Người Khơ Mú tỉnh Yên Bái sống tập trung chủ yếu tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, nơi có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, được bao bọc bởi những ngọn núi hùng vĩ, những cánh rừng xanh ríu rít tiếng chim và những dòng suối trong vắt ngày đêm chảy róc rách. Cũng vì thế mà tâm hồn của người Khơ Mú luôn chất phác, mộc mạc và thật gần gũi với thiên nhiên, để rồi từ đó họ lấy những nguyên liệu sẵn có trong vùng phục vụ nhu cầu của đời sống và thể hiện chính cái thiên nhiên tươi đẹp, qua những tác phẩm đan lát dụng cụ sinh hàng ngày của đồng bào.
Ảnh sưu tầm. Nguồn : Internet
Đan lát là nghề thủ công truyền thống của người Khơ Mú. Qua những tác phẩm được lưu truyền từ đời này sang đời này khác, kiếp này sang kiếp khác đã đúc kết và hình thành nên một nghệ thuật tài tình mà không phải tộc người nào cũng có được. Trải qua bao thế hệ, đồng bào Khơ Mú xã Nghĩa Sơn đã đúc rút ra kinh nghiệm: “Làm rẫy no ăn, đan mây ấm mặc”. Đến với Nghĩa Sơn, chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu rất nhiều loại sản phẩm đan, trong đó có những sản phẩm khá tinh xảo và mang đặc trưng riêng của người Khơ Mú.
Các loại sản phẩm đan lát khá đa dạng từ gùi lúa, mâm, ghế, hòm đựng quần áo, hộp đựng xôi, hộp đựng kim chỉ, dụng cụ đánh bắt cá, chim đến một số vật dụng để thực hành nghi lễ, … đều được những người thợ khéo tay làm rất công phu. Các sản phẩm này là những vật dụng hết sức phổ biến cho sinh hoạt hàng ngày không chỉ của đồng bào Khơ Mú mà của cả đồng bào các dân tộc anh em đang sinh sống nơi đây như Dao, Thái, Mường, Tày.
Ảnh sưu tầm : Nguồn : Internet
Nếu như may vá, bếp núc, chăm con là công việc của phụ nữ thì đan lát được coi là công việc của người đàn ông. Người đàn ông Khơ Mú càng cao tuổi thì kinh nghiệm và kỹ thuật đan lát càng giỏi. Thường thì thanh niên Khơ Mú chỉ tham gia khai thác và chế biến nguyên liệu còn khâu đan (đặc biệt là đan những sản phẩm phức tạp) chủ yếu do người cao tuổi thực hiện. Tùy từng loại sản phẩm, người Khơ Mú sử dụng những kỹ thuật đan lát cổ truyền khác nhau.
Từ xa xưa, với người Khơ Mú ai ai cũng biết đan, cả người già và thanh niên; các cụ già thì đan những vật dụng có kỹ thuật phức tạp và khó đan như đan bem, đan gùi, trẻ thì đan những đồ dùng đơn giản, từ đơn giản dần dần sẽ tiếp cận được các kỹ thuật phức tạp hơn. Cứ như thế, nghệ thuật đan lát của người Khơ Mú ngày càng tăng tỷ lệ thuận với tuổi đời của mỗi con người.
Hiện nay, trong điều kiện hàng loạt các loại sản phẩm sinh hoạt gia đình được sản xuất từ công nghiệp ra đời có giá thành rẻ, các sản phẩm đan lát của đồng bào Khơ Mú mất nhiều công sức nhưng giá thành lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Vì vậy, người Khơ Mú không tiêu thụ, trao đổi được sản phẩm, nghề đan lát đang dần dần mất đi. Chỉ các cụ cao tuổi mới biết đan lát tạo ra các sản phẩm độc đáo, lớp trẻ gần như không ai biết và học hỏi kinh nghiệm truyền thống của ông cha để lại.
Ảnh sưu tầm : Nguồn : Internet
Những năm gần đây, du lịch vùng Mường Lò được đẩy mạnh, sản phẩm đan lát của người Khơ Mú cũng được đưa vào danh mục các sản phẩm phục vụ du lịch, được bày bán ở chợ Mường Lò hay tham gia các chương trình hội chợ, các chương trình giới thiệu các sản phẩm văn hóa tộc người nhưng cũng chưa đẩy mạnh được quá trình sản xuất các sản phẩm này, chưa khai thác được tiềm năng vốn có của tộc người, cũng chưa trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập đáng kể cho cộng đồng tộc người.
Để bảo tồn và lưu giữ nghề đan lát lâu dài trong cộng đồng, chính quyền địa phương cần tiếp tục tập hợp các nghệ nhân cao tuổi, am hiểu nghệ thuật đan lát, văn hóa tộc người, lên kế hoạch trao truyền cho các thế hệ trẻ nhằm bảo lưu một cách đầy đủ và hiệu quả nhất giá trị văn hóa này. Đầu tư kinh phí để thực hiện dự án bảo tồn nghề thủ công đặc trưng của cộng đồng tộc người, đồng thời gắn liền hoạt động của nghề truyền thống với du lịch văn hóa tộc người và du lịch văn hóa vùng để có thể phát huy tối đa hiệu quả của hoạt động văn hóa này trong tương lai./.
Hoàng Chiều
TTQLDT&PTDL