Việt Trì: Tập trung phát triển các ngành dịch vụ – du lịch

(XTDL) – Phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch được thành phố Việt Trì xác định là 1 trong 3 khâu đột phá để từng bước xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, xây dựng văn minh, văn hóa. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố Việt Trì cần tập trung hoàn chỉnh mạng lưới dịch vụ nhằm phát huy hiệu quả của các hoạt động dịch vụ trên địa bàn, khớp nối mọi hoạt động dịch vụ với quy hoạch chung của tỉnh. Vừa qua, thành phố đã xây dựng “Đề án phát triển các ngành dịch vụ giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030” – đây là cơ sở, nền tảng để kinh tế thành phố phát triển đúng định hướng, tạo đà cho các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển trong những năm tiếp theo.

 

Các công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, đô thị, văn hóa, du lịch…

được đưa vào sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và tạo diện mạo mới cho thành phố

 

Vai trò của ngành dịch vụ phát triển kinh tế – xã hội

Xác định phát triển các ngành dịch vụ không chỉ trực tiếp tạo động lực phát triển mà còn tạo lập và củng cố sự liên kết, bảo đảm đầu ra cho các ngành khác và tác động lan tỏa tới mọi lĩnh vực trong nền kinh tế của thành phố. Những năm qua, Việt Trì chú trọng đầu tư, đẩy mạnh phát triển ngành thương mại, dịch vụ, du lịch với nhiều giải pháp. Về nội lực mà nói, ngành thương mại, dịch vụ, du lịch của thành phố cũng đã có những “khởi sắc” đáng kể, cả về loại hình, quy mô, chất lượng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Với chức năng đô thị loại I, trên địa bàn thành phố đã bước đầu phát triển mạng lưới thương mại văn minh, trong đó có 10 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 18 cửa hàng, 24 chợ và dần hình thành các tuyến phố kinh doanh thời trang; điện tử – kỹ thuật số, dược phẩm và thiết bị y tế; kinh doanh ăn uống, giải khát; kinh doanh ẩm thực đặc sản; kinh doanh dịch vụ du lịch… Giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ tăng 5,35%/năm%; cơ cấu các ngành dịch vụ đạt 44,67%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 14,8%/năm; kim ngạch xuất khẩu bình quân hằng năm đạt gần 500 triệu USD, tốc độ tăng bình quân đạt 21,7%/năm. Khu vực dịch vụ, thương mại là phân ngành tạo việc làm lớn nhất với số lao động đạt trên 14.000 người, chiếm gần 30% tổng lao động trên địa bàn thành phố.

Một trong những tiềm năng lớn nhất mà Việt Trì có được để phát triển thành trung tâm dịch vụ – du lịch chính là lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan và đặc biệt là các di tích lịch sử, công trình kiến trúc, làng nghề truyền thống cũng như các di sản văn hóa, lễ hội của vùng đất Tổ, đặc biệt là hai di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”. Trên địa bàn thành phố hiện có 111 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, 53 di tích được xếp hạng (14 di tích cấp quốc gia, 39 di tích cấp tỉnh) và có 2 điểm du lịch trọng điểm là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và điểm du lịch Hùng Lô. Năm 2016, lượng khách tham quan và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đạt hơn 8 triệu lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt khoảng trên 800 tỷ đồng.

Cùng với đó, Việt Trì là đầu mối giao thông trung chuyển giữa vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền núi phía Bắc, với nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua tạo nên một mạng lưới giao thông đan xen thuận lợi cho các nhu cầu vận chuyển hành khách và lưu chuyển hàng hóa. Mạng lưới viễn thông và các dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển khá mạnh. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải, y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao có bước phát triển khá. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, đô thị, văn hóa, du lịch, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục như: Quảng trường Hùng Vương, Công viên Văn Lang, Trung tâm thương mại Vincom, cao tốc Nội Bài – Lào Cai… được đưa vào sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế, tạo diện mạo mới cho thành phố.

Định hướng và giải pháp phát triển ngành dịch vụ

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, hoạt động dịch vụ trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bất cập, thực tế quy mô, hiệu quả của ngành dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, nhất là dịch vụ phục vụ khách du lịch. Thực trạng phát triển ngành dịch vụ trên địa bàn thành phố đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết từ nhiều phương diện khác nhau. “Đề án phát triển các ngành dịch vụ giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được xây dựng để phát huy tối đa những điều kiện tiềm năng, lợi thế trong phát triển dịch vụ, nắm bắt thời cơ mới trong nước và hội nhập quốc tế, xác định tầm nhìn, mục tiêu, giải pháp và lộ trình phù hợp để phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch phù hợp với mục tiêu và lộ trình xây dựng thành phố lễ hội. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2020, giá trị gia tăng các ngành dịch vụ đạt gần 6.000 tỉ đồng; cơ cấu giá trị gia tăng thêm chiếm 47,5%;  tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017 – 2020 đạt trên 10%/năm; tổng số lao động trong các ngành dịch vụ đạt khoảng 56.000 người (chiếm 46,5% tổng số lao động toàn thành phố). Thành phố Việt Trì đã xác định tập trung ưu tiên phát triển 5 ngành/lĩnh vực dịch vụ: Dịch vụ du lịch; dịch vụ thương mại bán buôn, bán lẻ; hệ thống cơ sở lưu trú và ăn uống; hệ thống dịch vụ đô thị bao gồm cả mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; mạng lưới cơ sở hạ tầng và đầu tư phương tiện vận tải, kho bãi.

Để đạt được những mục tiêu này, Việt Trì sẽ tranh thủ các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ, xúc tiến đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại vùng quy mô 10ha nằm trong Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, chợ đầu mối tại phía Nam Quảng trường Hùng Vương quy mô 5ha; hoàn thiện đầu tư Trung tâm thương mại đa năng tại chợ trung tâm hiện nay; đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp Việt Trì. Đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng ưu tiên; nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng du lịch, kết cấu hạ tầng, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch. Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án Công viên Văn Lang, Quảng trường Hùng Vương. Trước mắt và lâu dài sẽ tập trung phát triển vào một số loại hình bán buôn, bán lẻ theo hướng văn minh, hiện đại như trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị tổng hợp và siêu thị chuyên doanh; xây dựng các trung tâm hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, chợ đầu mối nông sản và trung tâm dịch vụ logistics trên tuyến đường nối Việt Trì với cao tốc Hà Nội – Lào Cai qua nút giao IC7; từng bước chuyển hóa các chợ dân sinh quy mô nhỏ thành các cơ sở bán lẻ văn minh, phù hợp với từng phường, xã; có cơ chế hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp, di dời và xây mới chợ nông thôn theo quy hoạch đã được phê duyệt…

Có thể thấy, việc đưa Việt Trì trở thành trung tâm dịch vụ là một hướng đi đúng đắn và rất cần thiết. Đây sẽ là “chìa khóa” mở ra cơ hội cho Việt Trì phát triển toàn diện. Hy vọng, với những tiềm năng sẵn có và nỗ lực bằng nhiều giải pháp tích cực, thành phố Việt Trì thực sự bứt phá, xứng đáng là trung tâm khoa học công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao của vùng trung du và miền núi phía Bắc; là thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam; đô thị cửa ngõ quan trọng phía Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội và là địa bàn chiến lược về quốc phòng – an ninh của vùng cũng như của cả nước.

Nguồn: Hương Giang – phutho.gov.vn

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.