cùng vào sông Dâu đánh thành Luy Lâu. Sau khi đánh tan giặc Hán, Trưng Trắc lên ngôi vua phong cho Quách A là “Khâu Ni công chúa”. Khâu Ni được lệnh trở về Nhật Chiêu (nay là thôn Cựu Ấp, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) lập đồn lũy, ngày ngày rèn quân luyện tướng, khuyến khích nhân dân khai khẩn đất hoang làm đồng ruộng, lập làng, lập ấp mới. Nhân dân mừng được mùa, khâu ni cho mổ trâu, lợn khao tiệc quân sĩ cùng nhân dân trong trang ấp. Yến tiệc đang vui, bỗng trời đất tối sầm, gió bão nổi lên, trên không có đám mây vàng bay xuống, Khâu Ni bước lên rồi biến mất. Hôm đó là ngày mùng 10 tháng Chạp. Nhân dân Bạch Hạc và dân Nhật Chiêu xin được lập đền thờ phụng, đời đời hương khói.

Nhiều triều đại phong kiến sau này đều gia phong cho Khâu Ni, như Đinh Bộ Lĩnh khi dẹp loạn 12 sứ quân, sau đó lên ngôi vua, ông phong cho Khâu Ni là “Quách A Nương Đức sinh Thượng đẳng phúc thần”. Năm Thiên Phúc, vua Lê Đại Hành phong là “ Công chúa Huệ Gia – Trinh thục phu nhân”. Năm 1428, vua Lê Thái Tổ phong ban Khâu Ni được phụng thờ tại trang ấp Bạch Hạc, lại sắc kiêng 4 chữ “A Nương – Khâu Ni”…

Tương truyền đền có từ rất lâu đời, tiền thân là ngôi miếu nhoe tranh tre nứa lá, nhưng rất đông người lui tới. Sau dân cư đông đúc, tưởng nhớ ơn đức của người con quê hương đã để lại tiếng thơm trong sử sách, dân trong làng mời thầy về chọn thế đất, quyên góp tiền của xây lại ngôi đền khang trang với kiến trúc kiểu chữ Đinh, nhỏ gọn gồm có tòa tiền bái và hậu cung. Qua thời gian đền đã hư hỏng, đến năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), đền được nhân dân tu sửa lớn. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đền bị giặc tàn, phá hư hỏng nặng. Tới năm 2007, đền được nhân dân trong vùng công đức để xây dựng lại với tổng diện tích khoảng 700m. Ngôi đền tọa lạc trên khu đất rộng, nhìn ra sông Lô, được xây dựng với kiến trúc độc đáo theo kiểu chữ “đinh”, gồm ba gian đại bái và một gian hậu cung, tổng diện tích 190m2, thiết kế theo kiểu nhà 4 mái đao cong. Hậu cung của đền có thiết kế 2 gian 1 dĩ. Bên trong hậu cung được bố trí các cấp bậc bệ, trên cùng đặt long ngai và tượng bà Quách A Nương, bên dưới đặt bát hương và đồ tế khí. Tượng nữ tướng Quách A Nương cao 0,67m, được tạc trong tư thế ngồi trên ngai, hai tay đặt lên đầu gối, đầu đội mũ trụ, mình mặc áo võ tướng có sắc đỏ, vàng, khuôn mặt tròn, đôn hậu.

Tượng Mẫu Quách A Nương (Ảnh: Phương Thảo)

Ban thờ Quan Đệ Tam (Ảnh: Phương Thảo)

Cung thờ Chúa Sơn Trang (Mẫu Thượng Ngàn và 12 thánh cô Sơn Trang) (Ảnh: Phương Thảo)

Đền Quách A Nương hiện có 3 bức đại tự được sơn son thếp vàng lộng lẫy, nền triện gấm, xung quanh tạo ống bao quang trang trí hoa lá cách điệu, ở giữa có chữ Hán lần lượt từ ngoài vào trong như sau: “Tam Giang Thượng”, “Thượng Đẳng linh từ”, “Vạn cổ anh linh” được tạo tác vào đầu thế kỷ XXI.

 Trong đền còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có niên đại từ thế kỷ XIX mang nhiều giá trị như: Ống hoa, đài nước, mâm bồng, chóe đựng nước, nậm rượu, lư hương, tượng thờ. Đền thờ Quách A Nương là nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Năm 2009, đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Lễ tế dâng nước ở ngã ba sông lên Mẫu Quách A Nương (Sưu tầm).

Lễ hội đền Quách A Nương, còn gọi là lễ hội đền Mẫu được tổ chức một năm 3 kỳ tiệc: Chính tiệc vào ngày mùng 6 tháng giêng, cầu phong đăng hòa cốc, con cháu đề huề, cấy hái được mùa, đánh bắt bội thu, buôn bán phát đạt; Ngày 15 tháng 2 âm lịch là tiệc kỉ niệm sinh thần; Ngày mùng 10 tháng chạp là tiệc kỉ niệm hóa thần. Lễ hội mùng 6 tháng Giêng tại đền thờ Quách A Nương xưa kia được tổ chức đều đặn, những năm được mùa làng mở hội rất linh đình. Từ sáng sớm tinh mơ ngày mùng 6, trong đền đã đèn đuốc sáng trưng, người ra vào nhộn nhịp chuẩn bị rước nước. Khi có hiệu lệnh, tất cả các chân kiệu đồng loạt nâng kiệu, rảo chân đều về phía đền Hạc (nay là đền Tam Giang) rồi lên thuyền ra ngã ba Hạc lấy nước. Từ xa xưa, nước lấy từ ngã ba Hạc đã được coi là nước thiêng, chóe nước mang về đặt trong đền dùng vào những dịp tế lễ trong năm. Dân gian coi nước này quan trọng và rất có ý nghĩa với những việc tâm linh, nên mỗi khi trong làng nhà ai có việc đều đến đền xin một chút nước gọi là lấy khước cầu bình an, may mắn. Trời hửng sáng, kiệu rước nước về tới đền, chóe nước được cung kính đặt lại trên thượng cung, chủ tế và các quan viên cũng chuẩn bị hành lễ. Sau khi tế lễ, làng tổ chức rước kiệu. Trên khoảng sân rộng trước đền là không gian rực rỡ sắc màu, trống chiêng rộn rã chuẩn bị khởi kiệu. Đoàn rước đi đầu là 2 cai cơ dẹp đường, tới cờ thần, cờ tiết, cờ mao,… sau là kiệu văn đặt bài vị, rồi tới kiệu bát cống đặt lễ gồm trầu cau, hoa quả, bánh chưng, bánh giầy. Đi sau kiệu là 2 hàng quan viên, các bậc trưởng bối và cuối cùng là dân làng. Trong hội, làng còn tổ chức chọi gà, cờ tướng, cướp cầu, bơi trải.

Tục xưa, trong cả 3 kỳ tiệc, lễ vật trên ban thờ Quách A Nương đều là cỗ chay, còn trên các ban thờ các tướng sĩ thì đặt lễ mặn. Ngoài ra, mỗi kỳ đều thui một con lợn đen, năm được mùa thì dùng trâu thui cả con, dân làng và người qua đường không phân biệt già trẻ, trai gái, mỗi người cầm dao xẻo một miếng ăn ngay tại chỗ. Tương truyền, đó là để chia phần lộc lễ của con hổ được Quách Nương cứu giúp ngày nào.

Lễ hội đền Quách A Nương là một trong những di sản văn hóa cần bảo tồn của quê hương Bạch Hạc. Đền Quách A Nương cũng là một trong nhiều nơi trên đất Phú Thọ có tục bơi trải trong lễ hội. Đây không chỉ là phong tục mang tính tưởng niệm đến vị thần được thờ, hay một cách rèn luyện thân thể mà còn là một trong những đặc điểm chung của những vùng dân cư sinh tụ ở cạnh các nguồn nước lớn.

Bạch Hạc  là mảnh đất còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa đặc sắc liên quan đến kinh đô Văn Lang và thời đại Hùng Vương dựng nước. Đó là hệ thống di tích lịch sử văn hóa đa dạng cùng nhiều lễ hội truyền thống mang đậm màu sắc cội nguồn. Ngoài đền Quách A Nương, du khách đến Bạch Hạc còn được nghe giới thiệu và trải nghiệm nhiều sự tích, phong tục, lễ hội truyền thống gắn liền với thời kỳ đấu tranh, chống giặc ngoại xâm của ông cha như: Lễ hội Đền, chùa Mộ Chu Hạ (10/1 âm lịch), Lễ hội đền Thượng Thọ (22/2 và 10/10 âm lịch); Lễ hội bơi chải truyền thống và Lễ hội Đền Tam Giang (10/3 và 25/9 âm lịch); Lễ hội rước kiệu cầu Đinh của Đền, chùa Lang Đài (7/1 âm lịch)… Việc bảo tồn, quảng bá di tích đền Quách A Nương, kết hợp với các điểm tham quan tâm linh khác tên địa bàn phường Bach Hạc cũng như của thành phố Việt Trì như: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, đình Hùng Lô… không chỉ góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa của cha ông, mà còn là cơ sở để xây dựng mảnh đất Bạch Hạc thành điểm du lịch hấp dẫn, góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Phương Thảo – Trung tâm TTXT Du lịch

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.