Du lịch sôi động, “đòn bẩy” cho phát triển

Trong tháng 8, khách du lịch đến với tỉnh Yên Bái ước đạt 117.770 lượt. Trong đó, khách quốc tế đạt 2.650 lượt, doanh thu du lịch ước đạt 80,6 tỷ đồng. Tháng 9, toàn tỉnh đón ước đạt 260.200 lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đạt 6.600 lượt, doanh thu du lịch ước đạt 201 tỷ đồng.

1 1

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Homestay Cương Chinh.

Kết quả ấn tượng này là nhờ sự thành công của Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái”, khai mạc Lễ hội Văn hóa – Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 và các hoạt động hưởng ứng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức thành công, thu hút lượng lớn du khách đến với tỉnh Yên Bái, góp phần phục hồi, phát triển du lịch của tỉnh trong năm 2022.
Các điểm du lịch kín khách
Ngày giữa tháng 10, homestay gia đình anh chị Cương – Chinh ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ đón 2 đoàn khách đến từ Hà Tĩnh và Thái Nguyên với trên 40 khách. Hai khu nhà sàn phục vụ đủ chỗ ngủ cho khách. Cùng với đó, các dịch vụ ăn uống và trải nghiệm văn hóa bản địa được homestay gia đình xây dựng phục vụ cho cả 2 đoàn khách.
Chị Chinh chia sẻ: “Khách đến với homestay đều có mong muốn được trải nghiệm sinh hoạt văn hóa của người Thái. Đặc biệt, sau Lễ đón Bằng của UNESCO, các đoàn khách đều mong muốn được xem và cùng được tham gia vào vòng xòe”.
Nhà chị Cương Chinh cũng như hầu hết các cơ sở lưu trú trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ hoạt động hết công suất từ đầu tháng 8 đến nay.
Có thể thấy, sự tác động mạnh mẽ của Lễ hội đã thúc đẩy du lịch ở Nghĩa Lộ phát triển, nhất là sau 2 năm ngưng trệ vì dịch Covid-19. Chính vì vậy, tổng lượt khách và doanh thu từ du lịch tháng 9 của Nghĩa Lộ đạt 66.000 lượt, doanh thu 41,5 tỷ đồng. Riêng trong dịp Lễ hội, thị xã đón và phục vụ 52.000 lượt khách, doanh thu 33 tỷ đồng.
Tại Mù Cang Chải, trong tháng 8/2022, có 27.300 lượt du khách đến huyện, doanh thu đạt 19,1 tỷ đồng; trong tháng 9 có khoảng trên 100.000 lượt du khách đến huyện; lũy kế 9 tháng đầu năm, huyện đón và phục vụ 251.385 lượt khách, đạt 119,7% chỉ tiêu; doanh thu trên 192 tỷ đồng, đạt 124,3% kế hoạch giao. Những con số thống kê cho thấy sức hút của Mù Cang Chải đối với du khách trong và ngoài nước. Với những hộ làm kinh doanh các dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện thì đây là sự hồi sinh mạnh mẽ của du lịch Mù Cang Chải sau đại dịch Covid-19.
Chị Lò Hưng – chủ hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống Trâm Pa Pỉnh Tộp tại thị trấn Mù Cang Chải chia sẻ: “Năm nay, khách du lịch tới huyện đông hơn rất nhiều bất kể ngày cuối tuần hay ngày thường. Mọi năm, gia đình có cả dịch vụ chỗ ngủ cộng đồng cho khách. Song, năm nay, khách đi theo đoàn lớn, số chỗ ngủ của gia đình ít nên chúng tôi tập trung và phục vụ ăn uống, chủ yếu các món ăn dân tộc. Ngày cao điểm của gia đình phục vụ khoảng 50 mâm”.
Suối Giàng, huyện Văn Chấn cũng là điểm dừng chân không thể thiếu của khách du lịch tới các địa phương phía Tây của tỉnh. Tới Suối Giàng, khách du lịch không chỉ tận hưởng không khí mát mẻ mà còn được trải nghiệm văn hóa trà tại các không gian trà, được thưởng thức đủ vị trà thơm trong không gian ấm cúng với tiếng sáo Mông du dương, thăm cây chè Tổ… Chỉ trong một buổi sáng Chủ nhật tại trung tâm xã Suối Giàng cũng đón hơn chục đoàn khách, mỗi đoàn thường từ 10 – 30 người.
Hút khách nhờ văn hóa văn hóa bản địa
Văn hóa bản địa chính là nền tảng và là nhân tố quyết định cho sự phát triển du lịch ở Yên Bái nói chung. Rất nhiều du khách đến với Yên Bái phải ngỡ ngàng và khâm phục vì điều ấy.
Nhà báo Thu Hoài – Báo Hà Tĩnh đã chia sẻ khi tới Mường Lò trải nghiệm văn hóa Thái: “Ở Hà Tĩnh chúng tôi cũng có ví dặm được ghi danh vào Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại nhưng để đưa vào du lịch như ở Yên Bái thì thực sự chưa làm được”.
Xòe Thái – Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đã được gìn giữ và phát huy từ trước khi được ghi danh. Cách làm lưu giữ Xòe Thái cũng như các nét văn hóa bản địa của cộng đồng các dân tộc Mường Lò đã làm nên thương hiệu du lịch ở đây. Anh Xuân Hà – một du khách đến từ Thái Nguyên chia sẻ: “Chúng tôi thích thời tiết ở Nghĩa Lộ này, thích cái homestay nhìn ra cánh đồng thơm ngát, thích những món ăn dân dã của người bản địa, đặc biệt thích những điệu xòe”.
Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải – điểm hút khách đặc biệt hấp dẫn của Yên Bái cũng bắt đầu từ chính văn hóa trồng cấy, văn hóa chế ngự thiên nhiên của tộc người Mông nơi đây.
Chị Quỳnh Hoa ở Hà Nội chia sẻ: “Xưa nay cụm từ kiệt tác thiên nhiên là chỉ những cảnh quan tươi đẹp do thiên nhiên ban tặng, nhưng ruộng bậc thang Mù Cang Chải là kiệt tác do những người Mông tạo nên. Tôi đến Mù Cang Chải không dưới hai lần nhưng lần nào cũng tuyệt vời và mỗi lần cho tôi một cảm nhận khác nhau”.
Cách người Mù Cang Chải làm du lịch cũng chất phác như chính con người họ. Anh Mạnh Tuấn ở Hải Phòng bất ngờ khi tới đồi Mâm Xôi: “Lần đầu tôi tới Mù Cang Chải và cũng lần đầu tiên tôi thấy một cách làm du lịch chân thật như ở đây. Tôi thuê xe ôm chở lên đồi Mâm Xôi, anh bạn người bản địa không thu tiền mà cho tôi số điện thoại khi nào xuống thì gọi. Họ tin khách đến mức chẳng cần thu tiền và cũng chẳng cần một thứ gì làm tin. Và cũng không một ai khác chở tôi xuống núi nếu không được sự cho phép của anh bạn đầu tiên vì tôi đã là khách của người khác. Đến giờ, họ vẫn giữ được sự chân thật ấy ở một nơi du lịch đang phát triển mạnh mẽ như Mù Cang Chải. Điều đó thật đáng quý!”.
Khi được trải nghiệm Không gian văn hóa trà tại Suối Giàng, nhà báo Minh Ngọc – Báo Thái Nguyên chia sẻ: “Tôi được biết tất cả các em học sinh ở Suối Giàng đều được học cách pha trà kể từ bậc mầm non trở đi. Tôi thích cách lưu giữ văn hóa và gây dựng văn hóa gốc ngay trong mỗi người chính ngay từ bậc học mầm non. Thật tuyệt vời khi tất cả mọi người nơi đây ai cũng là một hướng dẫn viên thẩm trà cho du khách!”.
Yên Bái là tỉnh có nhiều tộc người cùng sinh sống, bức tranh văn hóa tộc người nhiều màu sắc. Chính điều này đã tạo nên những giá trị di sản văn hóa rất đa dạng trên địa bàn tỉnh. Xác định được thế mạnh đó, tỉnh Yên Bái rất chú trọng đến việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh…
Bên cạnh đó, công tác quảng bá các giá trị văn hóa được tỉnh đặc biệt quan tâm. Việc tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng với Lễ hội Văn hóa – Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 là hoạt động quảng bá mạnh mẽ mà tỉnh đặc biệt chú trọng. Mọi công tác chuẩn bị, tổ chức được chuẩn bị chu đáo.
Với phương châm quảng bá giá trị văn hóa và thể hiện lòng hiếu khách, Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội vừa qua thành công rực rỡ. Nhờ đó, du lịch Yên Bái thực sự sôi động, làm đòn bẩy tiếp tục phát triển.
Thanh Ba
Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons