Du lịch Việt Trì cất cánh cùng dòng chảy hội nhập

(XTDL) – Việt Trì – thành phố ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Hồng, sông Lô, sông Ðà đã đi vào huyền thoại. Không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh mà thành phố Việt Trì còn là vùng địa linh nhân kiệt gắn liền với truyền thuyết Hùng Vương và những trầm tích văn hóa, lịch sử hàng ngàn năm. Với đặc trưng của vùng đất Tổ, cùng với sự đa dạng văn hóa… đã từ lâu Việt Trì trở thành điểm du lịch không thể thiếu đối với mỗi người dân Việt trong hành trình trở về cội nguồn dân tộc.

                                      

Điểm du lịch cộng đồng làng cổ Hùng Lô thu hút du khách quốc tế (Ảnh H.Giang)

Việt Trì sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Nhắc đến Việt Trì, đầu tiên là nhắc đến quần thể Khu Di tích lịch sử Đền Hùng – biểu tượng cội nguồn của dân tộc. Việt Trì còn là vùng đất có nhiều di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử, danh lam gắn liền thời đại các Vua Hùng và công cuộc giữ gìn, bảo vệ, xây dựng đất nước, với hàng trăm lễ hội mang nét văn hóa đặc trưng vùng đất Tổ. Rất nhiều các lễ hội dân gian và cũng có nhiều các lễ hội mới được hình thành trong quá trình hội nhập, phát triển… do chính người dân là chủ thể thực hiện việc gìn giữ, phục dựng, tiếp thu, chắt lọc và tổ chức hoạt động. Đặc biệt, từ khi “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại càng đã tạo điều kiện để Việt Trì trở thành điểm đến của đông đảo du khách thập phương.

Bà Phạm Thị Thu Hương- Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết: Thành phố Việt Trì hiện có 163 di sản văn hóa, trong đó 111 di sản văn hóa vật thể và 52 di sản văn hóa phi vật thể. Cùng với đó, các công trình tín ngưỡng, làng nghề truyền thống vẫn được duy trì và hoạt động khá hiệu quả. Tỷ lệ khách du lịch tăng bình quân từ 10-14%/năm. Tính riêng năm 2016, lượng khách tham quan và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đạt hơn 8 triệu, lượng khách lưu trú đạt 295 nghìn lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 5,5 nghìn lượt khách). Doanh thu dịch vụ du lịch đạt khoảng trên 800 tỷ đồng.

Hiện nay, loại hình du lịch phổ biến nhất của thành phố là du lịch văn hóa tâm linh, trải nghiệm. Việt Trì đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến du lịch của tỉnh, các trung tâm lữ hành khai thác đưa khách đến với 9 điểm du lịch của thành phố. Các tuyến du lịch nội thành và liên huyện cũng được các trung tâm lữ hành đưa vào khai thác và sử dụng. Gần đây, để phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hơn, thành phố đã xây dựng “City tour Việt Trì”. Du khách có thể chọn một trong các tour: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng – miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô, Bảo tàng Hùng Vương – Trung tâm thương mại Vincom; Khu Di tích lịch sử Đền Hùng – Bảo tàng Hùng Vương – đình Hùng Lô – đình Thét – làng rau Tân Đức; quần thể di tích đền chùa Tam Giang – Bảo tàng Hùng Vương – Khu Di tích lịch sử Đền Hùng – miếu Lãi Lèn – đình Hùng Lô.

“Tôi được biết sản phẩm du lịch “City tour Việt Trì” được xây dựng dựa trên các điểm đến nổi bật của thành phố Việt Trì. Các sản phẩm du lịch này đã giúp du khách được trải nghiệm mang tính chiều sâu về văn hóa, tín ngưỡng tâm linh thờ Hùng Vương, thưởng thức Hát Xoan và đời sống cư dân vùng đất Tổ” – Anh David Nguyễn, kiều bào Mỹ chia sẻ.  Anh Nguyễn Xuân Trường – khách du lịch tỉnh Hải Dương cho biết : “Năm 2017 là lần đầu tiên tôi đến Việt Trì. Quả thực, tôi rất bất ngờ trước vẻ đẹp của cảnh quan, nhất là sự trong lành của môi trường nơi đây”.Còn với bà Nguyễn Thị Vinh, 75 tuổi (tỉnh Hà Nam) chia sẻ: “Mặc dù tuổi cao nhưng năm nào tôi cũng về đây để dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, cầu mong những điều tốt lành cho con cháu và tham quan du lịch”…

Thực tế, việc phát triển sản phẩm du lịch đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Chỉ tính riêng năm 2016, ngoài Lễ hội Đền Hùng, điểm du lịch văn hóa đình Hùng Lô đã đón gần 80 đoàn với trên 2.500 lượt khách du lịch. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê doanh thu về hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố trong những năm qua thì tỉ lệ khách du lịch đến với Việt Trì ngày càng tăng, tuy nhiên tỉ lệ khách lưu trú và số ngày lưu trú chưa được cao, bình quân chỉ đạt 1,1 ngày.

Lễ hội dân gian đường phố Việt Trì góp phần thúc đẩy khách tham quan du lịch trong và ngoài nước đến với thành phố (Ảnh H.Giang)

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thành phố cho biết: Mặc dù tiềm năng, lợi thế là vậy nhưng Việt Trì chưa hình thành rõ nét các sản phẩm du lịch; sản phẩm lưu niệm đặc trưng, độc đáo riêng của thành phố gắn với di tích, giá trị thời đại Hùng Vương còn thiếu. Hoạt động kinh doanh du lịch vẫn mang tính tự phát, thời vụ; công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư vào phát triển du lịch còn chưa hiệu quả…

Để du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, là bước đột phá then chốt trong phát triển kinh tế – xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015- 2020, Việt Trì đang tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các hạng mục, chương trình dự án như: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Công viên Văn Lang, Quảng trường Hùng Vương… Tiếp tục thực hiện xây dựng hạ tầng giao thông tới các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Thành phố đang triển khai lập điều chỉnh quy hoạch, xác định rõ quy mô, diện tích các khu vực đất công trình di tích, văn hóa (đặc biệt là các công trình có liên quan đến Hát Xoan và các nghi lễ, lễ hội liên quan đến thời đại Hùng Vương) để bảo vệ và làm địa điểm phục dựng các lễ hội đặc sắc thu hút du lịch. Xây dựng đề án phục dựng lễ hội “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” và lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia…

Đồng thời, thành phố cũng đẩy mạnh các tour, tuyến du lịch, nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, người làm du lịch tại các đơn vị, cơ sở kinh doanh du lịch, lưu trú; nỗ lực xúc tiến, quảng bá, ban hành chính sách hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tạo được những sản phẩm du lịch đặc trưng của quê hương đất Tổ… Phấn đấu đến năm 2017, lượng khách tham quan đạt 8,5 triệu khách, lượng khách lưu trú đạt 350 nghìn lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 6 nghìn lượt khách); doanh thu dịch vụ du lịch đạt khoảng trên 860 tỷ đồng. Đặc biệt, khi thực hiện Đề án “Xây dựng Thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam” sẽ càng là điều kiện thuận lợi để du lịch Việt Trì cất cánh cùng dòng chảy hội nhập.

Nguồn: Tạ Hữu Đông – phutho.gov.vn

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.