Vai trò của Du lịch Điện Biên trong phát triển Kinh tế – Xã hội

Cùng với tiến trình phát triển của du lịch cả nước, du lịch Điện Biên phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh và đã đạt được những thành tựu đáng kể, có những đóng góp nhất định trong sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước. Du lịch Điện Biên đang từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Trên cơ sở phát huy những lợi thế về tài nguyên và vị trí về du lịch, thời gian qua ngành du lịch tỉnh đã đạt được những thành quả nhất định.

Những kết quả đánh giá thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập và việc làm đã khẳng định vai trò của ngành du lịch đối với phát triển kinh tế. Ngành du lịch đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh.

Năm 2016 tổng số lượng khách du lịch đến Điện Biên ước đạt trên 465.000 lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 710 tỷ đồng. Cơ sở lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2016 khoảng 134 cơ sở. Các hoạt động du lịch, dịch vụ đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho trên 12.000 người, trong đó có khoảng 5.000 lao động trực tiếp và 7.000 lao động gián tiếp.

 

Du khách thăm quan Đảo hoa (Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ- Pá Khoang)

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành những điểm đến hấp dẫn khách du lịch như khu du lịch quốc gia Biên Phủ – Pá Khoang, Mường Lay, A Pa Chải…Các sản phẩm du lịch gắn với loại hình du lịch sinh thái, tham quan cảnh quan, về lại chiến trường xưa, cộng đồng trải nghiệm văn hóa bản địa…đang từng bước được hình thành. Đặc biệt các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt; các lễ hội, văn hóa truyền thống như ; Lễ Hội Hoa ban; Lễ hội đua thuyền Đuôi én; Lễ hội Thành Bản phủ và Đề thờ Hoàng Công Chất…được tổ chức  hàng năm, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc riêng của địa phương; cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch phát triển ; hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc được quan tâm đầu tư; hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ truyền thống cũng góp phần phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh.

Tuy nhiên, trên bình diện quốc gia, du lịch Điện Biên phát triển vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập; nhiều khó khăn, trở ngại vẫn chưa có giải pháp thoả đáng; phát triển chưa có bước đột phá, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương, tốc độ phát triển chung tuy nhanh nhưng kết quả cuối cùng vẫn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

Bên cạnh những thuận lợi trên, chất lượng một số sản phẩm, dịch vụ và điểm đến chưa đảm bảo; doanh nghiệp hoạt động du lịch còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa có sự liên kết chặt chẽ, tính chuyên nghiệp chưa cao; Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội còn chưa đáp ứng so với yêu cầu phát triển du lịch; Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, môi trường kinh doanh du lịch còn nhiều tồn tại, hạn chế và bất cập; Hoạt động xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch chưa được đầu tư thỏa đáng, hiệu quả chưa cao, nội dung và hình thức chưa phong phú, đa dạng.Thời gian qua, việc phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm du lịch đặc thù với cách tiếp cận thị trường và tính cạnh tranh chưa được quan tâm đầy đủ. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho du lịch Điện Biên chưa thực sự bứt phá và chưa đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương tương xứng với tiềm năng du lịch hiện có.

Để phát huy những tiềm năng du lịch sẳn có đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thiết phải được triển khai là nghiên cứu xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ngoài ra định hướng phát triển Du lịch Điện Biên trong thời gian tới là tập trung phát triển du lịch theo hướng có chất lượng, có thương hiệu, chuyên nghiệp, hiện đại; khai thác tối ưu nguồn lực và lợi thế; phát huy tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các các doanh nghiệp.

Với mục tiêu từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo là khai thác tốt tài nguyên du lịch của tỉnh, đầu tư hoàn thiện các khu du lịch trọng điểm; Xây dựng Khu du lịch Điện Biên Phủ – Pá Khoang đạt tiêu chí trở thành Khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, điểm nhấn quan trọng của du lịch vùng Tây Bắc, góp phần nâng cao tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế, đưa du lịch Điện Biên phát triển thành ngành kinh tế quan trọng có quy mô và hiệu quả kinh tế cao, tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh, hỗ trợ và thúc đẩy các ngành kinh tế – xã hội khác phát triển./.

 

Hoàng Văn Trung

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.