Đậm đà hương vị bánh khúc Việt Trì

Đến thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ du khách không chỉ được tham quan dâng hương các vị Vua Hùng, lắng nghe những câu hát Xoan mượt mà của các nghệ nhân mà còn được thưởng thức nền ẩm thực phong phú, tinh tế với các món ăn hấp dẫn  như: bánh Chưng, bánh Giày, các món ăn chế biến từ cá Anh Vũ, cá Lăng, thịt chua, bánh tai, rau sắn,… Nhưng trong nhiều món ăn đặc sản đó, không thể thiếu món bánh Khúc, vừa giản dị nhưng rất đỗi quen thuộc, bánh Khúc là một món quà vô cùng ý nghĩa thắm đượm hồn quê dân dã.

  Bánh Khúc bình dị, quen thuộc

Bánh Khúc có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, sở dĩ có cái tên như vậy là bởi thứ bánh này được làm từ lá rau khúc, rồi gạo nếp thơm kết hợp với nhân bánh hòa quyện giữa đậu xanh, thịt mỡ béo ngậy và hạt tiêu cay nồng bên trong. Một số gia đình làm bánh Khúc nổi tiếng ở Việt Trì đã có thâm niên làm bánh khoảng hơn 30 năm, cứ truyền từ đời này sang đời khác và dần biến món này trở thành đặc sản Việt Trì mà ai cũng yêu thích.

Làm bánh Khúc không khó nhưng để làm ra được những chiếc bánh thơm ngon chiều lòng những thực khách sành sỏi thì cần có nhiều công đoạn và đòi hỏi nhiều công sức và bàn tay khéo léo của người làm bánh. Nguyên liệu làm bánh phải được chọn lựa một cách kỹ càng gồm: Gạo nếp thơm ngon, đậu xanh đều hạt, thịt ba chỉ được tẩm ướp gia vị cẩn thận và một chút hạt tiêu trộn đều.

       

Nguyên liệu chính làm bánh Khúc

Một nguyên liệu không thể thiếu khi làm bánh Khúc chính là lá khúc. Muốn bánh Khúc có hương vị thơm đặc trưng và đậm đà phải chọn lá khúc già, đã ra hoa, có bản nhỏ, dày, màu bạc. Lá khúc được đem rửa sạch, vẩy khô nước rồi bỏ vào cối giã, sau đó trộn lẫn bột gạo để màu xanh của rau được hòa quyện với màu trắng của bột thì bánh thành phẩm sẽ có màu sắc đẹp hơn. Việc giã lá bánh cũng phải có kinh nghiệm, chứ cứ vô tư mà giã thì thế nào cũng hỏng cả mẻ bánh. 

Đem khối bột vừa trộn nhào thành màu xanh mịn, đến bao giờ cầm không dính là được. Sau đó ta nặn thành từng nắm nhỏ. Mỗi nắm nhỏ tương đương với một chiếc bánh Khúc.

Quy trình cơ bản làm bánh Khúc

Hái lá, rồi giã lá khúc đã kỳ công thì có được thành phẩm làm nhân bánh còn kỳ công hơn. Đậu xanh được ngâm, đãi cho sạch vỏ, hấp chín tới, giã mịn, thịt ba chỉ thái nhỏ, đem trộn đỗ đã giã với thịt ba chỉ, hạt tiêu, hành, nêm gia vị vừa vặn có thế nhân bánh mới đậm đà, béo ngậy. Dàn mỏng lớp vỏ, cho nhân vào giữa rồi gói kín bột, nắm tròn sau đó xếp bánh vào chõ hấp chín.

Xếp từng lượt bánh vào nồi hấp như đồ xôi, mỗi lớp bánh lại rắc một lượt gạo nếp ngon đã ngâm kỹ làm áo để cho bánh không bị dính vào nhau. Cứ một lượt gạo, một lượt bánh xếp như thế cho đến khi gần đầy chõ, đậy vung kín.

Để lửa đều mà đồ trong thời gian khoảng 2 đến 3 giờ thì bánh chín. Lớp gạo nếp phía ngoài trắng và dẻo. Mỡ từ thịt ba chỉ ngấm ra thấm vào đỗ, hạt tiêu ấm nóng. Mùi hạt tiêu vốn nồng nhưng lạ cái là không át được mùi lá khúc cho nên cơ bản nguyên liệu giống nhân bánh chưng, nhưng bánh khúc lại có vị riêng, không lẫn vào đâu được.

Bánh được hấp chín

Bánh đã chín mang ra gói từng chiếc vào lá chuối đã được chuẩn bị trước, vệ sinh sạch sẽ. Mùi thơm của bánh vô cùng hấp dẫn , bánh khi còn nóng hổi là thơm ngon nhất. Lúc này, lớp vỏ bánh bóng, dai, hòa quyện cùng mùi thơm của lá khúc, hạt tiêu, vị bùi của đỗ và của thịt khiến không ai có thể cưỡng lại được. Vỏ bánh có màu sắc thật đặc biệt, một mặt là lớp gạo nếp trắng, một mặt là rau khúc có màu đen xám. Cách hòa quyện lá khúc và đỗ xanh có tính thanh mát với gạo nếp làm mất đi tính nóng của gạo, lại tạo ra sự đẩy đưa ngậy bùi trong mỗi miếng bánh.

Bánh chín được đem ra gói lá chuối

Từng chiếc bánh Khúc nhỏ như nắm xôi với lớp bột màu xanh xanh, vàng rộm của nhân đỗ trông rất bắt mắt, khi cắn nhẹ vào miếng bánh Khúc ta sẽ cảm thấy ngay vị thơm của nhân đậu xanh trộn lẫn với vị béo ngậy của thịt mỡ, cùng với đó là một chút cay nhẹ của hạt tiêu và sự mềm, dẻo của gạo nếp, của hành quyện với mùi đặc trưng của rau khúc, vừa ăn vừa hít hà thơm ngào ngạt. Mỗi chiếc bánh được bọc trong một lớp lá chuối, kèm thêm một chút muối vừng chấm cho thêm vừa miệng. Hồn quê bình dị mà dư dả, níu lấy lòng người một cách nhẹ nhàng mà da diết.

          Đĩa bánh Khúc thơm ngon, béo ngậy

Ngày nay để phù hợp với nhu cầu của người dùng, bánh Khúc được biến tấu thay lớp áo gạo nếp bên ngoài bằng gạo cẩm hoặc gạo lứt organic tốt cho sức khỏe mà không hề làm mất đi hương vị thơm ngon của bánh Khúc.

           Bánh Khúc organic thơm ngon

Sản phẩm không chỉ được khẳng định trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mà còn được người dân các tỉnh xung quanh như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Nội, thậm chí là cả các tỉnh miền trong như TP.HCM, Bình Dương,… rất ưa chuộng.

Những chiếc bánh Khúc thơm ngon được đóng gói chuyển đi khắp nơi

 Bánh Khúc Việt Trì là món ăn tưởng chừng dân dã mà chứa trọn tấm lòng của những người con vùng Đất Tổ. Đối với người dân Đất Tổ, bánh Khúc là một thứ quà, nó có thể ăn chơi cũng được mà ăn để lấy no, chắc dạ cũng được. Ăn sáng cũng được mà ăn vào đêm muộn cũng ngon. Hãy đến với thành phố Việt Trì, thành phố ngã ba sông để thưởng thức trọn vẹn hương vị dẻo thơm của bánh Khúc –  đặc sản Việt Trì, món ngon vùng Đất Tổ.

Bích Ngọc- Trung tâm TTXT Du lịch

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.