Chiến khu Vần – một “địa chỉ đỏ”

Trong những ngày đầu tháng 8, tiết trời trong lành, chúng tôi về thăm vùng đất Chiến khu Vần – Hiền Lương. Một trong những căn cứ cách mạng quan trọng, gắn với cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử.

Kể chuyện truyền thống bên Di tích lịch sử Chiến khu Vần. (Ảnh: Ngọc Đồng)

Cách đây 76 năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, các chiến khu cách mạng lần lượt được thành lập, điển hình là Chiến khu Vần – Hiền Lương được thành lập tháng 5-1945, tại xã Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ) và làng Vần (Việt Hồng, Trấn Yên, Yên Bái). Chiến khu Vần – Hiền Lương là một trong 7 chiến khu quan trọng trong cả nước, tạo sự liên lạc giữa các chiến khu, làm nên những “bàn đạp” cho cuộc Tổng Khởi nghĩa. Những ngày Tháng Tám năm 1945 là những ngày sục sôi khí thế cách mạng không thể nào quên ở Chiến khu Vần – Hiền Lương.

Chiến khu Vần nằm ở phía Nam huyện Trấn Yên và Đông Nam huyện Văn Chấn. Trước năm 1945, Chiến khu Vần nằm ở địa bàn của 3 tổng là: Lương Ca, Giới Phiên (Trấn Yên) và Đại Lịch (Văn Chấn). Lịch sử vùng Chiến khu trải qua thời gian, địa danh, địa giới có nhiều thay đổi, trước đây vùng đất này thuộc huyện Văn Chấn, nay thuộc huyện Trấn Yên.

Địa giới có thể thay đổi, song trung tâm của Chiến khu là xã Minh Phú (tổng Lương Ca, huyện Trấn Yên) nay gồm 3 xã: Việt Hồng, Việt Cường, Vân Hội, trong đó tiêu biểu là hai điểm làng Vần xã Việt Hồng (là trung tâm chỉ huy của Chiến khu) và làng Đồng Yếng (thuộc xã Vân Hội) là trung tâm huấn luyện quân sự của căn cứ cách mạng Chiến khu.

Với vị trí địa lý và tinh thần giác ngộ cách mạng của nhân dân các dân tộc nơi đây, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc kỳ, khi thành lập Đội Du kích Âu Cơ đã chuyển lên Đồng Yếng làm trung tâm huấn luyện quân sự rồi vào làng Vần làm trung tâm chỉ huy. Lãnh đạo Chiến khu gồm các đồng chí: Trần Quang Bích, Bình Phương, Ngô Minh Loan, Nguyễn Phúc, Trần Đức Sắc. Chiến khu cũng là nơi an toàn đón các đồng chí cách mạng trung kiên vượt ngục nhà tù Sơn La về và một số hoạt động ở miền xuôi bị lộ lên để tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.

Ngày 30/6/1945, Ban Cán sự liên tỉnh Phú – Yên (Phú Thọ – Yên Bái) được thành lập, đồng chí Hoàng Quang Minh (Ngô Minh Loan) làm Bí thư lãnh đạo cách mạng tại hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ. Các chi bộ Đảng lần lượt ra đời là một sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với Chiến khu Vần – Hiền Lương trong việc xây dựng củng cố cơ sở và khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Từ đây, Đội Du kích Âu Cơ phát triển mạnh đã đánh bại chính quyền địch tan rã và đánh bại các cuộc tấn công của quân Ngụy, quân Nhật. Đồng thời, đã giác ngộ được các chánh, phó tổng đi theo và ủng hộ cách mạng, bảo vệ vững chắc an toàn căn cứ cách mạng Chiến khu.

Từ Chiến khu quân cách mạng đã tiến ra 3 hướng đi Phú Thọ, Yên Bái, Nghĩa Lộ để phá kho thóc Nhật chia cho nhân dân đang lúc đói khổ. Nhân dân càng tin tưởng đi theo cách mạng đánh đổ chính quyền địch, giải phóng và lập nên chính quyền cách mạng ở 2 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và huyện Phù Yên (Sơn La), góp phần tích cực vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Một số địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử quan trọng của Chiến khu được nhân dân trân trọng giữ gìn như: Khu nhà của ông Trần Đình Khánh, cây vải của ông Đình Trung, Đình Làng Vần, cây gạo, cây sữa, Hang Dơi, Đình Làng Dọc… Cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Yên Bái cũng như nhân dân cả nước từ thân phận của người nô lệ đã trở thành người dân của một nước độc lập, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Phát huy truyền thống vùng đất Chiến khu, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây đoàn kết một lòng xây dựng Việt Hồng ngày một phát triển. Các tuyến đường xã, đường thôn bản đã cơ bản được bê tông hóa đáp ứng cho nhu cầu đi lại cũng như phát triển sản xuất.

Ngoài ra hệ thống điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Những mô hình cánh đồng gieo cấy một giống lúa tại bản Vần, bản Nả, bản Din với diện tích hàng chục héc-ta; mô hình trồng dâu nuôi tằm tại bản Vần, bản Nả với diện tích gần chục héc-ta; mô hình trồng cây ăn quả tại bản Din, bản Chao, bản Phạ với diện tích 15 ha, trong đó diện tích kinh doanh 8,4 ha, sản lượng 60 tấn, cho thu nhập 1.200 triệu đồng/năm… đang khởi sắc kinh tế ở Chiến khu Vần, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho nhân dân.

Đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 36,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,17%, giảm 7,68% so với cùng kỳ. Năm 2019, Việt Hồng đã được công nhận xã nông thôn mới, hiện nay xã đang tập trung nguồn lực, phấn đấu đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.

Tháng Tám về lại Chiến khu Vần nhắc nhớ mốc son lịch sử vẻ vang của dân tộc, bồi đắp lòng tự tôn dân tộc, niềm tự hào truyền thống cách mạng của quê hương, khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng vươn lên, xây nên hình ảnh con người Yên Bái “thân thiện, đoàn kết, sáng tạo và hội nhập”.

Nguồn : baoyenbai.com.vn

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.