Chợ phiên Mù Cang Chải, Yên Bái

Du khách nào đã từng có dịp đặt chân lên mảnh đất Mù Cang Chải, từng được trải nghiệm và hòa mình vào những phiên chợ vùng cao của đồng bào các dân tộc nơi đây chắc hẳn sẽ không thể nào quên những nét đặc sắc của các phiên chợ này.

Ở huyện vùng cao Mù Cang Chải có 3 chợ chính là chợ ngã ba Kim, chợ huyện Mù Cang Chải và chợ Khao Mang. Mỗi chợ cách nhau khoảng 20 km dọc theo quốc lộ 32. Trên mảnh đất mù sương này đi chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào các dân tộc. Đây không chỉ là nơi để trao đổi hàng hóa mà còn mang yếu tố văn hóa tinh thần, là nơi gặp gỡ, giao lưu, tâm tình và cũng từ những buổi chợ phiên như thế cũng đã có nhiều đôi trai gái đã bén duyên để rồi họ lại hẹn gặp nhau vào phiên chợ.

Cứ như một thói quen không thể thiếu, chợ phiên vùng cao thường họp vào cuối tuần. Để đến kịp chợ, từ sáng sớm tinh mơ, khi màn đêm vẫn còn bao phủ một lớp sương mù, sẽ bắt gặp cảnh người gùi, ngựa thồ hàng hóa nối đuôi nhau vượt qua những con đường mòn quanh co, uốn khúc. Để đến được chợ đồng bào phải đi bộ rất xa, nhưng không vì thế mà họ nản lòng. Trời sáng dần, những làn sương mong manh cũng bắt đầu hiện rõ hơn, dọc đường họ hân hoan kể cho nhau nghe những câu chuyện để quên đi mệt, tiếng cười nói râm ran như phá vợ sự tĩnh lặng ở phía trước con đường.

Chợ phiên là nét độc đáo thể hiện văn hóa bản địa. Hàng hóa được đồng bào mang đến chợ cũng rất đa dạng và phong phú. Chủ yếu là các mặt hàng do họ tự làm ra như ngô, khoai, sắn, sản vật địa phương: vài mớ rau, một ít mận, mấy gùi táo mèo, vài lít rượu thóc hoặc một vài chai mật ong rừng… những sản phẩm này là sự kết tinh của lao động, thể hiện sự cần cù, chịu khó của người dân vùng cao, đồng thời phản ánh nét văn hóa đặc trưng của đồng bào.

Chợ phiên ở đây thường chia thành các khu riêng, đầu chợ sẽ bày bán các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống thường nhật tiếp đến là khu bán hàng gia dụng, công cụ lao động, và cuối chợ thường là khu bán vật nuôi. Ngoài khu mua bán, giữa chợ là dãy hàng ăn, nơi những nồi nước dùng to bốc hơi nghi ngút. Sau khi đã mua sắm đầy đủ những vật dụng cần thiết cho gia đình, người thân, mọi người lại rủ nhau vào các quán ăn để cùng nhau thưởng thức những món ăn mà mình yêu thích.

Đến với chợ vùng cao, du khách còn được đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm của đồng bào các dân tộc địa phương. Đàn ông đi chợ thường mặc quần áo đen, còn chị em thì xúng xính trong trang phục sắc màu rực rỡ, tạo nên nét đẹp và không khí vui tươi cho ngày chợ.

Khi phiên chợ kết thúc, trên khắp các nẻo đường về bản, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân gùi hàng mua được dọc theo những con đường mòn trở về nhà. Cuộc sống của người dân nơi đây tuy có phần khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn luôn giữ được sự chân chất gần gũi trong lời ăn tiếng nói nên chợ phiên cũng vì thế mà trở nên đặc biệt.

Ngày nay do sự giao lưu văn hóa nên những phiên chợ này ít nhiều có sự đổi thay nhưng vẫn luôn giữ được những nét đẹp riêng có của chợ phiên vùng cao. Người dân vùng cao giữ gìn từng phiên chợ như giữ nhịp thở của cuộc sống vốn dĩ là giản dị của họ. Bởi thế, mỗi phiên chợ vùng cao luôn để lại những ấn tượng khó quên trong lòng du khách mỗi khi có dịp ghé thăm./.

Một số hình ảnh của chợ phiên Mù Cang Chải :

phienphien1phien2

Đồng Giang

dulichyenbai.gov.vn

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons