Kết nối du lịch văn hóa tâm linh giữa các tỉnh Đông Bắc – Tây Bắc

Du lịch Đông Bắc – Tây Bắc Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với nhiều loại hình du lịch. Trong đó du lịch văn hóa – tâm linh vẫn là một phần không thể thiếu, cấu thành nên sự đa dạng của nền du lịch, góp phần kết nối du lịch giữa các tỉnh Đông Bắc – Tây Bắc của Việt Nam.

Với 90% dân số Việt Nam theo Phật giáo nên văn hóa tín ngưỡng, tâm linh được thể hiện khá rõ ràng. Trải dài lãnh thổ hình chữ S có vô số các công trình văn hóa tâm linh như: Đền, chùa, miếu, các khu tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc…Đây là điểm đến không thể thiếu trong hành trình tham quan, du lịch, chiêm bái của đông đảo cộng đồng người Việt hàng năm.

Chính vì vậy, việc kết nối các điểm du lịch văn hóa tâm linh thành một chuỗi sản phẩm du lịch sẽ tạo nên mạch du lịch hay hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú góp phần thu hút khách du lịch đến với cả vùng nói chung và mỗi địa phương nói riêng.

Ở vùng Đông Bắc  – Tây Bắc, cụ thể là các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội và Lào Cai rất có tiềm năng về du lịch văn hóa tâm linh. Ví dụ như Quảng Ninh nổi bật có Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, chùa Ba Vàng, đền Cửa Ông…Hải Phòng có đền Nghè, chùa Dư Hàng, Khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm…Hải Dương có Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, chùa Linh Ứng, Khu du lịch tâm linh chùa Giám…Hà Nội có chùa Trấn Quốc, đền Ngọc Sơn, chùa Hương…Lào Cai có đền Bảo Hà, đền Thượng – đền mẫu, quần thể du lịch tâm linh trên đỉnh Fansipan….

Quẩn thể du lịch tâm linh trên đỉnh Fansipan

Đền Ngọc Sơn, Hà Nội – điểm đến yêu thích của du khách

Với hệ thống các khu, điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng trải dọc khắp các tỉnh từ lâu đã thu hút được một lượng khách nhất định. Tuy nhiên việc khai thác cục bộ theo thế mạnh của từng địa phương nên chưa khai thác được tối đa tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh ở khu vực Đông Bắc – Tây Bắc.

Vì vậy, ngoài việc tổ chức các lễ hội chính tại các khu điểm du lịch tâm linh theo truyền thống từ trước, các địa phương cần có sự liên kết hợp tác, có kế hoạch thống nhất trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội, tạo nên chuỗi sản phẩm liền mạch, phục vụ nhu cầu của du khách quanh năm.

Ngày 24/9 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa, tại quần thể khu du lịch tâm linh Fansipan Legend đã diễn ra hoạt động ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch tâm linh giữa các tỉnh Đông Bắc – Tây Bắc. Đại diện lãnh đạo các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Lào Cai đã ký bản ghi nhớ hợp tác phát triển trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2023 – 2025.

Cụ thể: Kết nối hợp tác chia sẻ quảng bá, xúc tiến chéo các tài nguyên, sản phẩm du lịch. Phối hợp, hỗ trợ xúc tiến, quảng bá du lịch tại các sự kiện văn hoá-thể thao-du lịch của địa phương, trên các trang, cổng thông tin và các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin do các Sở quản lý; Kết nối, khai thác phát triển các sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm Văn hóa tín ngưỡng giữa các tỉnh Đông Bắc – Tây Bắc; phối hợp tổ chức các chương trình khảo sát (Famtrip) để xây dựng các sản phẩm du lịch, chương trình du lịch hợp tác kích cầu du lịch văn hóa tín ngưỡng Đông Bắc – Tây Bắc; Liên kết thu hút khách quốc tế đến với các tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế; phối hợp triển khai các tour du lịch với thị trường Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) và các thị trường tiềm năng khác.

Lễ kí kết hợp tác kết nối du lịch giữa Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh

Mong rằng qua sự kiện nói trên, sự liên kết, hỗ trợ phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa tâm linh giữa các tỉnh Đông Bắc – Tây Bắc sẽ bước sang một trang mới, tao ra chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách đến với vùng Đông Bắc – Tây Bắc.

Trần Thành Tuân

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.