Những câu chuyện bí ẩn về trang phục của người Mông Sa Pa

Đến với Sa Pa, Lào Cai chắc hẳn ai cũng đều thích thú ngắm nhìn những bộ trang phục truyền thống của đồng bào. Đặc biệt là những câu chuyện thú vị ẩn chứa đằng sau những bộ trang phục xinh đẹp. Khi khám phá văn hóa đồng bào Mông tại đây, các ban đừng bỏ lỡ những câu chuyện đặc biệt, hấp dẫn này nhé.

Như chúng ta thường thấy phụ nữ Hmông Đen thường mặc quần thay vì mặc váy như các ngành Mông khác. Xưa kia, đồng bào Mông ở đây cũng mặc váy nhưng nay chuyển sang mặc quần. Theo lời kể người già người Hmông Sa Pa kể lại rằng: Ngày xưa họ di cư từ nơi khác đến đây, thường ngày phụ nữ vẫn mặc váy nhưng do điều kiện phải sinh sống trên vùng núi cao, thời tiết lạnh, khi họ bắt tay vào việc khai phá đất đai để làm nhà, làm ruộng và làm nương rẫy thì gặp phải trở ngại là bị muỗi và côn trùng đốt rất nhiều. Trước hoàn cảnh đó, chiếc váy trở nên bất lợi, trong khi đó nam giới mặc quần lại ít bị muỗi vắt cắn, mặc lại ấm hơn nên người phụ nữ cũng bắt trước đàn ông may quần để mặc. Để phân biệt với quần của nam giới thì người phụ nữ chỉ cắt quần ngắn tới đầu gối. Như vậy, chiếc quần ngắn mà phụ nữ Hmông ngày nay vẫn thường mặc nhằm mục đích thay thế cho chiếc váy xưa kia để thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt.

Ngoài ra, còn có lý do khác gắn liền với lịch sử của vùng đất này. Trước đây, người Mông ở Trung Quốc phụ nữ thường mặc váy nhưng từ khi di cư sang Việt Nam, người Pháp sang xâm chiếm nước ta, đóng trên địa bàn huyện Sa Pa trong một thời gian khá dài, họ thấy phụ nữ ta mặc váy thường hay trêu chọc, bắt nạt nên phụ nữ Hmông Đen không mặc váy nữa mà chuyển sang mặc quần.

Trang phục phụ nữ Mông Đen

Với người Hmông Đen ở Sa Pa, dù nam hay nữ, sau khi chết đi đều được mặc áo phụ nữ và đội khăn. Đàn ông nào chết cũng đều phải mặc váy giống phụ nữ. Người chết phải được mặc trang phục làm bằng sợi lanh vì theo quan niệm của đồng bào, nếu mặc bằng sợi bông hay chất liệu khác, người chết sẽ không thể đi gặp tổ tiên được. Áo dài tay của người chết khác áo phụ nữ mặc hàng ngày. Khi để xác quàn ở trong nhà, người chết được che mặt bởi một chiếc khăn nhuộm chàm. Người được đắp nhiều lớp vải lên mình, số lượng vải đắp này tùy thuộc vào những người đến phúng viếng họ biếu cho người chết. Trong bàn tay người chết người ta để mười hai que tre nhỏ buộc chặt bằng sợi lanh (nếu để trong quan tài thì không buộc gì, để bình thường). Theo như giải thích của đồng bào thì khi linh hồn của người chết đi đến cõi âm, gặp con rồng thì đút mười hai que tre buộc sợi lanh đó vào miệng con rồng với mong muốn có thể đầu thai trở lại, nếu không có các que tre đó, hồn người chết sẽ bị con rồng lấy đi, người chết sẽ không thể đầu thai được.

Khi người đàn ông chết sẽ phải mặc áo, váy, tạp dề của phụ nữ. Điều này có vẻ rất đặc biệt phải không các bạn. Khi sống người đàn ông là trụ cột gia đình, làm những công việc nặng nhọc, phụ nữ là người phụ giúp cho chồng. Theo như quan niệm thông thường khi mất đi thì người đàn ông vẫn sẽ mặc trang phục nam giới của mình. Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao khi mất đàn ông phải mặc váy của đàn bà, đó có phải là do hoài niệm về quan hệ mẫu hệ xưa kia hay vì lí do nào khác.

Câu chuyên này được người Mông ở đây giải thích rằng, nó liên quan đến quá trình di cư, quá trình lịch sử đấu tranh tồn tại của đồng bào Mông. Ngày xưa trong chiến tranh giữa người Hán và người Hmông, người Hán chỉ giết đàn ông chứ không giết đàn bà nên đàn ông Hmông khi chết phải cải trang thành đàn bà, mặc áo và cuốn khăn như phụ nữ để khi đi đường về với tổ tiên mới không bị ma người Hán làm hại. Vì thế cho nên ngày nay đàn ông người Hmông Đen khi chết vẫn mặc chiếc áo và váy của phụ nữ.

Còn theo sự giải thích của ông Vàng A Dế, ở thôn Can Ngài, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa thì ngày xưa do chiến tranh giữa người Hmông Đen và người Hán mà tổ tiên của họ phải di cư tới đây. Nhưng chỉ có phụ nữ mới được đi qua biên giới còn đàn ông hầu như bị giết chết hoặc bị bắt lại làm lính, họ đã nghĩ ra một cách là thay đổi trang phục nam sang mặc váy, cuốn khăn trên đầu đóng giả như phụ nữ để người Hán không phát hiện ra mới qua được biên giới. Do đó, khi chết người đàn ông cũng phải mặc trang phục giống phụ nữ để trở về với tổ tiên.

Còn rất nhiều điều thú vị, hấp dẫn liên quan đến cuộc sống của người Mông ở Sa Pa. Nếu bạn muốn trải nghiệm, khám phá những điều đặc biệt ấy hãy đến Sa Pa và chọn cho mình căn homestay của đồng bào Mông để được cùng sống, cùng ăn, cùng ở, tìm hiểu về văn hóa người Mông.

Người dân tham gia trò chơi trong lễ hội đầu xuân

Phan Phượng (ảnh: Ngọc Thanh)

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.