Sắp diễn ra Triển lãm trực tuyến “Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ”

Ngày 26/4/2024, tại Hội trường Công an tỉnh Điện Biên (tổ 9, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) sẽ diễn ra triển lãm trực tuyến “Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ”, giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh từ các cơ quan lưu trữ, phản ánh lịch sử tỉnh Điện Biên từ thuở sơ khai đến nay, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố.

Triển lãm được công bố vào lúc 9h30’ ngày 26/4/2024 tại địa chỉ:

 Website TTLQGI: archives.org.vn

– Fanpage TTLTQGI: facebook.com/luutruquocgia1

– Cổng thông tin điện tử tỉnh Điện Biên: http://www.dienbien.gov.vn

– Website Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên: snv.dienbien.gov.vn

Triển lãm là thiết kế không gian 3D lấy ý tưởng từ những địa danh nổi tiếng của tỉnh Điện Biên như thành Bản Phủ, khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ… với bố cục gồm 3 phần:

Phần 1: Từ vùng đất của người Việt cổ đến danh xưng Điện Biên

Điện Biên trước thế kỷ XIX

Điện Biên xưa thuộc tỉnh Hưng Hóa. Tỉnh Hưng Hóa đời Hùng vương xưa là bộ Tân Hưng. Đời Tần thuộc Tượng Quận. Đời Hán là đất Nam Trung. Đời Ngô là đất các huyện Lâm Tây và Tây Đạo thuộc quận Tân Hưng. Đời Đường là huyện Tân Xương, lệ vào châu Đằng. Đời Trần đặt làm đạo Đà Giang; lại đặt làm trấn, cuối đời Trần đổi làm trấn Thiên Hưng. Thời thuộc Minh đặt 2 châu Gia Hưng và Quy Hóa.

Năm Vĩnh Lạc thứ 5, đổi 2 trấn Gia Hưng và Quy Hóa làm châu, lệ thẳng vào ty Bố chính. Năm thứ 17 gộp 2 huyện Lung và Mông vào châu Gia Hưng, huyện Yên Lập vào châu Quy Hóa. Đời Lê Thuận Thiên đặt 2 lộ Gia Hưng và Quy Hóa thuộc tây đạo. Bản đồ đời Hồng Đức, đổi 2 lộ làm phủ, lại lấy châu Phục Lễ đặt làm phủ An Tây, đặt Hưng Hóa thừa tuyên, cũng gọi là xứ Hưng Hóa, lãnh 3 phủ, 4 huyện và 17 châu. Đời Mạc đổi làm trấn Hưng Hóa.

Điện Biên dưới triều Nguyễn

Năm Minh Mệnh thứ 12chia tỉnh hạt, đổi trấn Hưng Hóa làm tỉnh Hưng Hóa. Năm Thiệu Trị thứ 1, tách các châu Ninh Biên, Tuân Giáo, Châu Lai đặt thêm phủ Điện Biên thuộc tỉnh Hưng Hóa (1841). Đây là lần đầu tiên danh xưng Điện Biên chính thức xuất hiện trong lịch sử. Năm Tự Đức thứ 4, đổi châu Quỳnh Nhai lệ vào phủ Điện Biên và do châu Lai kiêm nhiếp. Năm thứ 5 lại đổi châu Luân lệ vào phủ Điện Biên và do châu Tuần Giáo kiêm nhiếp. Đến cuối thời vua Tự Đức, trước khi có sự can thiệp của thực dân Pháp phủ Điện Biên quản lãnh 5 châu là Ninh Biên, Châu Lai, Châu Luân, Quỳnh Nhai, Tuần Giáo.

Phần 2: Điện Biên – Điểm hẹn của lòng yêu nước

Điện Biên thời Pháp thuộc

Sau khi chiếm được Bắc Kỳ, để thực hiện chính sách vừa bình định vừa chiếm đóng, kể từ ngày 15/4/1888, Pháp đã phân chia địa bàn từ Thanh Hóa trở ra Bắc thành 14 Quân khu đồng thời vẫn duy trì chính quyền dân sự.

Năm 1891, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định bãi bỏ các Quân khu và cho thiết lập 4 Đạo quan binh ở Bắc Kỳ, lần lượt là Phả Lại, Lạng Sơn, Yên Bái và Sơn La. Điện Biên thuộc Đạo quan binh 4 Sơn La.

Năm 1892, Đạo quan binh 4 được chia thành tiểu quân khu Vạn Bú và khu vực Lai Châu. Một năm sau, tiếp tục điều chỉnh địa giới các Đạo quan binh. Tiểu quân khu Vạn Bú gồm châu Phù Yên, Mộc Châu, An Châu, Sơn La, Thuận Châu, Mai Sơn, Tuần Giáo và Điện Biên.

Đến năm 1895, tiểu quân khu Vạn Bú trở lại chế độ dân sự, trở thành tỉnh Vạn Bú, sau đó đổi tên thành tỉnh Sơn La, tỉnh lỵ chuyển về nơi ngày nay là thành phố Sơn La.

Ngày 28 tháng 6 năm 1909, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách một số châu, phủ của tỉnh Sơn La để thành lập tỉnh Lai Châu. Năm 1915, một lần nữa chuyển tỉnh Lai Châu sang chế độ cai trị quân sự.

Bất bình với chính sách cai trị của thực dân Pháp, thủ lĩnh người Mông Vừ Pa Chay đã đứng lên kêu gọi đồng bào đấu tranh. Khởi nghĩa Vừ Pa Chay trong các năm 1918-1922 là một minh chứng rõ nét về lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc.

Điện Biên Phủ – Một thiên sử vàng

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, quân Pháp quay lại nổ súng gây chiến với quyết tâm cướp nước ta một lần nữa, buộc nhân dân ta phải đứng lên chiến đấu bảo vệ nền độc lập.

Đến cuối năm 1953, cuộc kháng chiến bước sang năm thứ 8. Trên khắp các chiến trường, quân đội Việt Nam dồn dập phản công quyết liệt, buộc đối phương phải phân tán lực lượng đối phó.

Bộ chỉ huy quân đội Pháp ra sức tập trung quân, xây dựng lòng chảo Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, nhằm thu hút chủ lực của quân đội Việt Nam vào cuộc chiến.

Nhận thấy đây là thời cơ để tiêu diệt sinh lực địch, Bộ chỉ huy Quân đội Việt Nam quyết định mở chiến dịch tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ, đến ngày 07/5/1954, ta đã hoàn toàn chiến thắng.

Từ đây, Điện Biên trở thành một địa danh chói sáng, một bản hùng ca vẻ vang và oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

Hình ảnh tư liệu: Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. 

Phần 3: Điện Biên – Hành trình đổi mới

Từ Nông trường Điện Biên đến thành phố Điện Biên Phủ

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Nông trường quân đội Điện Biên được thành lập. Năm 1960, Nông trường quân đội Điện Biên trở thành Nông trường quốc doanh Điện Biên, trực thuộc Bộ Nông trường.

Việc thành lập nông trường đã kéo theo di dân từ đồng bằng Bắc Bộ, biến Điện Biên thành một thị trấn nông trường, sau được nâng cấp thành thị trấn huyện lỵ của huyện cùng tên thuộc tỉnh Lai Châu.

Thị xã Điện Biên Phủ được thành lập ngày 18 tháng 4 năm 1992 theo quyết định số 130/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng trên cơ sở thị trấn Điện Biên và xã Thanh Minh thuộc huyện Điện Biên.

Tháng 9 năm 2003, thành phố Điện Biên Phủ được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu.

Quy hoạch và phát triển tỉnh Điện Biên

Ngày 26/11/ 2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó chia tỉnh Lai Châu thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên. Theo đó, tại thời điểm chia tách tỉnh Điện Biên có diện tích tự nhiên là 955.409,70 héc-ta và dân số là 440.300 người, bao gồm: diện tích và số dân của thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Lai Châu (trừ phường Lê Lợi) và 6 huyện: Mường Nhé, Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Lay (trừ: xã Pú Đao, xã Chăn Nưa, xã Nậm Hàng, bản Thành Chử thuộc xã Xá Tổng). Đảng bộ và nhân dân tỉnh Điện Biên xác định đây là cơ hội lịch sử để thực hiện ước muốn xóa hết đói nghèo, tiến tới xây dựng một Điện Biên mới, giàu và đẹp hơn.

Nhiều tài liệu, hình ảnh phản ánh những nỗ lực và thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên sẽ được giới thiệu đến công chúng.

Theo Ban Tổ chức Triển lãm, qua tài liệu lưu trữ, với ứng dụng công nghệ làm gia tăng trải nghiệm giác quan của người xem, đưa công chúng trở về với cội nguồn lịch sử và giúp cho công chúng có cái nhìn tổng thể và rõ nét hơn về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng; từ đó hiểu thêm về một vùng đất anh dũng trong chiến đấu, hăng hái trong lao động, tích cực trong phát triển kinh tế, cởi mở trong hội nhập quốc tế; đồng thời, bảo vệ vững chãi biên cương của Tổ quốc.

Qua đó, góp phần vào việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, phát huy niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của mảnh đất, con người Điện Biên cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Thông qua triển lãm, góp phần giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, con người, văn hóa Điên Biên với bạn bè trong nước và thế giới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.