Nắm bắt nhu cầu du lịch sau đại dịch, huyện Yên Bình đã có nhiều giải pháp kích cầu. Theo đó, các công ty lữ hành, khu nghỉ dưỡng, homestay trên địa bàn huyện đã tập trung vào hoạt động trải nghiệm phát huy lợi thế của du lịch cộng đồng.
Du khách trải nghiệm đánh bắt cá lồng trên hồ Thác Bà.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh lĩnh vực du lịch trên địa bàn sau những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, huyện Yên Bình chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động quảng bá các sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các trang web, mạng xã hội.
Huyện cũng tập trung phát triển sản phẩm du lịch bền vững đáp ứng xu hướng mới của thị trường gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe, khuyến khích phát triển các sản phẩm trải nghiệm… Đến nay, huyện có 3 sản phẩm du lịch được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên gắn với du lịch cộng đồng; hỗ trợ thành lập Chi hội Du lịch huyện Yên Bình với 27 thành viên.
Bà Lục Thị Hoa, thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh cho biết: “Sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia đình tôi đã sửa sang nhà cửa, mua thêm chăn, ga và bồn tắm thuốc để đón khách. Tham gia Chi hội Du lịch sẽ giúp các hộ làm homestay tại địa phương liên kết hỗ trợ nhau, nâng cao hiệu quả kinh doanh”.
Theo ông Nguyễn Lê Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, huyện đã triển khai các giải pháp phù hợp kích cầu du lịch, phục hồi và phát triển các homestay hiện có gắn với phát triển sinh thái hồ Thác Bà; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Hiện tại, trên địa bàn huyện đã và đang thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn khảo sát, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, cụ thể đã có các dự án như: Dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng hồ Thác Bà của Tập đoàn Alphanam; Dự án Khu đô thị sinh thái Thịnh Hưng 1, Thịnh Hưng 2… Đặc biệt, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…
Khai thác tối ưu tiềm năng và lợi thế của hồ Thác Bà, như: giá trị cảnh quan mặt nước, cảnh quan rừng núi, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa phi vật thể giao thông thủy bộ kết nối, Yên Bình hiện đã có 9 cơ sở, công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, 58 cơ sở lưu trú; trong đó có 22 cơ sở homestay, gần 50 phương tiện thủy phục vụ du lịch. Huyện cũng duy trì hiệu quả hoạt động của 18 câu lạc bộ và 8 đội văn hóa, văn nghệ dân gian.
Được biết hết quý I/2022, toàn huyện đã thu hút trên 61 nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch nghỉ dưỡng. Riêng đợt nghỉ lễ 30/4 – 1/5, huyện đã đón trên 25 nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, chiếm trên 50% lượng khách đến Yên Bái; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 15 tỷ đồng, tăng 250% so với cùng kỳ năm trước.
Con số ấn tượng đó cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn sẽ là “cú huých” để huyện Yên Bình phục hồi, phát triển du lịch, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia.
Minh Huyền