Sức sống làng nghề nón lá

1-1554345605

Người dân làng Dền say sưa với nghề truyền thống

PTĐT – Cách trung tâm thành phố Việt Trì hơn 20km, tại khu 3, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh có làng nghề truyền thống Gia Thanh (hay thường gọi là làng Dền). Qua gần 70 năm, nón lá làng Dền đã trở thành thương hiệu được nhiều người biết tới.

Bằng bàn tay tài hoa và tình yêu nghề, những người dân trong làng nghề đã tạo nên những chiếc nón lá vừa đẹp lại vừa bền, mang đậm bản sắc dân tộc. Bà Triệu Thị Nhường – Người đã có gần 50 năm làm nghề nón và hiện đang là phụ trách làng nghề nón làng Dền tâm sự: Nếu như trước đây chỉ có vài hộ gia đình trong khu làm nghề nón thì nay đã có trên 50% số hộ gia đình trong làng thường xuyên làm nón. Trước đây chỉ có những người già không làm được các công việc nặng nhọc mới làm nón nhưng nay đã có nhiều cháu nhỏ 13 đến 15 tuổi cũng tham gia làm nón, điều đó góp phần làm cho nghề nón truyền thống của làng sẽ không bị mai một.

3-1554345749

Tuy nhiên, trước sức cạnh tranh từ các sản phẩm sản xuất công nghiệp khác, thị trường nón lá dần thu hẹp và giá thành của mỗi sản phẩm không cao thường từ 30 – 80 nghìn đồng/chiếc. Thế nhưng, bên cạnh những người hơn nửa đời người đã gắn bó như bà Nhường, thì lớp thợ trẻ của làng vẫn rất say nghề. Nói về điều này, chị Triệu Thu Hiền – một thợ trẻ chi sẻ: Bố mẹ chị đã được truyền nghề làm nón từ ông, bà. Ðến nay, chị và các em vẫn tiếp tục làm nghề. Nghề khâu nón không kén người làm, trẻ con, người già đều có thể làm được. Hơn nữa, trước đây những người làm nón phải cất công đi mua nguyên liệu từ nơi khác về để sản xuất nón rồi đem ra chợ làng tiêu thụ thì ngày nay nguyên vật liệu được chuyển về tận làng theo đặt hàng, rất thuận tiện. Ngoài những kiểu mẫu truyền thống, nón làng Dền hiện đã có thêm nhiều kiểu dáng khác với những kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với trình độ của nhiều lao động.

2-1554345667

Để mở rộng thương hiệu sản phẩm làng nghề, Chi cục Phát triển nông thôn Phú Thọ cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Quỹ phát triển quốc tế Singapore (SIF) đã xây dựng dự án phát triển thị trường và nhân sự tại tỉnh Phú Thọ, trong đó có sản phẩm nón lá. Làng nghề Gia Thanh đang có nhiều cơ hội bay cao hơn, xa hơn để phát triển, hội nhập quốc tế. Ông Hán Xuân Đang – Chủ tịch UBND xã Gia Thanh cho biết: Việc sản xuất nón lá có nhiều lợi thế bởi công cụ phục vụ sản xuất nón chi phí không lớn, ít gây ô nhiễm môi trường lại tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ như tre, nứa, diễn, bẹ măng… Đặc biệt, ngày nay nón lá Gia Thanh không chỉ có ý nghĩa sản phẩm hàng hóa mà còn có ý nghĩa sản phẩm du lịch. Các đoàn khách quốc tế đến đây vừa tham quan, vừa mua sản phẩm nên thu nhập từ sản xuất nón lá cũng được tăng lên với các hộ gia đình ở đây.

4-1554345667

Du khách quốc tế tham gia trải nghiệm sản xuất nón lá tại làng nghề

Từ khi được kết nối trở thành điểm du lịch, làng nghề nón lá Gia Thanh nhộn nhịp hơn hẳn. Du khách tìm đến với làng không chỉ đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đến tham quan tìm hiểu lịch sử làng nghề, được chứng kiến và trải nghiệm qua việc tham gia vào các công đoạn để làm nên chiếc nón lá, họ cũng không quên đem theo những chiếc nón – biểu tượng văn hóa của một miền quê về làm quà cho những người thân góp phần quảng bá sản phẩm nón làng Dền.

(Theo: Giang Ngân – Báo Phú Thọ)

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons