Bánh sắn Đất Tổ – Đậm đà hương vị Trung du

Đối với nhiều người con Phú Thọ, nhắc tới bánh Sắn là nhắc tới những năm tháng vất vả đã qua với những ký ức và cảm xúc vô cùng khó tả. Ngày nay, bánh Sắn là món quà quê với hương vị dân dã, được rất nhiều người ưa thích.

Đĩa bánh Sắn thơm ngon, hấp dẫn

Sắn là loại củ có vị ngọt bùi, bổ, chứa nhiều tinh bột có thể dùng để chế biến món ăn. Thông thường, sắn thường luộc và ăn trực tiếp. Ngoài ra, còn có thể làm rất nhiều món ăn chế biến từ sắn như: bánh sắn, xôi sắn, chè sắn, canh sắn,… đặc biệt là bánh sắn, bánh sắn có thể làm từ bột củ sắn tươi hoặc bột sắn khô, nhưng phổ biến nhất vẫn là sử dụng tinh bột khô. Nếu như ngày xưa chỉ có món bánh Sắn nhân đũa. Gọi là bánh Sắn nhân đũa bởi thời khó khăn bánh không có nhân. Để cho bánh chín nhanh, chín đều thì lấy chiếc đũa trọc một lỗ giữa bánh nên gọi là bánh Sắn nhân đũa. Giờ thì không còn bánh Sắn nhân đũa nữa, thay vào đó là nhân đậu xanh, nhân thịt, hành và mộc nhĩ băm nhỏ nên mùi vị thơm ngon, béo ngậy.

Những chiếc bánh bọc lá chuối nhỏ nhắn, đơn giản

Vào mùa, người dân nhổ cây Sắn lấy củ về làm bột. Sắn được bóc vỏ, ngâm nước qua đêm để giảm độ hăng nồng rồi thái thành từng miếng nhỏ mang ra phơi khô. Sắn phơi khô được nghiền thành bột rồi cho vào màn dây lọc bỏ hết xơ để bột thật mịn. Hầu hết người dân Phú Thọ đều biết làm bánh Sắn nhưng để làm ra chiếc bánh Sắn ngon, đậm đà, mềm dẻo thì không phải ai cũng làm được. Khi chế biến, người làm bánh phải thật tinh tế trong khâu nhào bột vì bột rất dính. Nước đun sôi khoảng 70 độ vào bột khô, vừa dội nước vừa nhanh tay dùng đũa đảo để bột hòa với nước. Sau khi nước và bột quyện lại với nhau, dùng tay nhào thật kỹ đến khi bột thật dẻo. Càng nhào kỹ bánh sẽ càng dẻo và ngon.

Những nguyên liệu làm bánh Sắn

Ngày nay, bánh Sắn được làm hai loại phù hợp với khẩu vị của mỗi người: bánh Sắn ngọt và bánh Sắn mặn. Có thể nói nhân bánh đóng vai trò quan trọng trong quyết định độ ngon của bánh. Đối với nhân ngọt:  Đỗ xanh ngâm nước nóng sau đó đãi sạch vỏ, cho lên nấu cơm đỗ, dùng thìa miết vụn cơm đỗ, nêm chút đường, nắm thành những nắm nhỏ cùng lạc rang, vừng, dừa,… Đối với nhân mặn gồm thịt băm nhuyễn cùng hành khô và mộc nhĩ, cho lên bếp xào qua với 1 chút dầu ăn và nêm 1 chút gia vị.

Nhân ngọt và nhân mặn làm bánh Sắn

Lá chuối rửa sạch bụi bẩn, dùng khăn lau khô. Tước ra thành nhiều lá nhỏ bằng 3 ngón tay. Bột sắn chia thành những phần bằng quả trứng vừa ăn. Cán mỏng bột sắn khéo léo cho nhân vào, nhân mặn (thịt, mộc nhĩ), nhân ngọt (đỗ xanh). Nặn thành những chiếc bánh xinh xinh, dùng lá chuối bọc bên ngoài từng chiếc bánh để khi sôi bánh không bị dính vào nhau. Lần lượt xếp bánh vào nồi đồ sôi. Sau 40 phút bánh sẽ lên mùi thơm ngậy của sắn nếp và nhân đậu thịt. Khi bóc chiếc bánh, bên ngoài có màu xanh nhạt từ màu xanh của lá chuối, bên trong bánh có màu trắng và ở giữa là nhân.

Sau khi gói xong bánh được mang đi hấp chín

Sau khi bánh chín, bánh sẽ có màu trong mịn, có vị thơm của sắn lẫn vị bùi, béo của nhân đỗ xanh, hành, thịt băm tạo nên cảm giác vừa thanh vừa ngon nhất là khi ăn kèm với vừng lạc thì càng tăng nên độ ngon, hấp dẫn. Bánh đặc biệt ngon nhất là ăn ngay khi còn nóng.

Bánh khi đã hấp chín

Thưởng thức bánh Sắn, bạn sẽ mang đến những dư vị khó quên, cảm nhận được hương vị dân dã của món bánh này. Lớp vỏ bánh màu xanh nhạt từ màu xanh của lá chuối, bên trong bánh có màu trắng và ở giữa là nhân. Khi ăn, bánh Sắn có vị dẻo thơm, ngọt của bột sắn hòa lẫn vị bùi, béo của đỗ xanh, lạc, vị thơm của hành, vị béo của thịt, vị thơm của lá chuối. Tất cả gợi cảm giác ngon miệng mỗi khi thưởng thức, gợi nên hương vị quê hương nơi miền trung du Đất Tổ thanh bình.

Bánh Sắn với nhân đỗ và nhân thịt mặn

Bánh Sắn không phải cao lương mỹ vị, không dành cho các dịp lễ đặc biệt mà chỉ là một món ăn hết sức bình dân. Nhưng giữa xã hội phát triển như hiện nay với vô vàn món từ Âu đến Á bánh sắn hơi khó tìm, mà tìm được bánh sắn ngon rồi thì sẽ khó quên được hương vị của nó.

Những món ăn tưởng như đơn giản nhưng không phải nơi đâu cũng có thể làm được, không phải muốn là sẽ có mùi vị thực sự của nó. Hãy đến với Phú Thọ mảnh đất trung du bình dị để thưởng thức trọn vẹn hương vị dẻo thơm của bánh Sắn  –  đặc sản Phú Thọ, món ngon vùng Đất Tổ.

Bích Ngọc- Trung tâm TTXT Du lịch

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.