Mù Cang Chải – nơi một người khiếm thị cũng cảm nhận được sự tự do

Đây là chuyến đi du lịch mà một người thị lực 1/20 như tôi cảm thấy được thả lỏng nhất. Đó là những ghi chép chân thực nhất của tác giả Phương Anh Nguyễn về Mù Cang Chải.

Tác giả và mẹ trong chuyến du lịch
Tôi thường nghe về Mù Cang Chải, Yên Bái – nơi được mệnh danh là “trái tim của vùng Tây Bắc” – là địa điểm du lịch yêu thích của  dân “phượt” hay những bạn trẻ thích khám phá. Nhưng rồi, tôi – một người khiếm thị lại chọn nơi đây là điểm đi du lịch cùng với mẹ – một người trung tuổi.
Đang trong quá trình “reset” (cài đặt) lại bản thân sau một thời gian suy sụp, tôi cân nhắc về một chuyến đi nhẹ nhàng dành cho người khiếm thị với thị lực chỉ có 1/20, đôi lúc không nhìn rõ đường và khuôn mặt mọi người.
Tôi cứ ngỡ đoàn mình sẽ gồm các thành viên 9x, 2k thích khám phá giống như mình. Nhưng không, trên xe, tôi gặp nhiều cô, chú tầm 50-60 tuổi và thật bất ngờ khi được biết, đây không phải lần đầu họ đi lên vùng cao.
Với quãng đường không quá xa – 300km, từ Hà Nội di chuyển đến Yên Bái cũng khá nhanh, khoảng chừng tầm 11g trưa, đoàn chúng tôi đến nơi và “chén” sạch mâm chẩm chéo, bánh chưng đen và món thịt heo nướng “đậm” mùi khói của đồng bào dân tộc Mông. Nơi chúng tôi ăn là ở nhà sàn, những phụ nữ Mông trong trang phục thổ cẩm đảm nhận công việc bếp núc, còn các anh, em trai phụ trách đón khách.
Để đi lên các điểm chính trong chuyến du lịch như Mù Cang Chải hay Vành móng ngựa, do địa hình khá dốc và thẳng, tôi đã phải đi xe ôm. Người cầm lái không chỉ là các thanh niên mà còn là các bác khoảng 50-60 tuổi người Mông.
Lên Mù Cang Chải, nơi nhộn nhịp nhất là những sạp quần áo thổ cẩm cho thuê bên đường. Những người chủ các ngôi nhà dựng tạm để cho thuê quần áo là các già. Các bà mặc những bộ trang phục với nhiều màu sắc sặc sỡ cùng những họa tiết hình ô, chữ thập…  rất bắt mắt. Cũng chính vì điều này mà một đứa không thích chụp ảnh như tôi đã quyết định thuê một bộ quần áo dân tộc Mông cùng một chiếc gùi gặt lúa để trông thật “xịn”.
Do các bà không nói được nhiều tiếng Kinh nên mỗi khi có du khách đến, họ thu hút sự chú ý bằng cách chỉ cho khách những bộ quần áo thổ cẩm. Sau khi biết mong muốn của tôi, các bà thành thục lựa chọn áo, váy, vòng, giúp tôi “biến hình” và vỗ vỗ vai rồi tặng tôi một chữ “xinh”.
Ruộng bậc thang  của cánh đồng Mường Lò – Mù Cang Chải khó đi hơn tôi nghĩ. Bùn, đất cùng những con đường nhỏ xen giữa các bậc thang đòi hỏi tôi phải đi những bước thật chắc. Thời gian tôi đi là vào mùa khô nên đường dễ đi hơn mùa mưa. Nhưng do quá hậu đậu cùng thị lực kém, tôi đã ngã chúi xuống ruộng cùng chiếc gùi. Do lúa được trồng trong bùn nước nên giày tôi ước sũng. “Công cuộc” khám phá ruộng bậc thang của một kẻ “nghiệp dư” thật vất vả.
Tác giả và mẹ được hóa thân thành những phụ nữ Mông
Dù bị ngã do không nhìn rõ và không quen địa hình, dù quần áo khá dơ, tôi không thể bỏ qua khung cảnh tuyệt đẹp nơi đây. Trên một số nơi có vị trí chụp ảnh đẹp, các bà các cô người Mông còn dọn sẵn một số chỗ chụp ảnh “sống ảo” cho những “tín đồ check-in” thỏa sức sáng tạo với giá từ 10-20 ngàn đồng/người. May mắn được hôm trời nắng đẹp, sắc vàng của đồng lúa chín cùng màu của những thanh “kẹo bông gòn” trên nền trời xanh khiến tôi muốn nán lại nơi đây thật lâu. Tôi cũng đã nhờ các cô chú trong đoàn chụp được kha khá ảnh đẹp cho hai mẹ con.
Tất nhiên, tôi cũng trở thành thợ ảnh cho mẹ. Mẹ tạo dáng, mẹ “bắn tim” và mẹ thích chụp ảnh cùng tôi. Những lúc đi xa, sự quan tâm của mẹ như xua tan đi sự cô đơn đeo bám tôi mỗi lần đi cùng người lạ.
Sau khoảng 2 tiếng “cháy máy”, cả đoàn chuyển sang Vành móng ngựa. Đường này dốc và cao hơn nên chúng tôi lại tiếp tục đi xe ôm.
Vành móng ngựa hẹp hơn ở Mù Cang Chải, nhưng lại thu hút tôi nhiều hơn. Ngay khi đến nơi, mọi người đã xếp hàng để được chụp ảnh với ngôi nhà “huyền thoại”. Ở giữa cánh đồng, một hàng chữ “Tôi yêu vành móng ngựa”  nổi bật trên nền xanh của lúa non như tạo thêm điểm nhấn trong các bức ảnh chụp.
Điểm dừng chân tiếp theo trong chuyến hành trình, chúng tôi di chuyển lên một trong tứ đại đỉnh đèo Việt Nam – đèo Khau Phạ. Đây cũng là nơi diễn ra hoạt động dù lượn. Đúng trong thời gian tôi đi, lễ hội dù lượn mùa lúa chín vàng vẫn đang được tổ chức. Tuy nhiên, giá để bay tại thời điểm ấy khá cao do đây là một trong những mùa đẹp nhất của Mù Cang Chải. Có nhiều bạn trẻ là dân “phượt” cũng đang đứng tại đỉnh đèo để chiêm ngưỡng cảnh Mù Cang Chải từ trên cao.
Sau khi đi hết ba điểm chính của chuyến đi, ngày cuối, chúng tôi dừng chân tại Trạm Tấu để tắm khoáng nóng. Có lẽ sẽ khó có cơ hội để tôi có thể lên đây với cung đường hiện tại. Hôm đó, trời mưa khá to nên lại càng nguy hiểm. Xe chúng tôi di chuyển trên một con đường khá hẹp và dốc, hai bên là vực. Nếu không phải đi theo đoàn thì chắc hẳn, tôi sẽ không thể đến được nơi này.
Khi đến Trạm Tấu, ngoài hai hồ suối khoáng nóng còn có hai hồ nước lạnh. Một “mặt tiền” của khu suối nước nóng hướng trực tiếp đến những cánh đồng ruộng bậc thang. Thật tuyệt khi tôi được thư giãn, được ngắm khung cảnh rộng lớn của những cánh đồng. Mẹ tôi đã bơi tận 20 vòng quanh hồ có lẽ vì cảnh sắc quá đẹp ấy.
Đây là chuyến du lịch đầu tiên tôi được thả lỏng đến vậy. Phần vì nhờ các thành viên trong đoàn đều hòa đồng và tươi cười. Có cặp đôi trẻ đi xuyên Việt cùng nhau, có các cô chú dù đã ở tuổi đã lớn nhưng tình bạn, tình yêu mà họ dành cho nửa kia của mình rất ấm áp. Một chuyến du lịch để trải nghiệm, để học hỏi về con người và cuộc sống bị nhiều giới hạn như tôi đã kết thúc thật đẹp. Nếu có dịp, tôi sẽ trở lại Mù Cang Chải với một góc nhìn thật mới, trưởng thành hơn.
(Theo PNO)

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.