Yên Bái – miền đất kỳ vỹ, mộc mạc, gây thương nhớ

Cảnh quan đẹp như tranh của ruộng bậc thang Mù Cang Chải hấp dẫn nhiều du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Tuấn Nghĩa
Thiên nhiên trác tuyệt
Mỗi khi nhắc tới du lịch Yên Bái, du khách lại cảm thấy rộn ràng khi mơ về thiên nhiên trác tuyệt, nguyên sơ, khí hậu trong lành, mát mẻ của vùng núi cao. Nào là ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ đẹp như tranh thủy mặc, hoặc được nhuộm màu vàng óng như trải thảm mùa lúa chín; những cánh đồng giữa thung lũng Mường Lò; đèo Khau Phạ; suối nước nóng Nghĩa Lộ; chè San tuyết Suối Giàng, cùng các bản làng người Mông, Nùng, Thái, Dao… tạo ra lợi thế phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái đặc trưng của Yên Bái, hiếm nơi đâu sánh bằng.
Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch, trong đó ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả.
Những giá trị văn hóa đặc sắc của Yên Bái đã trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo, khác lạ, hấp dẫn nhiều du khách trong nước và quốc tế tìm đến trải nghiệm, nghiên cứu.
Để cụ thể hóa việc hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trong giai đoạn 2021 – 2025, ngày 19/4/2021, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Rất nhiều danh thắng tự nhiên nổi tiếng đã được tỉnh quy hoạch, bảo tồn, quản lý và có lộ trình cho việc đầu tư, khai thác như đỉnh Tà Xùa, đỉnh Lùng Cúng, đỉnh Khau Phạ, đỉnh Tà Chì Nhù, khu bảo tồn Nà Hẩu, khu bảo tồn Chế Tạo, bãi đá cổ La Pán Tẩn… cùng hàng chục con suối với những thác nước hùng vỹ như thác Háng Đề Chơ, thác Mơ, thác Pú Nhu, thác Khe Cam, thác Khuổi Luông…
Đặc biệt, nhiều địa danh tiếp tục được tỉnh hỗ trợ đầu tư hạ tầng, cùng nhiều chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư tư nhân. Đến nay, Yên Bái đã hình thành những khu du lịch và bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả như du lịch lòng hồ Thác Bà; di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải; suối nước nóng Trạm Tấu; suối nước nóng bản Hốc; suối nước nóng Nậm Khắt; du lịch đầm Vân Hội; du lịch lòng hồ Chóp Dù; du lịch cánh đồng Mường Lò; du lịch Suối Giàng…
Nhờ vậy, lượng du khách đến với Yên Bái tăng nhanh trong những năm gần đây, dịch vụ du lịch có bước tăng trưởng mạnh mẽ.
Giai đoạn 2016 – 2020, Yên Bái đã thu hút trên 3 triệu lượt khách, trong đó có trên 227.000 lượt khách quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,3%, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 19,6%/năm, tạo việc làm cho gần 8.000 lao động. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng tỉnh vẫn đón trên 760.000 lượt khách, tăng 10,5% so với cùng kỳ, doanh thu đạt trên 425 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có hơn 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại 25 điểm du lịch cộng đồng.
Bước sang năm 2021, “cơn cuồng phong” Covid-19 làm mưa, làm gió từ đầu năm, nhưng qua 9 tháng của năm, Yên Bái vẫn đón gần 600.000 lượt du khách, doanh thu đạt trên 340 tỷ đồng. Điều đó khẳng định, từ khi Covid-19 xuất hiện, xu hướng du lịch tới những vùng đất thiên nhiên nguyên sơ, với các loại hình du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái ngày càng được yêu thích.
Cảnh quan đẹp như tranh của ruộng bậc thang Mù Cang Chải hấp dẫn nhiều du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Tuấn Nghĩa
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa
Cùng với giá trị về cảnh quan thiên nhiên, Yên Bái còn là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa đa sắc màu của 30 dân tộc anh em, với 86 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, có 746 di sản phi vật thể và 574 di sản vật thể.
Những giá trị văn hóa đặc sắc đó có thể trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo, mang sắc thái riêng, khác lạ, khiến nhiều du khách trong nước và quốc tế tìm đến trải nghiệm, nghiên cứu.
Điều đó được thể hiện đậm nét qua những lễ hội truyền thống ngày càng vang xa, hấp dẫn du khách như: Lễ mừng cơm mới của dân tộc Xá Phó tại xã Châu Quế Thượng (huyện Văn Yên); Lễ Tết nhảy của dân tộc Dao đỏ tại xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên); Lễ hội Xé then của dân tộc Thái tại thị xã Nghĩa Lộ; Lễ cầu mưa của người Dao họ tại xã Đông An; Lễ hội đền Đông Cuông của dân tộc Tày tại xã Đông Cuông (huyện Văn Yên); Lễ hội Hạn khuống của dân tộc Thái tại xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ); Lễ mừng cơm mới của dân tộc Mông, huyện Mù Cang Chải…
Bên cạnh công tác bảo tồn các lễ hội truyền thống, Yên Bái còn thường niên tổ chức thành công các hoạt động văn hóa lớn, đã trở thành sản phẩm du lịch mang tầm cỡ quốc gia như: Lễ hội Xòe Thái Mường Lò được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” được tổ chức tại danh thắng quốc gia ruộng bậc thang trên đèo Khau Phạ (Mù Cang Chải); Lễ hội Âm vang hồ Thác Bà; Lễ hội săn mây trên đỉnh Tà Xùa (huyện Trạm Tấu)… qua đó khẳng định vị trí, đẳng cấp du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm của Yên Bái trong thời gian qua.
Tỉnh Yên Bái luôn chú trọng phát triển du lịch gắn với việc tôn tạo, bảo tồn các bản làng cổ dân tộc thiểu số, làng nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch. Trong đó, phải kể đến làng cổ Pang Cáng của dân tộc Mông tại xã Suối Giàng; làng cổ Viềng Công của dân tộc Thái tại xã Hạnh Sơn (huyện Văn Chấn); bản cổ Sà Rèn của dân tộc Thái tại xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ)…
Đến với những bản làng ở Yên Bái, du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống, phong tục tập quán, đời sống tâm linh, tham gia các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Đặc biệt, du khách được thưởng thức ẩm thực độc đáo mang hương vị của núi rừng Tây Bắc, các món ăn truyền thống của mỗi dân tộc vùng cao đều là những đặc sản thơm ngon, khác lạ, hấp dẫn không thể nào quên.
Kỳ vọng vào sự phát triển du lịch sinh thái của Yên Bái trong thời gian tới, bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, đường hướng phát triển du lịch tỉnh Yên Bái là xanh, bản sắc, hấp dẫn, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Yên Bái tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ số thúc đẩy phát triển du lịch sáng tạo, thông minh; nâng cao chất lượng công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch; tăng cường hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước.
Đặc biệt, để thích ứng trong bối cảnh Covid-19, tỉnh Yên Bái đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tham gia các chương trình kích cầu du lịch, giảm giá 10-40% các dịch vụ du lịch. Tỉnh còn triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách, từng bước hồi phục các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
(Theo Báo Đầu tư)

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.