Làm du lịch – sinh kế mới, bền vững của nông dân vùng cao Yên Bái

Yên Bái với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa ẩm thực độc đáo, con người dân thân thiện, cởi mở… có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trong những năm qua, tỉnh cũng như các địa phương trong tỉnh đã có những định hướng và cơ chế giúp người dân làm du lịch phát triển kinh tế hộ gia đình như một sinh kế mới bền vững.asu

Du khách yêu thích đến homestay của những người nông dân vùng cao.

Anh Hờ A Dì ở bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải cũng như bao thanh niên trong bản, lớn lên với trọng trách tiếp quản những thửa ruộng bậc thang của gia đình và thêm phần đất để có thể khai khẩn thêm ruộng nương. Anh Dì đã được tiếp cận với những thông tin, hướng dẫn để làm du lịch tại gia đình từ đó thay đổi tư duy, hành động.

Và rồi, anh đã lựa chọn mô hình kinh doanh du lịch homestay, cùng với việc thỉnh thoảng dẫn tour khách tham quan đã giúp gia đình anh có thu nhập ổn định. Anh Dì chia sẻ: “Càng giữ gìn bản sắc dân tộc mình, thì du khách càng thích. Tôi đã từ một người nông dân trở thành một người làm dịch vụ du lịch chuyên nghiệp”. Sự chuyển đổi sinh kế này đã giúp kinh tế gia đình anh Dì cũng như nhiều nông dân ở Mù Cang Chải ổn định bền vững hơn.

Với thế mạnh là địa phương nắm giữ danh thắng cấp quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang, huyện Mù Cang Chải nhiều năm qua đã xác định hướng phát triển kinh tế du lịch cho địa phương, phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện du lịch. Huyện xác định chọn ruộng bậc thang làm sản phẩm du lịch, coi trọng đầu tư cho giáo dục và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là đi trước một bước.

Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, cùng với tập quán sinh hoạt phong phú của hơn 30 tộc người đã tạo nên những giá trị văn hóa bản địa khác biệt, Yên Bái đang có nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Trong khi sức thu hút của du lịch ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay đang từng bước tăng lên, giá trị và sức sống tiềm tàng của nhiều tài nguyên du lịch được khai thác mạnh mẽ, có thể khẳng định, du lịch cộng đồng đã trở thành một trong những loại hình du lịch đang được yêu thích nhất của du khách.

Với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch cộng đồng hiện nay thì mô hình này không chỉ góp phần phát triển du lịch trong cả nước mà còn góp phần tạo sinh kế cho người dân. Các chuyên gia đánh giá, du lịch cộng đồng đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho  bà con dân tộc thiểu số tại các địa phương. Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng còn góp phần đánh thức, khôi phục, khai thác đúng cách kho báu văn hóa, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái…

Từ đó, nhờ vào du lịch những người nông dân đã bắt đầu phát triển sinh kế thông qua các dịch vụ mà du khách đến trải nghiệm và thu lại những nguồn lợi từ du lịch, gắn kết cộng đồng. Không chỉ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế du lịch còn có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ phát triển kinh tế, đảm bảo sự cân bằng, tính bền vững về tài chính và xã hội của đất nước.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Yên Bái giảm bình quân 7,66% (so với mục tiêu Trung ương giao vượt 2,66%), trong đó huyện Mù Cang Chải giảm 8,51%, huyện Trạm Tấu giảm 6,95%. Với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế – xã hội của tỉnh, sự chuyển đổi theo hướng tích cực của kinh tế du lịch tại các địa phương vùng cao sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Thanh Vy

 

 

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons