Ngôi làng nhỏ ven sông vốn từ lâu đã đông đúc, sầm uất với chợ trên bến dưới, trung tâm giao thương mua bán của một vùng rộng lớn nay càng thêm tấp nập bởi hoạt động tham quan du lịch của những đoàn khách đến từ khắp mọi miền. Hùng Lô, cái tên có lẽ trở nên gần gũi, dễ nhớ với bất kì ai từng đến nơi này, bởi cách giải thích rất hồn hậu từ những người con của làng khi được hỏi về tên làng: Bởi làng có những huyền sử gắn với vua Hùng thời dựng nước Văn Lang và nằm trải dài theo dòng sông Lô – dòng sông đã đi vào lịch sử kháng chiến đầy hào hùng của dân tộc – cái tên Hùng Lô được khắc nhớ trong tâm trí của nhiều người, đặc biệt là những du khách phương xa đã từng đặt chân ghé thăm địa danh này.
Việt Trì ngày nay hay vùng đất Văn Lang xưa, đâu đâu cũng gợi cho con người ta cảm xúc hoài nhớ về một thời xa lắm nhờ những câu chuyện được kể từ đời này qua đời khác. Khi xưa Hùng Lô được biết đến là Trang Khả Lãm; Tích làng có ghi lại rằng: “Vua Hùng cùng công chúa cưỡi ngựa hồng vân du, đến Trang Khả Lãm thấy vùng đất này có huyệt thiên tạo hướng giáp canh – khí thiêng từ đất bốc lên, vua cho đây là chốn địa linh nên gọi dân đến khai khẩn đất hoang tạo ấp định cư. Vùng đất cũng từ đó ngày một đông dân hơn, truyền đời làm ăn phát đạt. Về sau, nhân dân đã lập miếu thờ vua Hùng, đời đời hương khói nhớ ơn Vương Tổ…”. Làng ngày càng đông, dân chúng ngày càng làm ăn phát đạt, ngôi miếu ngày càng linh thiêng. Từ ngôi miếu cổ, đình Hùng Lô đã được xây dựng, nhằm nối tiếp và phát triển về đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cư dân Việt trong vùng, khi văn hoá làng xã ra đời và kinh tế – xã hội phát triển. Quần thể di tích lịch sử – văn hoá đình Hùng Lô được xây dựng trên khoảng đất rộng 5000 m², ngay trung tâm của Trang Khả Lãm cổ xưa, xã An Lão thời kỳ phong kiến và nay là xã Hùng Lô. Quần thể gồm nhiều hạng mục công trình: miếu, đình, chùa, nhà văn chỉ với kiến trúc cổ truyền và nội thất thờ cúng bằng gốm, đồng, gỗ được chạm trổ nghệ thuật tinh xảo, đường nét hoa văn sắc gọn, hài hoà, nhiều hiện vật cổ, quý do nhân dân cung tiến còn lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Những hiện vật cùng sự thành kính và đời sống tâm linh phong phú của người dân nơi đây cho thấy bề thế của một vùng đất có lịch sử văn hoá lâu đời và giàu có. Quả thực là như vậy bởi bên cạnh những thiết chế văn hoá làng xã thật đầy đủ đó, Hùng Lô còn là nơi tập trung những nếp nhà truyền thống mang đầy màu sắc văn hoá của cư dân vùng Bắc Bộ xưa. Hiện tại làng có gần 50 nếp nhà từ 100 đến 200 năm tuổi, được làm từ những vật liệu gỗ, tre nứa… những thứ có sẵn trong tự nhiên và gần gũi với cuộc sống của người dân Việt. Trong đó, có nhiều ngôi được xếp vào hàng đại khoa (ngôi nhà nhiều gian, to rộng với nhiều cột gỗ to) hiện vẫn đang được người dân sử dụng, gìn giữ và bảo tồn không chỉ về mặt kiến trúc mà còn như một phần tinh thần cho đời sống tâm linh của mỗi thành viên trong gia đình. Có những ngôi nhà đã trở thành nơi thờ cúng, đi về tập trung của cả họ. Người dân Hùng Lô có thể đi khắp nơi lập nghiệp nhưng bao giờ tấm lòng cũng hướng về nơi mà từ đó họ được sinh ra, được mang phúc trạch của vùng đất đầy linh thiêng.
Hùng Lô được dân quanh vùng gọi là nơi “đất chật người đông”, bởi với diện tích tự nhiên chỉ gần 2 km² mà dân số có hơn 6000 người. Một phần do đất canh tác không nhiều, phần khác do người dân Hùng Lô, đặc biệt là phụ nữ Hùng Lô rất chăm chỉ, chịu thương chịu khó và có tài tính toán làm ăn, giao thương buôn bán, đi đây đó học nghề thủ công về xây dựng kinh tế của làng mình nên dân làng không sống dựa vào nghề nông thuần tuý mà còn phát triển nhiều ngành nghề thủ công khác. Chẳng thế mà từ xưa Kẻ Xốm nổi tiếng trong dân gian, đến nay vẫn còn được nhắc đến với các làng nghề phong phú, đa dạng như làng nghề làm bánh chưng, bánh giày, làng nghề làm đậu, làm bún, mỳ sợi, làng nghề nấu rượu gạo…; các cụ trong làng vẫn gọi vui là “Làng đa nghề”. Đến nay các nghề truyền thống đó vẫn đang được người dân duy trì và phát triển, bên cạnh một số cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch trồng nho, thanh long, măng tây, dưa Nhật… ven bờ sông mới đi vào hoạt động làm cho cảnh quan Hùng Lô thêm tươi tắn, đa sắc màu, không khí trong làng luôn tấp nập, nhộn nhịp. Nghề làm mỳ gạo với những bí quyết gia truyền tạo nên sản phẩm mỳ sợi trắng, dai, nấu không bị nát rất được ưa chuộng, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, hứa hẹn ra cả thị trường quốc tế. Nghề làm bánh chưng có truyền thống lâu đời và vì bánh của Hùng Lô vừa ngon vừa đẹp nên hàng năm nhân dân Hùng Lô vẫn vinh dự được nhận trọng trách làm bánh dâng vua Hùng trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương. Bánh chưng Hùng Lô vừa là sản phẩm thực phẩm ngon, vừa là sản phẩm văn hoá giàu ý nghĩa truyền thống, lại là sản phẩm du lịch làng nghề – văn hoá hấp dẫn du khách khi về Đền Hùng, Hùng Lô hay Việt Trì. Sự trù phú, giàu có của làng cổ Hùng Lô được làm nên từ tất cả những giá trị di sản vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú đó. Đây cũng chính là lý do Hùng Lô được du khách lựa chọn tham quan và được chính quyền địa phương quan tâm ưu tiên đầu tư cho phát triển du lịch.
Vài năm trở lại đây, ngôi làng càng thêm tấp nập bởi hoạt động tham quan du lịch của du khách đến từ khắp mọi miền đất nước; cả du khách quốc tế từ nhiều vùng lãnh thổ cũng theo tour du lịch của các công ty lữ hành đến với Hùng Lô thăm làng nghề, tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, và thưởng thức những làn điệu Xoan Phú Thọ mượt mà, sâu lắng tại không gian ngôi đình cổ kính hơn 300 tuổi.
Một ngày ở Hùng Lô, du khách sẽ được chứng kiến và hoà mình vào cuộc sống vừa sôi động lại vừa yên ả, giàu màu sắc, đan xen giữa truyền thống và hiện đại: Nét văn hoá làng xã xưa vẫn hằn in ở mỗi gốc đa, sân đình, mái chùa cổ kính; những bà, những mẹ cười khoe hàm răng đen nhánh, vai lủng lẳng gánh hàng trở về sau buổi chợ sớm; Nét quê hương đầy ấm áp bên những mâm cơm dân dã được chế biến từ những thực phẩm có sẵn theo cách riêng của vùng. Buổi chiều, Hùng Lô rộn ràng tiếng cười nói, tiếng huyên náo từ khu vui chơi thể dục thể thao tập thể ngay trước đình làng tạo nên âm hưởng cuộc sống vui tươi, thanh bình đến lạ lẫm. Hiếm có làng quê nào có được sinh khí thịnh vượng như ở Hùng Lô. Những ngày cuối tuần, khách du lịch, nhất là những du khách quốc tế đến làng không khỏi thích thú trước cảnh hàng đoàn trẻ con, đứa lớn chỉ khoảng trên 10 tuổi, có những đứa bé chỉ hơn 3 tuổi dắt díu nhau chạy theo sau đoàn khách chỉ chỏ, bắt chước nhau nói những câu tiếng Anh ngọng líu rồi hồn nhiên cười vang. Có lẽ chính sự hồn nhiên con trẻ ấy đã làm nên một Hùng Lô sống động, tạo cho khách phương xa ấn tượng gần gũi, thân thuộc khi đến đây. Diện mạo Hùng Lô đang ngày một đổi thay, khang trang, sạch đẹp hơn; những con đường ngày càng ghi thêm nhiều dấu chân; người dân của làng hơn ai hết càng thêm yêu, tự hào về quê hương của họ. Đó là sự cộng hưởng làm Hùng Lô càng thêm thu hút, mời gọi du khách về thăm.
Cùng với quần thể di tích đình Hùng Lô cổ kính, những hoạt động làng nghề và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, tour du lịch tham quan làng Hùng Lô còn mang đến cho du khách những trải nghiệm khám phá thật sự thú vị về một loại hình diễn xướng nghệ thuật được cho là cổ xưa nhất trên quê hương đất Tổ – Hát Xoan Phú Thọ. Từ lòng đình, tiếng hát cất lên với lòng thành kính thiết tha hướng về tổ tiên, hướng về các vua Hùng như lời nhắc nhở muôn thế hệ con cháu ghi nhớ nguồn gốc con Lạc cháu Hồng khi xưa. Hát Xoan là tiếng hát thể hiện nghi lễ phong tục, cũng là lời ước nguyện chí tâm của cư dân nông nghiệp, nay càng trở nên độc đáo và hấp dẫn du khách bốn phương, đặc biệt là khách du lịch quốc tế yêu thích khám phá trải nghiệm văn hoá.
Về Phú Thọ hôm nay, dù là người dân nước Việt hay những cư dân không cùng chung tiếng nói, chung nền văn hoá nhưng đều chung một cảm nhận thật sâu lắng về quê hương và con người Đất Tổ: nghĩa tình, ấm áp, nhiệt thành, gần gũi và thân thiện. Phải chăng có được điều đó một phần là nhờ những gì mà các điểm đến du lịch Phú Thọ đã ghi dấu lại trong lòng du khách qua những chuyến tham quan trải nghiệm đầy thú vị, trong đó Hùng Lô là một đại diện tiêu biểu./.
Lê Thị Xuân Hương- Trung tâm TTXT Du lịch