Yên Bái: Trạm Tấu phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Xuân đến, đối với vùng cao Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, mà nơi đây còn có nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số làm say đắm du khách khi đến với mảnh đất này.

Ông Giàng A Cu (thứ ba từ trái sang) truyền dạy cách chế tác Khèn cho thanh niên trong thôn

Trong đời sống của đồng bào vùng cao Trạm Tấu, khèn Mông mang nhiều ý nghĩa. Trước hết, nó mang ý nghĩa tâm linh. Sau nữa, khèn và tiếng khèn cũng là tiếng lòng bày tỏ của trai gái Mông trong những mùa hội xuân… Vì thế cứ vào dịp tết đến xuân về, tiếng khèn lại vang vọng khắp núi rừng như một thứ thanh âm riêng có ở các bản làng vùng cao. Để gìn giữ, duy trì nhạc cụ này, các nghệ nhân dân gian và cấp ủy, chính quyền các xã đang triển khai nhiều giải pháp để giữ gìn bằng nhiều hình thức. Đặc biệt thực hiện kế hoạch 18 của UBND huyện Trạm Tấu về bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch. Tại xã Xà Hồ đã thành lập được 1 lớp bảo tồn khèn Mông, thông qua lớp bảo tồn, các học viên đã hiểu thêm về kỹ thuật chế tác, các điệu múa khèn mông, kỹ năng thổi khèn, hát giao duyên, phong tục ma chay, cưới hỏi… góp phần phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông và giới thiệu tới du khách đến tham quan du lịch tại địa phương. Ông Giàng A Cu, thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, người trực tiếp truyền dạy múa khèn Mông của xã Xà Hồ chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của đảng nhà nước, đến nay lớp bảo tồn khèn Mông có gần 10 học viên và đã hoạt động được một thời gian, các học viên đều đã nắm bắt được những kỹ năng cơ bản qua đó đã giúp các bạn trẻ hiểu thêm về khèn Mông và những nét văn hóa của đồng bào dân tộc mình, góp phần lưu giữ văn hóa tốt đẹp cho các thế hệ sau. Mong Đảng, nhà nước tiếp tục quan tâm mở thêm nhiều lớp hơn nữa tại các thôn để nhiều bạn trẻ biết và lưu giữ khèn Mông.”

Trực tiếp được nghe, được xem, được truyền dạy về cách làm khèn, thổi khèn, em Giàng A Sua học sinh lớp 5 Trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS xã Xà Hồ tỏ ra thích thú và tỏ rõ quyết tâm học thổi khèn để góp phần lưu giữ tiếng khèn của dân tộc mình. Em Giàng A Sua chia sẻ: “Cháu mới học khèn được hơn 3 tháng đến nay cháu đã thổi được một số bài và một số điệu nhảy cơ bản, cháu biết khèn gắn bó với nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, ngoài thời gian học tập trên lớp, thời gian tới cháu sẽ rủ thêm một số bạn cùng học khèn để gìn giữ nét văn hóa của đồng bào dân tộc mình.”

Là địa bàn có đỉnh Tà Chì Nhù – đỉnh núi cao nhất của huyện Trạm Tấu và là đỉnh núi cao thứ 6 ở Việt Nam và bản Cu Vai mộc mạc, đậm chất truyền thống, Xà Hồ đang là một trong những xã thu hút lượng khách du lịch lớn nhất của huyện Trạm Tấu. Tính riêng năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng theo thống kê xã Xà Hồ vẫn thu hút hơn 5.000 lượt khách du lịch đến với địa phương, trong đó chủ yếu là du lịch leo núi và du lịch cộng đồng, tuy nhiên việc thu hút khách lưu trú đối với loại hình du lịch cộng đồng còn rất nhiều hạn chế, việc phát huy và bảo tồn những giá trị văn hóa sẽ là giải pháp để địa phương quảng bá rộng rãi đến du khách về nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, cũng như thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển. Ông Chớ A Sinh – Phó Chủ tịch UBND xã Xà Hồ cho hay: “Khèn vốn gắn bó rất lâu đời trong sinh hoạt văn hóa cũng như như sinh hoạt tâm linh với đồng bào dân tộc Mông, thời gian tới xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các nghệ nhân tổ chức các lớp truyền dạy các loại nhạc cụ khác vốn gắn bó với đời sống của người mông, như sáo mông, khèn môi, các làn điệu dân ca Mông, trang phục của đồng bào dân tộc Mông và giới thiệu tới khách tham quan du lịch tại địa phương.”

Cũng là địa bàn đang phát triển mạnh mẽ tiềm năng du lịch nơi đây gắn với các địa danh đang thu hút khách như đỉnh Tà Xùa, thác Tà Xùa…. Mỗi năm, xã Bản Công có vài nghìn lượt khách đến trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên và tìm hiểu nét văn hóa của người dân bản địa trong đó có nghề se lanh dệt vải. Se lanh dệt vải đã hình thành từ xa xưa trong cộng đồng dân tộc Mông vùng cao Tây Bắc trong đó có người Mông Trạm Tấu. Phụ nữ người Mông ngày từ khi còn nhỏ đã được bà, mẹ dạy cho cách dệt vải bằng cây lanh. Đến độ tuổi trưởng thành, người phụ nữ Mông ai cũng biết se lanh dệt vải. Theo quan niệm của người Mông bất luận là nam hay nữ, già hay trẻ khi chết đi phải mặc bộ quần áo làm bằng thứ vải này, như vậy khi sang thế giới bên kia ông bà, tổ tiên mới nhận ra. Đặc biệt vào dịp tết đến xuân về thì chiếc váy Mông lại là vật không thể thiếu của chị em phụ nữ Mông. Đây là dịp để họ diện những chiếc váy đẹp nhất, mới nhất, rực rỡ, sắc màu nhất đi chơi xuân, thăm thú bạn bè đồng thời chiếc váy cũng là biểu tượng cho tinh thần cần cù chịu khó. Vì thế những ngày gần tết tranh thủ thời gian nông nhàn, chị Phàng Thị Sú ở thôn Tà Xùa xã Bản Công lại tranh thủ ngồi dệt vải may váy. Váy không chỉ được may để đáp ứng cho nhu cầu của cá nhân mà còn được dùng để làm quà tặng khi trong nhà có người thân đi lấy chồng. Cứ như vậy nên đã là phụ nữ Mông thì ai cũng biết làm váy và thêu váy. Đặc biệt trang phục của người phụ nữ Mông Trạm Tấu cũng rất đặc sắc làm du khách thích thú và muốn trải nghiệm. Do vậy, đây cũng là hướng đi mới vừa bảo tồn được nét văn hóa của dân tộc vừa kích cầu du lịch phát triển. Chị Phàng Thị Khua thôn Tà Xùa xã Bản Công cho hay: “Hiện nay xã Bản Công đang phát triển tiềm năng du lịch nên mình sẽ tích cực làm váy bằng vải lanh không chỉ để lưu giữ nét truyền thống của dân tộc mà còn là sản phẩm để bà con mình quảng bá đến du khách kiếm thêm thu nhập nâng cao đời sống.”

Xuân đến làm cho lòng người chộn rộn, xuân đến cũng là lúc để mỗi người dân vùng cao Trạm Tấu tự hào về những bản sắc văn hóa riêng có của mình cũng như khát vọng được lưu giữ, quảng bá những giá trị ấy đến với du khách. Nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát huy tiềm năng thế mạnh về phát triển du lịch, năm 2021 huyện Trạm Tấu đã tổ chức các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch tại các xã thị trấn như: Bảo tồn nghi lễ đặt tên cho con của người Thái, nghề chế tác Khèn của người Mông, dệt thổ cẩm bằng cây lanh, xe lanh dân tộc Mông, truyền dạy thổi khèn và múa khèn Mông Đu, bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc Thái, dân tộc mông và bảo tồn lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông…. Việc bảo tồn không chỉ lưu giữ lại nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của dân tộc Mông theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khơi dậy niềm tự hào trong đồng bào các dân tộc Mông huyện nhà mà còn góp phần để huyện tiếp tục khai thác tốt tiềm năng phát triển du lịch. Về vấn đề này, bà Dương Phương Thảo – Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Trạm Tấu cho biết: “Trong năm 2022 này, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung duy trì, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa và phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện và trên cơ sở đó gắn với các hoạt động phát triển du lịch. Đây cũng là thế mạnh để huyện phát triển du lịch theo hướng xanh, bản sắc và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc góp phần níu giữ bước chân du khách khi đến với Trạm Tấu.

Thu Hằng – Lộc Chầm

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.