Cá Lăng Việt Trì lọt vào top 20 món ăn ngon và mới lạ do Vietkings công bố

(XTDL) – Những món ăn này gây sự tò mò đối với du khách ngay từ tên gọi và có thể ghi dấu ấn mới trong nền ẩm thực Việt Nam.

Bắt đầu từ năm 2011, Hành trình quảng bá những giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – Vietkings chính thức triển khai với nhiều tiêu chí khác nhau. Đây là một bước đi mới trong một cuộc hành trình dài, rộng và sâu được thực hiện với hi vọng sẽ trở thành cầu nối để quảng bá hình ảnh, vị thế của Việt Nam thông qua các giá trị ẩm thực, đặc sản.

Với sự quan tâm hỗ trợ, đề cử từ các Uỷ ban nhân dân, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Du lịch các tỉnh thành, các Hiệp hội, các công ty du lịch trong cả nước, các thành viên trong Hội đồng tư vấn, Hội đồng bảo trợ và cộng đồng kỷ lục gia Việt Nam trên toàn quốc cùng rất nhiều du khách trong và ngoài nước, Hành trình quảng bá những giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam đã đi qua các chặng đường nhằm tìm kiếm và công bố Top các món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Đây chính là những tiền đề, cơ sở nền tảng để xác lập những kỷ lục ẩm thực có giá trị, giúp nền ẩm thực Việt Nam vươn xa ra trong khu vực và thế giới.

Bước sang năm 2016, ngoài các món ăn nổi tiếng, quen thuộc với du khách trong và ngoài nước như Phở, Bún bò Huế, Gỏi cuốn, Bánh mì… Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã tiếp tục tìm kiếm và phát hiện nhiều món ăn ngon, mới lạ, độc đáo do các địa phương đề cử. Những món ăn này gây sự tò mò đối với du khách ngay từ tên gọi và có thể ghi dấu ấn mới trong nền ẩm thực Việt Nam. Với mong muốn tiếp tục giới thiệu và quảng bá sự đa dạng và hấp dẫn của nền ẩm thực Việt, Vietkings chính thức giới thiệu và công bố Top 20 món ăn ngon và mới lạ của Việt Nam hứa hẹn thu hút thực khách:

  1. Bánh trời của người Tày Ba Bể (Tỉnh Bắc Kạn)

Bánh trời tiếng Tày gọi là Pẻng phạ là món ăn độc đáo gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Tày vùng hồ Ba Bể, Bắc Kạn. Người dân nơi đây thường làm bánh trời trong mỗi dịp lễ, tết, vừa là để dâng lên bàn thờ tổ tiên, làm lễ vật trên mâm lễ cúng lễ hội lồng tồng…

Nguyên liệu chính chế biến món bánh trời là từ bột gạo nếp và đường mía.

Bánh trời của người Tày Ba Bể, Bắc Kạn
Bánh trời của người Tày Ba Bể, Bắc Kạn

Sau khi viên thành từng viên sẽ đem chiên trên chảo mỡ già đến khi có màu vàng cánh gián. Tiếp đó vớt bánh cho ráo mỡ, thả bánh vào nồi nước đường đã được nấu thành chất dịch sền sệt để sẵn bên bếp cho đến khi đường ngấm vào trong thân bánh. Khi đường đã ngấm vào trong thân bánh, vớt ra trộn với bột gạo nếp đã được rang chín, tạo nên cho bánh có một lớp áo màu trắng và có mùi thơm ngọt dịu của bột gạo nếp rang.

  1. Gỏi đọt mây tôm càng nướng (Tỉnh Bình Phước)

Gỏi là món ăn khai vị rất đặc trưng của người Việt Nam. Mỗi vùng miền lại có cách sử dụng nguyên liệu và cách chế biến khác nhau cho món gỏi. “Đọt mây” là món ăn đặc trưng thường có trong các bữa ăn hàng ngày của đồng bào S’tiêng tại tỉnh Bình Phước.

Đọt mây dùng chế biến món ăn có tác dụng như một vị thuốc, giải độc rượu, trị đầy hơi, trướng bụng.  Món gỏi đọt mây với thành phần chính là đọt mây, tôm càng xanh, hạt điều, rau thơm và các loại gia vị làm tăng thêm hương vị như chanh, nước mắm…

Gỏi đọt mây tôm càng nướng
Gỏi đọt mây tôm càng nướng

Món “Gỏi đọt mây” với dự kết hợp giá trị dinh dưỡng của tôm càng và giá trị y thực dưỡng đọt mây làm cho món ăn mang hương vị đặc biệt và trở thành đặc trưng của vùng Bình Phước.

  1. Ốc suối (Tỉnh Sơn La)

Những món ăn của núi rừng bao giờ cũng mang lại những cảm giác rất lạ, đã một lần thưởng thức hẳn sẽ nhớ mãi không quên. Ốc suối là món ăn như thế. Ốc suối thực sự ngon khi mùa mưa đến. Bởi lẽ mùa mưa nước lũ mang theo phù sa từ nguồn đổ về, ốc suối ăn phù sa đó béo tròn, thịt chắc. Tất cả những ai đã một lần thưởng thức ốc suối đều có nhận xét ốc suối ăn ngon hơn rất nhiều ốc sống nơi ao tù hay ruộng cũ.

Ốc suối Sơn La
Ốc suối Sơn La

Ốc rất hay tập trung thành “đàn” ở những vũng nước lặng, nơi có những hõm đá tai mèo nước sâu đến tầm ngực ốc. Gặp được vài vũng nước như thế là đã có một bữa tiệc núi rừng hấp dẫn không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu.

  1. Bún nước lèo (Tỉnh Trà Vinh)

Bún nước lèo là một trong những món ăn đặc trưng của tỉnh Trà Vinh, giới “sành điệu” thường bảo nhau: “Chưa ăn bún nước lèo xem như chưa đến Trà Vinh”. Bún nước lèo còn thể hiện sự giao lưu văn hóa, đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc ở Trà Vinh, sự kết hợp giữa mắm bò hóc của người Khmer, món thịt heo quay của người Hoa, món chả giò của người Kinh.  Mắm bò hóc là loại mắm được làm từ nguyên liệu cá hỗn hợp, có hương thơm nồng.

Bún nước lèo Trà Vinh
Bún nước lèo Trà Vinh

Để nước ngọt, người nấu dùng thêm các loại cá như: cá lóc, cá kèo, cá ngát hay tôm, tép… Tuy là món ăn bình dân, nhưng hương vị đặc biệt của Bún nước lèo khác hẳn những loại bún thường ăn chắc chắn sẽ tạo ấn tượng khó phai khi du khách tới thăm vùng đất này.

  1. Gà rừng nuôi tần Hồng Đẳng sâm (Tỉnh Kon Tum)

Núi Ngọc Linh nổi tiếng với nhiều loại dược liệu quý, đến nay vẫn còn là nhiều điều bí ẩn với nhà khoa học và chính những người dân sống ở Kon Tum. Đã từ lâu người dân Kon Tum biết đến một loại dược liệu quý có tên gọi là Sâm Dây Kon Tum, người địa phương gọi là Hồng Đẳng Sâm, tên khoa học là Codonopsis Javanica. Gà rừng nuôi tần Hồng Đẳng sâm đúng kiểu là thịt gà mềm không nhão, thịt gà chắc không mỡ, sâm chín đều, hương vị, mùi thơm của thịt gà quyện đều với các nguyên liệu kết hợp: ngọt vị gà, thanh mát vị sâm.

Gà rừng nuôi tần Hồng Đẳng sâm
Gà rừng nuôi tần Hồng Đẳng sâm

Món ăn ngon và bổ dưỡng này nên sử dụng thường xuyên sẽ giúp bồ bổ cơ thể, thanh lọc, giải nhiệt, xua tan đi những mệt moit giúp cho cơ thể con người trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Trong các mùa trong năm thì mùa hè sử dụng món canh gà hầm này là tốt nhất.

Hương vị, mùi thơm tuyệt vời của món gà tàn Hồng Đẳng sâm khiến ta không thể quên được những cảm nhận của đầu lưỡi khi được dùng món ăn này.

  1. Salad bơ (Tỉnh Lâm Đồng)

Những cây salad xanh mướt của Đà Lạt cùng những quả bơ thơm ngon, ngoài cách chế biến thông thường là ăn sống hay trộn dấm, xay sinh tố … thì sự kết hợp của rau salad và trái bơ đã góp phần tạo ra món salad bơ đặc trưng cho ẩm thực Đà Lạt.

Salad bơ là món ăn có hương vị vô cùng tươi mát và lạ miệng nên thường được các chị em nội trợ sử dụng để cân bằng bữa cơm, vừa giúp tăng cảm giác ngon miệng, lại vừa giúp những món thịt cá khác trở nên bớt ngán.

Salad bơ Lâm Đồng
Salad bơ Lâm Đồng

Salad bơ tôm không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng từ tôm mà còn chứa nhiều vitamin có trong bơ nên rất tốt cho sức khỏe. Đồng thời món salad bơ có hàm lượng chất béo hầu như không đáng kể nên cũng được nhiều người dùng trong chế độ ăn kiêng. Salat bơ không gây béo lại cung cấp đủ dinh dưỡng cơ thể vừa là món ăn lạ miệng cho người thưởng thức.

  1. Bánh trứng kiến Lâm Bình (Tỉnh Tuyên Quang)

Nếu có dịp đến huyện vùng cao Lâm Bình, Tuyên Quang thì bạn đừng quên thưởng thức món ăn độc đáo và hấp dẫn: món “Bánh trứng kiến” của người Tày. Món ăn nàychinh phục người thưởng thức bằng vị dẻo thơm, bùi bùi được làm từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên.

Trứng kiến bắt về đãi nhẹ tay trong nước ấm để những hạt trứng nhỏ li ti màu trắng không bị vỡ. Bột gạo nghiền nhuyễn được dát mỏng vừa phải, dày cỡ nửa phân rồi áp vào lá vả non thật vừa vặn.

Bánh trứng kiến
Bánh trứng kiến

Tiếp đến là cho trứng kiến đã rang thơm, cho thêm gia vị, ít lá hẹ rồi trải đều trên mặt miếng bột, cho tiếp lá vả áp trên mặt nhân trứng kiến.Bánh được hấp cách thủy cho chín tới và thưởng thức khi bánh nguội. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, béo và ngậy mùi trứng kiến ngon tuyệt lại có hàm lượng đạm cao rất hợp cho những người muốn cải thiện cân nặng.

  1. Xôi nếp nương (Tỉnh Điện Biên)

Nếp nương được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Bắc nhưng nói đến loại nếp ngon nhất người ta thường nghĩ ngay đến nếp nương Điện Biên. Những hạt nếp nương Điện Biên căng tròn, khi nấu lên có vị ngọt, thơm, mềm dẻo.

Cách đồ xôi nếp nương công phu hơn nếp trồng ruộng nước. Xôi phải được đồ trong một cái chõ gỗ đặc biệt của người dân tộc Thái, xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Phải ngâm nếp trong nhiều giờ liền thì khi đồ xôi mới không bị sượng. Xôi được đồ rất kỳ công, phải qua hai lần đồ thì xôi mới dẻo thơm.

Xôi nếp nương
Xôi nếp nương

Lần đồ thứ nhất, sau khi xôi tỏa hương thơm, vừa chín tới thì đem đổ ra một mẹt rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau thì đổ tiếp vào chõ và tiếp tục đồ cho xôi chín đều. Khách du lịch khi ghé Điện Biên thường mua những cái ếp xôi nóng hổi của người dân tộc Thái để mang đi đường ăn cho ấm bụng. Trong cái se se lạnh của vùng núi Tây Bắc, du khách sẽ khó lòng quên được hương vị dẻo thơm, hấp dẫn của xôi nếp nương.

  1. Cá lăng sông Sêrêpốk (Tỉnh Đắk Nông)

Cá lăng thuộc họ cá da trơn thường sống ở nhiều nơi, nhưng nhiều nhất là cá lăng đuôi đỏ thường sống ở sông Sêrêpốk chảy qua địa bàn huyện Krông Nô và huyện Cư Jút.

Cá lăng đuôi đỏ có thể làm được nhiều món ăn như nướng, om, làm chả, hấp, xào tỏi hay nấu cháo… món nào cũng ngon vì thịt cá lăng béo, có vị ngọt, giàu dinh dưỡng. Hiện nay, ngoài đánh bắt cá tự nhiên, người dân Cư Jút đã tổ chức nuôi theo phương thức lồng, bè để tạo ra sản phẩm hàng hóa.

 

Cá lăng sông Sêrêpốk
Cá lăng sông Sêrêpốk

Món cá này chấm với muối ớt được làm từ xả, ớt xanh và lá rừng nên khi ăn cùng với cơm lam thì sẽ càng mang lại hương vị đậm đà và rất đặc trưng của ẩm thực Đắk Nông.

  1. Xôi bảy màu Mường Khương (Tỉnh Lào Cai)

Xôi bảy màu của người Nùng Dín thường được làm trong những dịp lễ tết, thờ cúng tổ tiên không chỉ mang giá trị ẩm thực mà còn mang giá trị tâm linh sâu sắc.

Xôi bảy màu gồm các màu cơ bản như:  đỏ tươi, đỏ thẫm, xanh lá cây, xanh nước biển, nâu, tím và vàng. Màu sắc của xôi được tạo ra bởi một số loại thực vật và hoa trong tự nhiên mà bà con gọi là “Pác chẳm” và “đoọk Phẳn”.

 

Xôi bảy màu
Xôi bảy màu

Trước đây, xôi bảy màu chỉ được làm vào dịp tết tháng 7 (âm lịch) của người Nùng Dín để gợi nhớ về hành trình 6 tháng gian truân, vất vả trong cuộc di cư xuống phía Nam của người Nùng. Xôi bảy màu dẻo, thơm và bổ dưỡng thường được ăn cùng với muối vừng đen và thịt gà nướng.

  1. Trâu lá trơơng (Tỉnh Quảng Trị)

Trâu lá trơơng là một trong những món ăn ngon và nổi tiếng, tô điểm cho sự đa dạng của ẩm thực Quảng Trị. Thịt trâu khá phổ biến ở khắp các vùng miền của đất nước Việt Nam, nhưng ở Quảng Trị, thịt trâu được chế biến và ăn kèm với một loại lá thường mọc ở vùng rừng núi Quảng Trị: Lá trơơng.

Lá trơơng sờ vào thấy cứng, có gai nhọn nhỏ ở phần rìa lá và gân sau của lá. Loại lá này có mùi thơm rất riêng biệt và chút cay nồng, thường dùng cuốn với thịt trâu ướp nướng, trâu hấp hoặc thái mỏng với món thịt trâu xào.

Thịt được chọn chế biến các món ăn này phải là thịt trâu non (mềm, ngọt).

 

Trâu nướng ăn kèm với lá trơơng
Trâu nướng ăn kèm với lá trơơng

Thịt trâu nướng ăn kèm với lá trơơng, cùng dĩa muối tiêu ớt giả mịn, vắt thêm ít chanh. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt trong từng thớ thịt giòn dai, vị thơm nhẹ nhàng của mùi lá lốt quyện vào thịt, và vị cay cay nồng nồng của lá trơơng. Những người chuộng cay còn ăn kèm thêm tỏi và tiêu tươi, sẽ thêm phần hấp dẫn và đậm đà cho món ăn.

  1. Sườn cừu nướng Phan Rang (Tỉnh Ninh Thuận)

Thịt cừu Phan Rang nổi tiếng khắp cả nước. Cừu được chăn thả tự nhiên, nên thịt thơm ngon. Thịt cừu được chế biến rất nhiều món ngon như: đùi cừu nướng, sườn cừu nướng, thịt cừu xào, thịt cừu hầm …Thịt cừu không những được dùng chế biến món ăn ngon mà còn có lợi cho phổi, giảm tình trạng hen suyễn, viêm phế quản, tráng dương…

Sườn cừu nướng luôn được đông đảo thực khách yêu thích bởi thịt thơm, ngọt và mềm.

Sườn cừu nướng Phan Rang
Sườn cừu nướng Phan Rang

Sườn cừu khoảng 1 kg được làm sạch, cắt miếng to vừa phải, ướp với một ít lá quế xay nhuyễn, thêm một ít dầu ăn, muối và tiêu, ướp đều trong vòng 30 phút để ngấm gia vị. Sau đó, nướng đều trên ngọn lửa than, sườn cừu vừa chín thì ăn ngay trong lúc còn nóng để cảm nhận vị ngon tinh túy và thơm phức của thịt. Chấm với mù tạt hoặc muối tiêu chanh để cảm nhận thêm những dư vị khác lạ hòa hợp với thịt cừu non mềm và thơm. Với món thịt cừu nướng mọi, du khách sẽ cảm nhận được hương vị thịt đặc trưng mà không hề bị hòa lẫn.

  1. Hàu đầm Ô Loan (Tỉnh Phú Yên)

Hàu đầm Ô Loan là một loại hải sản không thể bỏ qua khi đến với vùng đất này, hàu ở đây được người dân khai thác từ con hàu sống tự nhiên dưới đầm. Hàu đầm Ô Loan là một loại hải sản không thể bỏ qua khi đến với vùng đất này, hàu ở đây được người dân khai thác từ con hàu sống tự nhiên dưới đầm.

Thời điểm cuối xuân đầu hè, đúng vụ sẽ có những con hàu to mập, hàu có vẻ bên ngoài xù xì, hình thù như một cục đá nhưng lại có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế thành nhiều món ngon như xào, nấu canh, chấm mù tạt, nướng mỡ hành và đặc biệt là nấu cháo.

Hàu Ô Loan
Hàu Ô Loan
  1. Bánh tráng cuốn thịt heo hai đầu da (TP. Đà Nẵng)

Đến Đà Nẵng, du khách có thể thưởng thức những món ăn vô cùng thơm ngon, trong đó có món bánh tráng cuốn thịt heo hai đầu da – đặc sản mà người dân Đà Nẵng luôn tự hào giới thiệu đến bạn bè gần xa. Một phần bánh tráng cuốn thường gồm 1 dĩa thịt heo, mì, bánh tráng và rau sống ăn kèm. Trong đó nổi bật nhất ở đây chính là đĩa thịt hai đầu da được luộc vừa tới, khi ăn thấy rõ vị ngọt, thơm của thịt luộc khéo.

 

Bánh tráng cuốn thịt heo hai đầu da
Bánh tráng cuốn thịt heo hai đầu da

Đối với món bánh tráng cuốn thịt heo, rau là nguyên liệu không thể thiếu với yêu cầu rau ăn kèm phải đa dạng, tươi, sạch: xà lách, húng quế, giá đỗ, hành, tía tô, bắp cải, dưa chuột… Mắm nêm là nước chấm thường đi kèm theo món ăn, mang hương vị đậm đà của cá biển, vị cay nồng của tỏi ớt khiến nhiều người sẽ phải chảy nước mắt nhưng vẫn muốn ăn tiếp. Khi ăn, trải 1 lớp bánh tráng lên lát mì mỏng mềm, lần lượt xếp các loại rau, dưa chuột, chuối xanh, thịt rồi cuộn chặt lại, chấm mắm nêm và thưởng thức.

  1. Cá lóc đồng hấp mận Hòa An (Tỉnh Đồng Tháp)

Người dân ở Đồng Tháp thường tự hào giới thiệu với du khách rằng: “Không đâu lạ và ngon bằng món cá lóc hấp mận Hoà An”.

Cá lóc được đánh vảy, làm sạch, ướp với củ hành tím bằm nhuyễn, muối, đường, tiêu, thêm một muỗng nhỏ nước mắm, để chừng 20 phút cho cá thấm gia vị. “Mận phải là mận Hoà An thì hấp mới thành được”.

Cá lóc đồng hấp mận Hòa An
Cá lóc đồng hấp mận Hòa An

Không ngọt lịm như giống mận sữa trắng, không quá nhiều nước như mận An Phước, mận Hoà An chín có vị chua chua, ngọt ngọt, không lẫn vị chát.

Khi xếp mận bao phủ cá lóc để hấp thì nước mận tiết ra thấm vào cá, quyện với vị mặn cùng gia vị ướp làm cho thịt cá có hương vị đặc trưng. Nước cá hấp thấm lại vào trái mận, nên ăn kèm mận với cá lại ngon hơn. Cá chín rưới hành tỏi phi vàng và tiêu lên để tăng hương thơm.

Món cá lóc hấp mận dùng chung với bánh tráng, rau, chuối chát, dưa leo, chấm nước mắm tỏi ớt pha chua ngọt. Có thể ăn chung với các loại rau sông, rau vườn như rau trai, cải trời, lá cách, lá cốc để tăng hương vị.

  1. Cá Lăng Việt Trì (Tỉnh Phú Thọ)

Cá lăng là một loại cá da trơn, được mệnh danh là “á hâụ” trên bàn đặc sản. Cá thường có màu đen ở lưng hay có màu xám nhạt, với phần bụng trắng, ngoài ra, còn có loại cá khá hiếm như cá lăng vàng….Từ xa xưa loài cá này đã trở thành đặc sản tiến vua bởi mùi vị rất đặc trưng của nó. Thịt cá thơm, ít xương dăm, giàu chất dinh dưỡng. Cá Lăng khi ẩn mình trong hang thường ăn rêu bám trên vách đá. Nó sống ở đáy nước, thường ăn thịt những con cá nhỏ khác để lớn mạnh hơn. Đó cũng là lý do để thịt cá săn chắc thơm ngọt.

Lẩu cá Lăng
Lẩu cá Lăng

Cá lăng có thể làm thành nhiều món hấp dẫn như: cá lăng kho tộ, cá lăng nướng, cá năng kho với chuối đậu, canh măng chua cá lăng ngoài ra, lẩu cá lăng và đặc biệt là chả cá. Mỗi món lại có một hương vị độc đáo riêng, tùy vào sở thích của mỗi người và thời điểm khác nhau mà lựa chọn cách chế biến khác nhau.

  1. Vịt thả dầm Bắc Bình (Tỉnh Bình Thuận)

Món vịt thả dầm là món ăn dân dã, có hương vị đậm đà, hấp dẫn và trở thành một món ăn đặc sản của vùng đất Phan Rí Thành (huyện Bắc Bình). Vịt nấu dầm không chỉ hấp dẫn bởi hương vị thơm ngon mà đây còn là món ăn bổ dưỡng.

Vịt thường chọn là loại vịt cỏ, thịt sẽ ngon và mềm hơn.

Vịt thả dầm
Vịt thả dầm

Vịt sau khi làm sạch cho vào nồi luộc chín rồi vớt ra chặt nhỏ, cho hỗn hợp tỏi, ớt, gừng, cà chua giã nhỏ đã phi thơm qua dầu vào nước luộc vịt, thêm ít me chua, nước mắm, đường và nêm cho vừa miệng; có thể thêm bớt các nguyên liệu và gia vị tùy vào khẩu vị mỗi người.

Sau đó thả thịt vịt và một nắm rau răm, đậu phộng rang giã nhỏ vào, như vậy món ăn sẽ thêm phần thơm ngon, hấp dẫn. Món vịt thả dầm được ăn kèm với bún, thêm một chén nước mắm gừng cay cay. Có thể nói đây là món ăn dân dã để thay đổi khẩu vị được người dân nơi đây rất ưa thích và cũng có thể nấu trong những bữa tiệc gia đình, đám cỗ, đặc biệt dùng để chiêu đãi khách phương xa, sẽ khó ai có thể quên được.

  1. Bánh xèo tôm nhảy (Tỉnh Bình Định)

Bánh xèo tôm nhảy là món ăn có từ lâu đời của người dân Bình Định. Món ăn có tên gọi như vậy là bởi nguyên liệu chế biến chính là những con tôm Đất tươi được chế biến khi còn nhảy lao xao.

Món ăn không quá cầu kỳ, người nấu sẽ thả những con tôm còn nhảy vào trong chảo rồi rưới một lớp bột lên cùng hành lá trên một lò lửa than rực hồng. Bột bánh xèo phải được xay từ loại gạo ngon, ngâm qua đêm và xay mịn, thêm chút nghệ cùng gia vị.

Bánh xèo tôm nhảy
Bánh xèo tôm nhảy

Chỉ mất vài phút là đã có chiếc bánh xèo vàng rộm, nóng hổi thơm mùi gạo. Thú vị nhất là ngồi chờ người đầu bếp đổ những chiếc bánh, nghe âm thanh xèo xèo, ngắm những chiếc bánh nhỏ xinh với con tôm đỏ au. Món này nhất định phải đi kèm với nước chấm được pha đúng vị. Món ăn tưởng chừng đơn giản nhưng níu giữ không biết bao nhiêu du khách khi ghé thăm miền đất này.

  1. Bún gỏi dà (Tỉnh Sóc Trăng)

Đến với Sóc Trăng, du khách thường tìm và thưởng ngay một tô bún gỏi dà – một đặc sản đặc biệt mang nét đẹp văn hóa giao thoa của con người nơi đây. Tô bún chất lượng phải có nguyên liệu phối hợp đạt độ hài hòa từ vị thanh, ngọt, đến chua, rồi cay béo, mặn hòa quyện với hương thơm thoang thoảng của đậu phộng rang cùng tương xay.

Bún gỏi dà
Bún gỏi dà

Tương của bún phải là loại tương xay nguyên chất, ủ đúng thời gian để có độ mặn vừa phải, pha với chất dấm đường. Đậu phộng rang đều tay, đâm nhỏ nhưng không nát. Tép là tép đất. Thịt ba chỉ tươi luộc vừa chin tới. Nước lèo hầm bằng sườn heo non, tôm khô, nêm ít đường, muối, bột ngọt, ớt, nước me chín, hành tây, hạt tiêu sọ trắng… Tất cả nguyên liệu đã làm nên một tô bún thơm ngon. Bún ăn phải thật nóng, kèm với bắp chuối thái sợi, rau thơm, tóp mỡ, ớt băm, lát chanh và chén nước mắm cốt.

  1. Canh cá Quỳnh Côi (Tỉnh Thái Bình)

Canh cá Quỳnh Côi là món ăn dân dã mang hương vị thơm ngon của vùng quê Quỳnh Côi, Thái Bình.

Nguyên liệu làm món canh cá là bánh đa Quỳnh Côi sợi nhỏ, trong suốt đều tăm tắp, khi nấu lên lại trở màu trắng tinh, giòn dai và thơm thơm mùi gạo. Và không thể thiếu nguyên liệu chính là cá quả, cá rô đồng hoặc cá trắm, nhất là cá trắm đen.

Canh cá Quỳnh Côi
Canh cá Quỳnh Côi

Nước dùng được chế biển từ phần đầu và xương cá ninh nhừ, thêm chút gia vị là có ngay nồi nước dùng trong, ngọt và đậm đà.Thêm ít rau gia vị là hành lá, thìa là, rồi cứ mùa nào thức nấy khi thì thêm rau rút (nhút) vào mùa nóng, khi thì thêm rau cần hoặc rau cúc tần vào mùa lạnh.

Bát canh bánh đa bình dân là thế mà được bài trí rất công phu hấp dẫn. Dưới nền bánh đa trắng ngần là lớp rau xanh được chần rất nhanh qua nước dùng, cá chiên vàng sậm, miếng chả tròn và hành lá, thìa là. Cuối cùng là nước dùng chan để ăn nóng.

Nguồn: topplus.vn

 

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.