Sức sống mới vùng biên Cao Mã Pờ

Từ thành phố Hà Giang chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đến xã Cao Mã Pờ (Quản Bạ), được tận mắt chứng kiến mảnh đất biên cương đang đổi thay từng ngày. Sự đổi thay ấy không chỉ hiện hữu trên từng nụ cười, ánh mắt của mỗi người dân nơi đây, mà còn trong mỗi câu chuyện xóa đói, giảm nghèo với nhiều màu sắc của sự ấm no, hạnh phúc, để thấy được vùng đất biên cương đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ.

Lãnh đạo xã Cao Mã Pờ giới thiệu với phóng viên cây Ấu tẩu, một trong những cây trồng giảm nghèo của địa phương.
Lãnh đạo xã Cao Mã Pờ giới thiệu với phóng viên cây Ấu tẩu, một trong những cây trồng giảm nghèo của địa phương.

Đến Cao Mã Pờ đã là hơn 14 giờ chiều, mùa Thu tiết trời đã hơi se lạnh nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận và như thấy một sức sống mới đang trỗi dậy ở nơi biên cương huyện cửa ngõ Cao nguyên đá. Những ngôi nhà trình tường truyền thống của người Mông, Dao xen kẽ với ngôi nhà xây đang mọc lên khang trang đàng hoàng. Các con đường liên thôn đã được bê tông hóa; cánh đồng lúa chín vàng đã đến độ cho thu hoạch, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng như: Cây dược liệu, cây ăn quả, cây hoa màu được mở rộng. Khung cảnh này cho thấy, Đảng ủy, chính quyền cùng nhân dân xã đang phát huy sức mạnh nội lực, chung sức xây dựng vùng đất biên cương ngày càng phát triển.

Đồng chí Dương Văn Võ, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Mã Pờ cho biết: Cao Mã Pờ là xã biên giới, có hơn 500 hộ, khoảng 2.600 nhân khẩu sinh sống trên địa bàn 8 thôn. Để đưa địa phương phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, Đảng bộ, chính quyền xã luôn xác định phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ trong tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần. Đảng bộ xã đã đề ra những chủ trương, giải pháp cụ thể, sát với thực tế địa phương. Theo đó, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển du lịch, trồng trọt, chăn nuôi gia súc, chăm sóc và bảo vệ rừng; tham gia các lớp dạy nghề.

Nghề đan quẩy tấu giúp người dân nâng cao tiêu chí thu nhập.
Nghề đan quẩy tấu giúp người dân nâng cao tiêu chí thu nhập.

Được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể thường xuyên sâu sát địa bàn, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân lao động sản xuất, phát triển kinh tế, sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc, cuộc sống người dân xã biên giới Cao Mã Pờ đã đổi thay hơn rất nhiều. Hiện nay, trên địa bàn xã có có 11 hộ kinh doanh, trong đó khu dân cư kiểu mẫu thôn Cao Mã; nhà nghỉ lưu trú homestay thôn Vàng Chá Phìn; vườn đào thôn Vàng Chá Phìn, Chín Chu Lìn. Từ đầu năm đến nay, xã đón trên 1.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm và lưu trú, doanh thu trên 60 triệu đồng.

Cùng đó, phát triển trồng trọt, chăn nuôi là nguồn kinh tế chủ lực của người dân địa phương nơi đây. Hiện, toàn xã có 420 ha cây ngô, 24,96 ha lúa, cây Dong giềng 150 ha, cây ăn quả 27, 9 ha, cây dược liệu 564 ha; tổng đàn trâu, bò 1.095 con, dê 97 con, gia cầm 16.500 con, đàn ong 330 tổ.

Gia đình anh Hoàng Văn Rèn, thôn Vàng Chá Phìn là một trong những hộ phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Hiện nay, anh Rèn đang tập trung vào phát triển cây Tam thất, cây đào cảnh quan với diện tích hàng nghìn m2. Ngoài ra, anh đã đầu tư 3 dãy chuồng trại để chăn nuôi lợn. Trung bình mỗi lứa trong gia trại của anh lúc nào cũng có khoảng 50 con lợn thịt. Anh phấn khởi chia sẻ: “Nhờ xã tuyên truyền, định hướng, người dân chúng tôi biết cách phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, được tham gia lớp học nghề, giúp nhau vượt khó. Nhờ vậy, cuộc sống người dân thôn, bản từng bước đi lên, hủ tục, tệ nạn xã hội giảm dần. Đời sống được nâng lên rõ rệt”.

Với những nỗ lực của chính quyền địa phương và sự đồng lòng, quyết tâm của người dân, trung bình mỗi năm xã Cao Mã Pờ giảm được 5% tỷ lệ hộ nghèo. Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng diện mạo xã biên giới Cao Mã Pờ của huyện Quản Bạ đang đổi thay từng ngày.

Nguồn: Báo Hà Giang

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh