Yên Bái quan tâm bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa

Với trên 30 dân tôc anh em chung sống, Yên Bái có kho tàng di sản văn hóa khá đồ sộ, phong phú; trong đó có cả DSVH đã được UNESCO ghi danh. Đây chính là nguồn tài nguyên vô giá cho ngành du lịch, dịch vụ đang được địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy.

Người Tày, xã Mường Lai, huyện Lục Yên bảo tồn nghề đan lát đồ dùng từ tre, nứa.

Ngay sau khi Luật DSVH và các văn bản hướng dẫn thi hành kèm theo được ban hành và có hiệu lực, trên cơ sở tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, Yên Bái đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị DSVH.

Trên địa bàn huyện Yên Bình có 21 di tích, trong đó có 1 di tích quốc gia và 20 di tích cấp tỉnh cùng nhiều nét kiến trúc, nghệ thuật quý giá, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa vùng vùng Đông hồ Thác Bà. Vì vậy, trong những năm qua, Yên Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai công tác lập hồ sơ khoa học các di sản, di tích, xây dựng cơ sở dữ liệu, kiểm kê, phân loại, xếp hạng DSVH. Đồng thời đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật.

Nhiều năm qua, Yên Bình đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tiêu biểu như Hội thi hát Then, đàn tính đến nay đã được tổ chức thường niên, thu hút đông đảo các nghệ nhân, diễn viên Then, đàn tính trên địa bàn tham gia. Hay lễ hội Pựt – lễ hội truyền thống của người Tày; trình diễn nghi lễ “Khảm Hải” ở xã Xuân Lai… Các hoạt động được tổ chức là dịp để các nghệ nhân, được giao lưu, học hỏi, thể hiện tài năng và giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, nhất là người trẻ về nét đẹp, giá trị của văn hóa truyền thống.

“Huyện đã hỗ trợ, động viên các nghệ nhân, các câu lạc bộ văn nghệ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, dàn dựng các chương trình biểu diễn, mua sắm trang thiết bị âm thanh…” – nghệ nhân Hoàng Tương Lai, xã Xuân Lai chia sẻ.

Sau 5 năm thành lập, Câu lạc bộ Sình ca thôn Đồng Chùa, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Cao Lan ở địa phương cũng là một ví dụ.

Ông Vũ Tuấn Mạnh – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Yên Bình cho biết: Yên Bình đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của DSVH. Nhờ những nỗ lực đó, công tác quản lý, bảo tồn văn hóa truyền thống, các di sản, di tích trên địa bàn huyện Yên Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều di sản văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật đã được bảo tồn và phát huy giá trị.

Nhiều hộ dân người Dao, thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình đã luôn gìn giữ gìn nét văn hóa truyền thống để phục vụ phát triển kinh tế du lịch.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 DSVH phi vật thể là nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại, 4 DSVH phi vật thể được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, 4 DSVH phi vật thể được bảo tồn theo Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn văn hóa và 51 chuyên đề bảo tồn DSVH phi vật thể.

Với DSVH vật thể, Yên Bái đã kiểm kê 743 di sản; trong đó có 576 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh. Qua quá trình kiểm kê, đã nhận diện được 242 di tích còn kiến trúc (chiếm 43,7%); 137 di tích là phế tích (chiếm 24,8%); 174 di tích đã mất tích (chiếm 31,5%).

Trong tổng số 132 di tích đã xếp hạng có 120 di tích lịch sử, chiếm 91%; 7 di tích kiến trúc nghệ thuật, chiếm 5,2%; 2 di tích khảo cổ học, chiếm 1,5%; 3 danh lam thắng cảnh, chiếm 2,3%. Ông Phạm Việt Phương – Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Phát triển du lịch tỉnh Yên Bái cho biết: Nhìn chung, các ban quản lý di tích trên địa bàn tỉnh thực hiện tương đối hiệu quả các chức năng nhiệm vụ và cơ bản tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Đồng thời phát huy vai trò, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong quản lý di tích trên địa bàn theo đúng quy định của Nhà nước.

Đến nay, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã đảm bảo việc phân cấp quản lý theo quy định, 100% di tích được xếp hạng đã phân cấp về chính quyền địa phương trực tiếp quản lý. Qua đó, các huyện, thị xã, thành phố đã phát huy vai trò, chủ động, kịp thời đẩy mạnh phân cấp quản lý về cơ sở để xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan theo nhiều mô hình khác nhau tùy vào đặc điểm quy mô, tính chất loại hình di tích.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các di sản, di tích là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng, đóng vai trò to lớn trong việc giáo dục truyền thống cho cán bộ và nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu  sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng và là nguồn tài nguyên vô giá cho việc khai thác du lịch, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Số lượng di tích còn kiến trúc, còn tồn tại chủ yếu trải đều trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng nhiều nhất là ở hai huyện Yên Bình, Lục Yên; số lượng di tích là phế tích tập trung nhiều ở các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên; số lượng di tích mất tích tập trung rất nhiều ở khu vực các huyện: Yên Bình, Lục Yên (liên quan đến việc nước dâng vào khu dân cư cũ khi đắp đập xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà).

Thành Trung

 

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.