Xã Khai Trung là xã vùng núi cao phía Tây Bắc huyện Lục Yên có phía Bắc và Đông giáp xã Lâm Thượng, phía Nam giáp xã Tân Lĩnh, cách thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên khoảng 18km. Lễ cầu mùa là một nghi lễ mang tính chất truyền thống của cộng đồng người Dao đỏ nói chung cũng như người Dao Đỏ Yên Bái nói riêng. Đây là một nghi lễ mang đậm dấu ấn tín ngưỡng văn minh nông nghiệp qua một thời gian dài bị mai một thì đến những năm trở lại đây lễ cầu mùa được người Dao Đỏ xã Khai Trung khôi phục và duy trì khá tốt.
Lễ cầu mùa có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Dao Đỏ xã Khai Trung. Họ quan niệm, vạn vật đều có tổ tiên và người cai quản, và đều có linh hồn. Các linh hồn, các vị thần đều có tác động trực tiếp đến đời sống của con người và để được phù hộ thì phải cúng bái chu đáo. Mong cuộc sống ngày càng ấm no, tốt đẹp hơn đồng bào Dao Đỏ ở Khai Trung đã đều đặn duy trì việc tổ chức Lễ cầu mùa và đây đã trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh lớn nhất trong năm ở địa phương.
Theo ông Đặng Phúc Chu, 60 tuổi là thầy mo có tiếng ở xã cư trú tại thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên cho biết theo người xưa kể lại rằng: Lễ hội cầu mùa của đồng bào Dao Đỏ ở Khai Trung đã có từ hơn 400 năm nay, được lưu truyền qua 7 đời chủ lễ. Ông còn cho biết: vùng đất Khai Trung từ trước đến nay được gọi là bình nguyên xanh vốn rừng núi hoang vu, nhiều thú dữ phá phách hoa màu của nhân dân. Cùng với đó hạn hán dịch bệnh hoành hành cả năm trời không có một hạt mưa, rộng đồng, cây cối khô cằn mùa màng thất bát đời sống của nhân dân vô cùng khổ cực, đồng bào thiếu đói. Trước cuộc sống thiếu đói khổ cực ấy đồng bào đã tập trung tất cả thóc ngô còn lại trong bản tiến hành lễ cúng cầu mùa mong cho mưa thuận gió hòa cuộc sống nhân dân bớt khổ. Tiếng kêu than của nhân dân đã thấu đến Bàn Vương – vua của người Dao và các vị thần linh nên đã cho ban mưa xuống cứu cuộc sống của đồng bào.
Chính vì lẽ vậy nên đã thành lệ ba năm một lần cứ vào tháng giêng và tháng bảy nhân dân lại tổ chức lễ hội cầu mùa. Trước là để trả lễ cho Bàn Vương – vua của người Dao, sau là để cầu xin các vị thánh thần ban cho con người sức khỏe, bình an, cầu hồn lúa mong cho mùa màng tốt tươi. Lễ cầu mùa không chỉ cầu cho quốc thái dân an, cầu mùa tươi tốt mà còn là dịp củng cố mối quan hệ giao tiếp.
Theo phong tục, lễ Cầu mùa được tổ chức gồm 2 nội dung, phần lễ và phần hội: Để chuẩn bị cho nghi lễ Cầu mùa mỗi gia đình sẽ cùng nhau đóng góp đồ lễ để thờ cúng mang tính lòng thành như: gà, thịt lợn, rượu trắng, gạo… Tất cả những sản vật này đều phải do tự tay các hộ trồng được, nuôi được, không được mua từ nơi khác về. Cách hai ngày tiến hành lễ hội chính thức bốn ông thầy cúng tiến hành viết sớ và in tiền. Các thầy cúng thực hiện các nghi lễ như: Mời thần linh đến chứng kiến; lễ khai đàn; lễ mời Bản vương; lễ khai sơn lập địa; lễ cầu mùa, cầu an, cầu phúc, cầu tài; lễ tụng kinh cầu nguyện và cuối cùng là lễ cúng tạ ơn các thần linh. Cầu cho bản làng một năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, các hộ dân trong làng có một năm mới thuận lợi, làm ăn kinh tế phát triển, đời sống ngày càng khá giả, đẩy lùi khó khăn, vất vả.
Các gia đình chuẩn bị cho lễ Cầu mùa (ảnh: Sưu tầm)
Các thầy cúng thực hiện nghi lễ Cầu mùa (ảnh: Sưu tầm)
Sau phần lễ kết thúc là phần hội náo nhiệt thu hút đông đảo bà con dân bản, đặc biệt nam thanh nữ tú tham gia tập trung ở sân bãi của “Chìa lìu” (miếu thiêng) cùng nhau tham gia. Đặc biệt không khí lễ hội sôi nổi hơn cả trong các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, ném còn…
Đây là di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng tộc người. Nghi lễ thể hiện quan niệm của cộng đồng về thế giới tâm linh, thể hiện những đặc điểm tôn giáo – tín ngưỡng của tộc người, thể hiện các giá trị văn hóa văn nghệ của cộng đồng, những phong tục tập quán, tính giáo dục của cộng đồng. Lễ cầu mùa được cộng đồng duy trì qua nhiều thế hệ; các nghi lễ, thủ tục cúng tế, các giá trị nghệ thuật độc đáo luôn được bảo tồn và phát huy, do đó nó có giá trị duy trì thuần phong mỹ tục của cộng đồng.
Ban biên tập