Việt Trì đẩy mạnh dịch vụ du lịch

4-1521535942

Việt Trì đã hình thành tuyến du lịch có lộ trình khai thác du khách nước ngoài.
– Du khách nước ngoài tham gia hát Xoan tại Đình Hùng Lô.

Phát triển ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch được thành phố Việt Trì xác định là 1 trong 3 khâu đột phá để từng bước xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố đã và đang tập trung nhiều giải pháp hoàn chỉnh mạng lưới và phát huy hiệu quả các hoạt động dịch vụ, góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn. 

Một trong những tiềm năng lớn nhất mà Việt Trì có được để phát triển thành trung tâm dịch vụ – du lịch chính là lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan và đặc biệt là các di tích lịch sử, công trình kiến trúc, làng nghề truyền thống cũng như các di sản văn hóa, lễ hội của vùng Đất Tổ, đặc biệt là hai di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ”. Trên địa bàn thành phố hiện có 111 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, 54 di tích được xếp hạng (14 di tích cấp Quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh) và có 2 điểm du lịch trọng điểm là Khu di tích lịch sử Đền Hùng và điểm du lịch Hùng Lô.

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và của tỉnh, các công trình xây dựng mang đậm bản sắc văn hóa thời đại Hùng Vương, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc biệt thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Cho đến nay, Khu di tích lịch sử Đền Hùng chủ yếu phát triển dịch vụ du lịch tâm linh phục vụ khách hành hương và tập trung vào mùa lễ hội, còn làng cổ Hùng Lô chỉ cách Đền Hùng chừng 10km. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn kiến trúc ngôi đình cổ, di tích lịch sử cấp Quốc gia đã được công nhận từ năm 1990. Xã Hùng Lô hiện còn lưu giữ được gần 50 ngôi nhà cổ có tuổi đời từ một trăm đến hai trăm năm. Hùng Lô còn là ngôi làng sở hữu kỹ thuật làm miến mỳ truyền thống. Hiện nay, điểm du lịch Hùng Lô đang được khai thác với các dịch vụ du lịch tâm linh và trải nghiệm, bước đầu thu hút một lượng đáng kể du khách nước ngoài và trong nước đến tham quan, trải nghiệm, lưu trú tại đây.

Bên cạnh các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trên địa bàn thành phố Việt Trì còn có các làng nghề truyền thống đang hoạt động như: Làng nghề chế biến thực phẩm, khu 9, xã Hùng Lô; làng nghề bánh chưng, bánh giầy làng Xốm, Hùng Lô; làng nghề hoa đào Nhà Nít, xã Thanh Đình; làng nghề rau an toàn Tân Đức, xã Tân Đức. Việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sẽ giúp du khách đến với vùng Đất Tổ không chỉ trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương mà kéo dài suốt cả năm.

Tuy chưa có sự kết nối giữa các điểm du lịch trên địa bàn, chưa có sự liên thông giữa các hình thức du lịch song hiện nay thành phố đã hình thành một vài tuyến du lịch có lộ trình khai thác du khách nước ngoài, mặc dù số lượng không lớn, như tuyến Khu di tích lịch sử Đền Hùng – Miếu Lãi Lèn – Đình Hùng Lô; tuyến Khu di tích lịch sử Đền Hùng – Bảo tàng Hùng Vương – Đình Hùng Lô – Đình Thét – Làng rau an toàn Tân Đức; tuyến quần thể di tích đền, chùa Tam Giang – Bảo tàng Hùng Vương – Khu di tích lịch sử Đền Hùng – Miếu Lãi Lèn – Đình Hùng Lô. Trên địa bàn thành phố đã có 14 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành nội địa và quốc tế. Đây cũng là đầu mối kết nối để ngành dịch vụ du lịch thành phố phát triển, mở rộng.

Ngoài sản phẩm du lịch tâm linh vốn là thế mạnh truyền thống của du lịch thành phố Việt Trì và du lịch trải nghiệm mới bắt đầu khai thác, các sản phẩm du lịch khác có nhiều tiềm năng như du lịch sinh thái, du lịch tham quan, khám phá…cũng đang dần được quan tâm, phát triển.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Việt Trì trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, với mục tiêu phấn đấu duy trì tăng lượng khách du lịch đến thành phố hàng năm là 20%/năm, thời gian tới thành phố tiếp tục đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng ưu tiên; nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng du lịch, kết cấu hạ tầng; đầu tư hạ tầng điểm du lịch, cải thiện hạ tầng giao thông và điểm đón khách du lịch tại các khu di tích trên địa bàn. Lập dự án, kêu gọi đầu tư vào một số khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp; xây dựng các khu sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm, hình thành các khu cắm trại dã ngoại kết hợp giáo dục thực nghiệm ở một số xã, phường; tập trung phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng các tour, tuyến du lịch, phối hợp với các đơn vị khai thác các tuyến du lịch liên tỉnh; phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch…

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.