Gạo là lương thực chính của người dân Việt nam, có muôn vàn các món ngon từ bình dị đến cao cấp được chế biến ra từ loại lương thực này nhưng trong số đó món ăn dân dã nhất, món ăn không cần thêm bất kỳ một thứ gia vị hay một công đoạn chế biến cầu kỳ nào mà lại được những người dân quê mộc mạc chuộng dùng đó là món cơm nắm lá cọ.
Để có nắm cơm lá cọ, phải tìm những lá cọ non của những cây cọ mới mọc thấp ngang thắt lưng. Tàu lá cọ nhỏ bằng miệng nón, còn phớt xanh hoặc chưa xòe hết. Mang lá cọ cắt bớt tua lá xung quanh, lau rửa sạch, để cho ráo nước. Cơm nấu chín, xới ra, dùng khăn ướt hoặc tay nhúng nước lạnh nắm tròn lại, lăn cho kỹ, cho nhuyễn, tùy khẩu phần ăn cho một hay nhiều người mà chia thành nắm to, nắm nhỏ. Sau đó cho vào tàu cọ, túm lại buộc một đầu, lăn qua lần nữa cho chặt.
Những nắm cơm thơm mùi gạo mới (Ảnh: Trung Thành)
Vậy là được những nắm cơm lá cọ để cả ngày, thậm chí để sang ngày hôm sau vẫn không bị thiu. Cơm nắm lá cọ thường được người dân mang theo khi đi làm đồng, đi buôn bán hay đi học xa trong những tháng ngày còn khó khăn.
Nắm cơm được nắm bằng lá cọ có những đường sọc đều đặn của gân lá cọ trông đẹp mắt. Dùng dao cắt ra từng miếng cơm trắng mịn, bùi ngọt, thơm mùi gạo mới lẫn mùi lá cọ. Cơm nắm lá cọ chấm với muối vừng, muối lạc hay sườn lợn rang muối đều rất ngon.
Cơm nắm thường ăn kèm với muối vừng, muối lạc (Ảnh: Sưu tầm)
Để có nắm cơm mềm, dẻo, thơm thì khi nấu nên chọn gạo mới, khi thưởng thức một nắm cơm trông nhỏ chỉ bằng chiếc bát nhỡ mà khi ăn thì no cả buổi.
Trong các món ăn dân dã ít có món ăn nào chế biến không cầu kỳ mà khi thưởng thức lại dễ ăn và đầy đủ chất như món cơm nắm lá cọ của người dân Phú Thọ. Món cơm nắm lá cọ dễ ăn, dễ làm dễ nhớ bởi nó bình dị gắn bó với người dân quê, nguyên liệu làm ra cũng từ những gì gần gũi nhất.
Trung Thành- Trung tâm TTXT Du lịch